Công Sang Thứ Tư | 06/03/2024 09:00

AWS giúp khách hàng Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên AI

Nâng cấp hạ tầng công nghệ với chi phí cạnh tranh, giảm thiểu thời gian ra sản phẩm là cách AWS cung cấp cho khách hàng trong thời đại AI bùng nổ.

Định vị nhu cầu doanh nghiệp Việt Nam

Arcanic AI là startup cung cấp dịch vụ giúp doanh nghiệp khai thác tối ưu tiềm năng dữ liệu của mình dựa trên mô hình ngôn ngữ tiếng Việt được phát triển và tối ưu bởi chính đội ngũ của Arcanic AI. Theo bà Laura Nguyễn, đồng sáng lập công ty, tình trạng thất lạc dữ liệu đang diễn ra ở rất nhiều công ty do nhân viên sau khi tải tài liệu về phần lớn không sắp xếp lưu trữ ở một vị trí cố định nên rất mất thời gian khi có việc cần tìm lại.

“Ngay cả các thông tin cơ bản như quy định nghỉ phép của công ty thì việc truy xuất thông tin cũng không dễ”, bà Laura Nguyễn nói.

Bà Laura Nguyễn, đồng sáng lập Arcanic AI.
Bà Laura Nguyễn, đồng sáng lập Arcanic AI.

Giải pháp Arcanic AI đưa ra là cung cấp một nền tảng cho doanh nghiệp lưu trữ tất cả các định dạng file. Bên cạnh đó giải pháp của Công ty được tích hợp A.I để việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Ví dụ khi người dùng tìm “tài liệu liên quan đến Tài chính quý II” thì hệ thống sẽ scan/lọc dữ liệu và đưa ra kết quả tổng hợp các nội dung liên quan đến nhu cầu tìm kiếm thay vì trả về các file riêng biệt như cách truyền thống.

Quan trọng nhất là giải pháp của Arcanic sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt tự nhiên để người sử dụng tìm kiếm. Kể từ khi lên ý tưởng, phát triển hệ thống và cung cấp ra thị trường cho vài khách hàng thử nghiệm, Arcanic AI chỉ mất hơn 6 tháng. Đó là ví dụ đơn giản nhất về cách AWS hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghệ để cung cấp ra thị trường hoặc phục vụ cho nhu cầu bản thân.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, dịch vụ đám mây công cộng ở Việt Nam sẽ đạt 1,4 tỉ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng là 26,5%. Nhiều khách hàng ở Việt Nam đã quan tâm đến dữ liệu khách hàng họ có được và Gen AI (AI tạo sinh).

Ông Eric Yeo, Giám đốc Quốc gia, AWS Việt Nam, cho biết AWS cũng đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào các giải pháp hỗ trợ khách hàng phân tích dữ liệu và phát triển Gen AI.

“Điều mà khách hàng của chúng tôi mong muốn ở Gen AI và các LLM là sự linh hoạt, sự bảo mật, sự tiết kiệm chi phí cũng như tính thực tế, để có thể dễ dàng sử dụng”, ông Eric Yeo nói.

Nền tảng vững chắc

Để giải quyết các yêu cầu và chứng minh tính khả thi bằng hệ thống công nghệ cho khách hàng, AWS định lượng rõ ràng thông qua 3 yếu tố: tiết kiệm chi phí hạ tầng, tiết kiệm thời gian phát triển và bảo mật thông tin/đảm bảo nguồn thông tin do A.I cung cấp.

Ông Eric Yeo, Giám đốc Quốc gia, AWS Việt Nam.
Ông Eric Yeo, Giám đốc Quốc gia, AWS Việt Nam.

Theo ông Eric Yeo, phát triển Gen AI cần nhiều nguồn lực và tài nguyên nhưng phải đảm bảo vấn đề chi phí. Từ 10 năm trước, AWS đã đầu tư rất mạnh vào hạ tầng, cụ thể là chip xử lý để tăng hiệu suất làm việc của hệ thống so với chi phí bỏ ra.

Lấy ví dụ, dòng chip Graviton 4 có nhiều lõi hơn 50%, nhanh hơn 40% với các ứng dụng cơ sở dữ liệu, nhanh hơn 45% đối với các ứng dụng Java lớn so với dòng chip tiền nhiệm.

Kế đến là tầng Modeling (tạm dịch là mô hình) với Amazon BedRock. Gen AI được tạo ra cho nhiều mục đích khác nhau, từ đó có nhiều mô hình ngôn ngữ lớn để phát triển, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn. Ông Eric cho biết, Bedrock cho phép doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều mô hình khác nhau để tạo ra giải pháp tối ưu nhất, từ đó tiết kiệm thời gian phát triển.

Ví dụ ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc tạo hình ảnh và sáng tạo cho nội dung quảng cáo, giải pháp AWS giúp khách hàng lọc rủi ro hoặc sai lệch trong quá tình tạo hình ảnh quảng cáo, như việc vi phạm bản quyền trí tuệ của bên thứ 3 chẳng hạn.

Cuối cùng là tính bảo mật, quyền riêng tư và xác nhận nguồn tin có được từ A.I. Theo ông Eric, một rào cản giữa doanh nghiệp và Gen AI chính là tính bảo mật và tính xác thật của các thông tin mà nó cung cấp.

AWS cung cấp Amazon Q được thiết kế để giải quyết bài toán này trong môi trường doanh nghiệp như trích dẫn và nguồn thông tin cho các câu trả lời. Bên cạnh đó, Q cũng được kết nối với 14 ứng dụng doanh nghiệp phổ biến như S3, Salesforce, Google Drive, Microsoft 365, Gmail… để đảm bảo quyền riêng tư, ví dụ nhân viên không có quyền truy cập một số dữ liệu từ các ứng dụng trên thì Amazon Q cũng không truy cập được.

“Hiện nay một số khách hàng của chúng tôi ở Việt Nam đã và đang thử nghiệm Amazon Q. Nó có thể giúp cung cấp câu trả lời nhanh chóng, chính xác và phù hợp cho doanh nghiệp của họ”, ông Eric chia sẻ.

Trên thực tế Gen AI còn quá mới và việc kiểm soát nó hoạt động đúng với chức năng và quyền hạn của nó là điều mà các doanh nghiệp quan tâm. Sẽ như thế nào nếu trợ lý trực tuyến được tạo nên bởi Gen AI của ngân hàng cung cấp lời khuyên đầu tư cho khách? Hay trợ lý trực tuyến của một công ty thương mại điện tử lăng mạ hay sỉ nhục khách hàng?

Từ tháng 7 năm ngoái, AWS đã cam kết với chính phủ Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy việc phát triển A.I có trách nhiệm. Nó thể hiện qua bản quyền hình ảnh, khả năng cấu hình Gen AI hoạt động trong quyền hạn cho phép.

“AWS là đơn vị và nhà cung cấp đầu tiên phát hành các hình ảnh tích hợp các watermark (dấu mờ) vô hình. Những dấu mờ này rất quan trọng, chúng giúp giảm sự lan truyền thông tin sai lệch bằng cách cung cấp một cơ chế riêng biệt để xác định hình ảnh do AI tạo ra”, ông Eric nói.