Người xây dựng bền bỉ trên cuộc đua Marathon đường dài từ trái sang Ông Bolat, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons và ông Võ Hoàng Lâm, tân CEO Coteccons.

 
Đại Việt Thứ Ba | 13/09/2022 20:00

“Cuộc đua marathon” của Coteccons

Hành trình vượt sóng gió và giữ vững vị thế trong ngành xây dựng của Coteccons được ví như cuộc đua marathon: Luôn vượt qua chính mình để tiến về phía trước.

“Nội công ngoại kích” chính là cụm từ diễn tả rõ nhất tình thế mà Coteccons đã phải đương đầu trong năm 2020. Sóng gió ập đến sau khi thành phần lãnh đạo chủ chốt bỏ đi. Nhân sự bị lôi kéo bởi những công ty đối thủ, khách hàng rời đi, lợi nhuận lao dốc không phanh là những thách thức đặt ra cho Ban lãnh đạo Coteccons.

Trải qua 2 năm sóng gió, nay Coteccons đã trở lại đường đua. Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện với 2 lãnh đạo mới của Coteccons về sự kiên định trong “cơn bão hoài nghi” để chứng minh được thực lực của một thương hiệu có tên tuổi lớn tại thị trường xây dựng của Việt Nam. Chính những biến cố vừa qua là một phép thử khắc nghiệt và buộc Coteccons phải có sự thay đổi lớn, vừa để tồn tại, vừa để vượt lên chính mình...

Người xây dựng bền bỉ trong cuộc đua Marathon đường dài (Từ trái sang: ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons và ông Võ Hoàng Lâm, tân CEO Coteccons).
 

CHƯA XUẤT PHÁT ĐÃ VÀO "TÂM BÃO"

Thách thức lớn nhất mà Coteccons phải đối mặt trong 2 năm qua là gì? 
Ông Bolat Duisenov: Đó chính là con người và động lực đến từ bên trong mỗi người. Vào thời hoàng kim, chúng tôi có tất cả mọi thứ, một công ty có năng lực tài chính tốt, nhân viên tài năng, thiết bị, máy móc hiện đại... Thế nhưng, quá trình chuyển đổi diễn ra, dư luận bắt đầu hoài nghi.

Nhiều người từng bảo rằng Công ty sẽ khó mà sống sót qua 1 năm, rằng sẽ không còn ai ở lại, rằng Công ty sẽ không thể có dự án mới, không còn việc gì để làm... Sự hoang mang tột độ trong lòng khách hàng đã vô tình tạo thành hiệu ứng domino. Chúng tôi cũng đã tự hỏi vì sao Coteccons liên tục được giao dự án trong suốt 18 năm qua mà bỗng nhiên không nhận được dự án nào?

Ông Võ Hoàng Lâm: Lúc đó, tất cả mọi thứ đều bị ảnh hưởng và chúng tôi đã ở trong một “cơn bão tồi tệ nhất”. Hàng loạt vấn đề tưởng chừng không thể xảy ra ở Coteccons nhưng lại trở thành hiện thực như nhân sự bỏ đi, nợ khó đòi, dòng tiền và báo cáo tài chính không mấy sáng sủa... 

Năm 2021, chúng tôi ghi nhận doanh thu giảm gần 38%, lợi nhuận sau thuế giảm còn hơn 24 tỉ đồng, trong khi năm 2020 con số này lên tới 334,5 tỉ đồng. Đây cũng là lợi nhuận thấp nhất kể từ khi Coteccons bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngoài những con số đi xuống, Coteccons còn gánh áp lực nặng nề và đa chiều hơn thế nữa. Bên cạnh COVID-19 và những vấn đề chung của môi trường bên ngoài, Coteccons còn phải đón nhận sự cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt từ những đối thủ hết sức dai dẳng và khó đoán trong quá trình đấu thầu. Thông tin bất lợi bủa vây trên truyền thông và công luận. Chuyện “ra đi” của những người vốn là đồng nghiệp - đồng đội đã nhiều năm gắn bó. Sự hiện diện của những nhân tố mới, hoàn toàn xa lạ và có thể gợi lên nhiều so sánh hoặc đề phòng và cả e dè, một tâm trạng bất an chắc chắn đã từng bao trùm. Chúng tôi đã khởi đầu cuộc đua như thế.

 

Tình hình hiện tại đã khả quan hơn rất nhiều. Điều gì đã giúp ông vượt qua cuộc khủng hoảng này?

