Chống thuốc lá lậu: Cần những giải pháp đồng bộ và hiệu quả
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đã tổ chức Hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” tại TP.HCM để cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình chống buôn lậu thuốc lá và đề xuất các giải pháp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này.
Tham dự Hội thảo có đại diện của Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Công an kinh tế, Ban lãnh đạo VTA cùng các doanh nghiệp thành viên…
Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch VTA, cho biết trong các năm qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Ban chỉ đạo 389 cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới thường xuyên và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện thành công nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây, khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình COVID-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể, cụ thể số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2%. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách đặt ra cho Chính phủ và các lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc lá lậu.
Ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) |
Theo các diễn giả tại Hội thảo, thực trạng này là do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu. Đơn cử, lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000 - 8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc. Nghiêm trọng hơn, thuốc lá được nhập khẩu bất hợp pháp vào nước ta không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, hay việc lợi dụng cư dân sống ở vùng biên giới trung chuyển… cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tình hình.
Ngoài ra, những năm gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự. Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở cửa hoàn toàn giao thương, giao lưu kết nối trong nước cũng như quốc tế, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Báo cáo của các đại biểu tại Hội thảo cũng chỉ ra, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập khẩu bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.
90% thuốc lá nhập lậu trên thị trường hiện nay mang thương hiệu JET và HERO. Ảnh: VTA. |
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung phòng, chống thuốc lá lậu nhưng do địa bàn rộng, nhân sự và phương tiện thiếu thốn, sinh kế người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên việc kiểm soát thuốc lá lậu vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, tại Hội thảo, VTA và các đại biểu đề xuất triển khai giải pháp đồng bộ và toàn diện để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thuốc lá lậu, bao gồm: (1) tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; (2) cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này; (3) trích một phần kinh phí trong Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu; (4) kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ lãnh thổ Campuchia về Việt Nam.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để cho các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch COVID-19, tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường cũng như tạo thêm khoảng trống cho thuốc lá lậu. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cân nhắc lộ trình phù hợp với Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tức việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2024 trở đi, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá hợp pháp tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra sự bền vững về an sinh xã hội.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, theo các diễn giả tại Hội thảo, hiện nay đa phần tin tức công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông chỉ dừng lại ở các vụ bắt giữ thuốc lá, rất ít thông tin về việc áp dụng các hình phạt trong xử lý vụ việc sau đó nên tác dụng tuyên truyền chưa cao, dẫn đến sự lơ là trong chấp hành pháp luật ở các đối tượng.
Hội thảo cũng dành một phần thời gian thảo luận về việc cần áp dụng chặt chẽ các hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá lậu đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng.
Như vậy, theo quy định này, chế tài xử phạt hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá nhập lậu có thể bị phạt tiền tới 3 triệu đồng. Mức phạt cao theo quy định tại nghị định đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong công tác chống nạn thuốc lá nhập lậu bởi trước đó, quy định tại điều 25, Nghị định 124/2015/NĐ-CP, với số lượng dưới 10 bao, người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.