Diễn đàn Quản trị Công ty lần thứ 7

 
Mạnh Long Thứ Sáu | 06/12/2024 08:00

CEO Nguyễn Thị Trà My lần đầu nói về nguy cơ nạn đói đến năm 2050 và “combo” mà lãnh đạo PAN Group luôn đau đáu

Tại PAN, khái niệm quản trị công ty là cách một công ty được định hướng và kiểm soát.

Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) vừa tổ chức diễn đàn thường niên lần thứ 7 với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và sự đồng hành của UBCKNN.

Với chủ đề “Đầu tư vào Quản trị Công ty: Chiến lược Thu hút Nhà đầu tư có trách nhiệm trong Xu thế Quốc tế hóa thị trường”, diễn đàn hướng đến thúc đẩy thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu  tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025. 

Theo báo cáo từ VIOD, hiện nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi QTCT gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. Do đó, các chuyên gia cho rằng yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng QTCT cho Việt Nam cần được thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược quan trọng và cần  được ưu tiên hàng đầu. 

Chỉ có những công ty quản trị tốt mới gọi được vốn giá cao

Tham gia chia sẻ tại sự kiện, ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc Điều hành, Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital, cho biết trong vòng 20 năm qua, các nhà đầu tư trên thế giới đã nói về quản trị rất nhiều, thay vì tập trung nhiều vào lợi nhuận. Trong khi tại Việt Nam, điều này mới chỉ nổi trội vài năm trở lại đây.

Bổ sung, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC là ông Trịnh Hoài Giang cũng nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư ngày nay thay vì quan tâm nhiều về tài chính, thì họ quan tâm nhiều hơn về mặt phi tài chính, mà cụ thể là quản trị doanh nghiệp.

Ông Giang còn cho biết, hiện nay để có được một thương vụ thành công và giá cao, thì chỉ có những công ty nào có quản trị tốt mới đạt được. Do đó, CEO HSC kêu gọi chủ doanh nghiệp phải có cái nhìn toàn diện nhiều khía cạnh, không chỉ lợi nhuận, lợi ích cho cổ đông mà phải bao gồm cả tác động đến môi trường, tác động xã hội.

“Nếu doanh nghiệp được ví như một anh học sinh, thì anh học sinh đó phải giỏi và ngoan. Giỏi tức tăng trưởng và phát triển, còn ngoan là phải có phát triển bền vững”, ông Giang ví von.

Số liệu từ McKinsey và World Bank cũng thể hiện, các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10-20% và có chi phí vốn thấp hơn 10-15% khi gọi vốn. Điều này minh chứng cho việc quản trị công ty tốt không phải là điều kiện cần, mà là điều kiện sống còn.

Quản trị doanh nghiệp và “combo” mà lãnh đạo PAN luôn luôn đau đáu

Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN chia sẻ về cơ cấu HĐQT lý tưởng.
Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN chia sẻ về cơ cấu HĐQT lý tưởng.

Là một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn tại Việt Nam, góc nhìn của CEO Tập đoàn PAN – Nguyễn Thị Trà My – mở đầu chia sẻ với một dự báo đến năm 2050, nạn đói có thể xảy ra. 

“An ninh lương thực là vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam được coi như bếp ăn của thế giới. Là một doanh nghiệp, tập đoàn đứng đầu trong ngành nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy sứ mệnh của mình”, bà nói.

Và để thực hiện được sứ mệnh, quản trị doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững là một trong những quan tâm hàng đầu của PAN. Tập đoàn hiện có 11.000 nhân viên với hơn 10 công ty thành viên, đa phần là công ty niêm yết với tổng 68 thành viên hội đồng quản trị.

Trong đó, HĐQT của công ty mẹ có 7 người. Điểm khác biệt nhất theo bà My là sự đa dạng. Thành phần HĐQT của PAN qua các thời kỳ đều rất đa dạng về lĩnh vực, kinh nghiệm, lứa tuổi U40-80 và cả giới tính. 

“Chủ tịch HĐQT là người có kinh nghiệm về chiến lược tài chính, 1 thành viên giỏi về tối ưu nguồn vốn, 1 giáo sư Đại học Hawaii (Mỹ) có thế mạnh về công nghệ, và 1 thành viên HĐQT U30 nắm bắt xu hướng kinh doanh, đổi mới sáng tạo.

Cá nhân tôi có 30 năm đồng hành với ngành nông nghiệp, một ngành rất khó khăn nhưng tôi có đam mê và mong muốn truyền cảm hứng, tình yêu nông nghiệp, yêu nông dân cho HĐQT và đất nước chúng ta”, bà chia sẻ.

Đa dạng tuy là ưu thế cũng là thách thức, làm thế nào để quản trị công ty tốt trong một bức tranh nhiều màu với PAN là bài toán lớn

Để giải được bài toán này, bà Trà My cho rằng cần nhất là sự đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro. Đây là “combo” mà lãnh đạo PAN luôn luôn đau đáu. 

Tại PAN, khái niệm quản trị công ty là cách một công ty được định hướng và kiểm soát. Đáng chú ý trong chiến lược quản trị của PAN là việc đưa các nội dung phát triển bền vững, cụ thể là ESG, từ rất sớm vào mọi hoạt động của doanh nghiệp. 

Không chỉ tiên phong trong yếu tố G (Governance - Quản trị) với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như IFC, PAN còn đi đầu trong các khía cạnh E&S khi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, thực phẩm và xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu (50%).

Tuân thủ nguyên tắc quản trị hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan và đóng góp cho phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu là những yếu tố đưa Tập đoàn PAN nằm trong Top 10 công ty quản trị tốt nhất nhóm vốn hóa vừa tại chương trình bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2024 do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư tổ chức