Ông Bolat Duisenov: Chúng tôi xem cuộc khủng hoảng như một cơn sóng, có lúc dâng cao và sẽ có lúc đi xuống. Khi những cơn sóng này ập đến, điều chúng tôi có thể làm là bình tĩnh đợi cho cơn sóng đi qua. Sở dĩ chúng tôi có thể làm được điều này là vì Coteccons có hơn hàng ngàn kỹ sư giỏi nhất trên thị trường. Nhưng điều quan trọng hơn hết là sự kiên định. Tôi có thể lấy cuộc đua marathon làm ví dụ. Khi đang chạy trên đường đua, bạn có thể sẽ thét lên rằng: “Tôi mệt quá. Tôi có thể dừng lại không? Tại sao tôi cần phải chạy chứ?” Tâm trạng của chúng ta không ngừng xáo động vì sự mệt mỏi, nhưng sự kiên định làm nên kỳ tích.

Tất nhiên, chúng tôi cũng đứng trước công cuộc tái cấu trúc để đáp ứng với những thay đổi lớn trên thị trường. Đó chính là việc phải chuyển đổi thành công với những nguyên tắc mới, triết lý mới, tập trung vào ổn định bộ máy, nhân sự, cải cách quản trị... 

Ông Võ Hoàng Lâm: Trong tiến trình trưởng thành của một doanh nghiệp, tất yếu sẽ có những cuộc xáo trộn để sắp xếp lại, phải chấp nhận những cuộc chuyển mình để cập nhật nội lực và đạt đến tầm vóc mới. Những người ở lại, trụ vững qua những biến động đó đã chứng minh ý chí kiên định, tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành với Công ty. Họ thực sự là những người mang “DNA của Coteccons”, đó chính là sự kiên định trong mỗi con người Coteccons. Tôi cũng đã kiên định với Coteccons trong suốt 18 năm qua. Vị trí Tổng Giám đốc là một thử thách lớn trong giai đoạn này nhưng tôi nghĩ mình đã sẵn sàng cho những thử thách mới.

Tôi cũng nghĩ làm kinh doanh như một cuộc đua marathon. Mọi thứ đều phải xuất phát từ sự bền bỉ, kiên trì tập luyện và phải đi cùng nhau trên chặng đường dài. Khi đã kiên định và hướng đến mục tiêu thì chúng ta sẽ về đích.

 

Như vậy có nghĩa là khi có khủng hoảng xảy ra, ông chỉ cần ngồi yên, kiên định và không cần làm gì cả?

Ông Bolat Duisenov: Thay vì phải xoay xở mọi cách và chạy theo những giải pháp ngắn hạn nhằm xoa dịu sự sợ hãi đến từ bên ngoài, tôi quyết định chậm lại với sự trấn an “ít nhất Coteccons sẽ không thể có vấn đề nghiêm trọng nếu không làm gì trong 1 năm”.

Một giám đốc dự án đã nói với tôi: “Tôi thấy cơ hội khi khách hàng nghi ngờ chúng ta, vì khi họ ở tâm thế hoài nghi, lúc đó họ sẽ để tâm hơn bình thường, khi họ để tâm hơn, họ sẽ nhìn sâu hơn vào cách làm việc, quy trình và tiêu chuẩn của Coteccons. Từ đó họ sẽ thấy sự khác biệt của chúng ta”.

Thật vậy, khách hàng này sau 1 năm thách thức, họ lại tiếp tục giao dự án cho chúng tôi. Và nhiều khách hàng khác dần tìm đến chúng tôi và Coteccons có thể triển khai dự án. Từng bước một, Coteccons hoàn thành dự án, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không trễ hạn, không tai nạn lao động, chất lượng đảm bảo. Khi khách hàng thấy điều đó, họ nói: “Quá ổn, không vấn đề gì”.

Ông Võ Hoàng Lâm: Sự trở lại của khách hàng giúp cho tình hình kinh doanh của chúng tôi khả quan hơn rất nhiều. Quý II/2022, chúng tôi ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 30% so với cùng kỳ. Coteccons ghi nhận lãi gộp hơn 215 tỉ đồng, tăng 80 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, Coteccons đề ra mục tiêu 15.010 tỉ đồng doanh thu, tăng 65% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng tài sản của Coteccons tăng 9,4% so với đầu năm lên 16.457 tỉ đồng. 

ĐÍCH ĐẾN 3 TỈ USD

 

Mục tiêu doanh thu 3 tỉ USD trong 4 năm tới của Coteccons là rất tham vọng. Coteccons dựa trên cơ sở và chiến lược nào để thực hiện điều này?

Ông Bolat Duisenov: Chúng tôi sẽ tập trung vào lợi thế cạnh tranh của mình. Vị thế trong ngành xây dựng là lợi thế đầu tiên của chúng tôi. Lợi thế tiếp theo chính là khả năng phân quyền. Chúng tôi gọi nó là chương trình trao quyền. Chúng tôi tin rằng nhân sự của Coteccons có nhiều tài năng. Nhiệm vụ của Ban lãnh đạo là tìm ra những tài năng này và tạo điều kiện cho họ làm nên những kỳ tích.

Ngoài ra, sở hữu một thương hiệu mạnh cũng là một trong những lợi thế của chúng tôi. Mọi người có thể thích, hoặc không thích, nhưng chắc chắn họ không thể không biết đến Coteccons. Cho đến thời điểm này, những ngôi nhà, nhà máy hay trung tâm mua sắm... do Coteccons xây dựng đều là những công trình mang dấu ấn về chất lượng, an toàn.

Ông Võ Hoàng Lâm: Mục tiêu đó không phải là một thách thức lớn với chúng tôi, vì hiện nay Coteccons đang triển khai sang nhiều lĩnh vực khác và cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm mới. Coteccons đang phát triển sang lĩnh vực hạ tầng, bê-tông lắp ghép... Những lĩnh vực này cũng liên quan với ngành nghề cốt lõi của Coteccons.
Coteccons vừa được chọn làm tổng thầu nhiều dự án lớn như nhà máy tỉ USD LEGO tại Bình Dương hay dự án Diamond Crown Hải Phòng. Tôi cảm thấy mọi việc đang đi đúng hướng với tốc độ khá nhanh.

Ông Bolat Duisenov: Nhiều người hỏi vì sao LEGO chọn chúng tôi. Rất đơn giản, vì họ chọn những gì tốt nhất cho họ. Cần phải biết rằng, nhóm dự án LEGO đã đề ra một quy trình làm việc rất chặt chẽ và chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong suốt quá trình theo đuổi dự án, đội ngũ Coteccons đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và yêu cầu kỹ thuật phức tạp với độ khó cao, đặc biệt ở yếu tố bền vững... Tôi tin rằng những mối quan hệ hợp tác này là thành quả xứng đáng dành cho sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của chúng tôi.

Tình hình kinh tế đang bất ổn, ngành xây dựng cũng đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Coteccons có cơ hội gì để phát triển theo mục tiêu đã đặt ra?

Ông Bolat Duisenov: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.000 USD/năm. Để đạt được con số 10.000 USD/năm còn phải mất một khoảng thời gian khá dài và chắc chắn tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ phải phát triển mạnh hơn nữa. Việt Nam cần có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, trung tâm mua sắm, xây dựng nhiều cầu đường và hàng loạt công trình khác. Đó chính là cơ hội lớn của Coteccons.

Với sự lạc quan đó, bức tranh về một Coteccons trong 10 năm tới sẽ như thế nào?

Ông : Tôi chỉ cần 4 năm thôi. Trong 4 năm tới, vốn hóa của Coteccons sẽ cán mốc 1 tỉ USD. Với những lợi thế và điều kiện khách quan thuận lợi, tôi nhìn thấy rất rõ Coteccons sẽ phát triển mạnh mẽ.

Ông Võ Hoàng Lâm: Sau một thập niên tăng trưởng mạnh, biến động về giá cả vật liệu quá lớn, bị nợ đọng... khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam gặp khó khăn và phân hóa mạnh. Mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch COVID-19 nhưng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực, được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn có một Coteccons phát triển theo hướng bền vững trong 4-5 năm tới, một công ty xây dựng không phụ thuộc vào chu kỳ bất động sản. Tính bền vững đối với chúng tôi là sự đa dạng hóa sản phẩm, chứ không chỉ tập trung ở mảng xây dựng dân dụng, thương mại như trước đây. Để kết nối đội ngũ cho nền tảng mới này, một trong những điều quan trọng mà chúng tôi tin là sẽ mang lại thành công bền vững chính là luôn theo đuổi giá trị của minh bạch và chính trực...

Điều gì khiến ông tự hào về Coteccons?

Ông Bolat Duisenov: Nhiều người cho biết họ đến đây để tạo ra sự khác biệt, muốn thay đổi và muốn kiến tạo tương lai. Tôi có hỏi một nhân viên điều phối dự án: Vì sao anh lại làm nghề này? Anh ấy nói vì muốn cùng công ty lớn mạnh, muốn tạo ra sự khác biệt. Lời anh ấy nói làm tôi rất cảm động.

Có nhân viên còn muốn đưa các con tới công trường để chúng thấy nơi cha mẹ của mình đã cống hiến, đã đổ mồ hôi, nước mắt trên công trường như thế nào để trở thành một phần của những tòa nhà hiện đại. Những giá trị này sẽ lưu giữ hàng trăm năm sau nữa. Đó là điều mà người Coteccons đáng tự hào vì đã để lại dấu ấn trên khắp đất nước Việt Nam.

Những tín hiệu tích cực gần đây là thành quả của những con người ngày đêm miệt mài tại văn phòng, trên công trường. Đôi lúc tôi đi ngang qua tòa nhà vào ban đêm và nhìn thấy được ánh sáng xuyên qua cửa sổ và tôi biết rằng họ vẫn còn đang làm việc. Với những con người chăm chỉ như vậy, mọi thứ tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước.