Jungle Ventures gia tăng các dự án đầu tư ở Việt Nam trải dài ở nhiều lĩnh vực, một trong số đó là Dat Bike.

 
Thứ Tư | 28/09/2022 09:30

Vốn vẫn đang chờ các startup thực lực

Nhà đầu tư vẫn đang chờ các startup công nghệ Việt bùng nổ và bứt phát.

Bắt đầu được biết đến ở thị trường Việt Nam sau thương vụ đầu tư hơn 40 triệu USD vào KiotViet, Jungle Ventures tiếp tục gia tăng các dự án đầu tư ở Việt Nam trải dài ở nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến Dat Bike (xe máy điện), Mio (thương mại điện tử xã hội), Timo (ngân hàng số) và gần đây nhất là Medici (sức khỏe và bảo hiểm).

Trên thực tế, chỉ mới 5 năm trước, rất hiếm để thấy các quỹ chuyên đầu tư vào các giai đoạn tăng trưởng (A, B, và Pre C) như Jungle Ventures hoạt động tích cực ở thị trường Việt Nam. Nhưng trong 2 năm trở lại đây, không chỉ Jungle Ventures mà nhiều quỹ có quy mô tương tự hoặc lớn hơn cũng tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với những tech startup nội địa tiềm năng.

Sự xuất hiện của các quỹ đầu tư như Jungle Ventures đang cho thấy xu hướng gì? Các tech startup Việt Nam được hưởng lợi gì từ dòng chảy này? Nhịp Cầu Đầu Tư đã phỏng vấn bà Trần Nguyên Thùy My, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Jungle Ventures, xung quanh các vấn đề trên.

Hàng loạt tech startup ở khu vực sau khi IPO đang bị giảm giá trị so với ban đầu như Airbnb hay gần đây là Grab hay Robinhood. Có ý kiến cho rằng đây là “hiệu ứng” SoftBank, cũng có quan điểm nói rằng đây là ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo bà, nguyên nhân đến từ đâu?

Sự sụt giảm giá trị của các cổ phiếu công nghệ gần đây là hệ quả của thị trường sau một thời gian dài tăng trưởng nóng. 2020-2021 được xem là giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán toàn cầu. Dịch bệnh có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán chỉ trong một thời gian ngắn khi các nhà đầu tư vẫn còn hoang mang chưa biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu và nó có tác hại cụ thể thế nào đến nền kinh tế. 

Bà Trần Nguyên Thùy My, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Jungle Ventures.
Bà Trần Nguyên Thùy My, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Jungle Ventures.

Tuy nhiên, thị trường phục hồi một cách nhanh chóng nhờ vào một số yếu tố như sự gia tăng đáng kể của các nhà đầu tư F0 vào thị trường, dòng tiền từ các gói hỗ trợ của chính phủ đến người dân không đi vào nền kinh tế mà lại đi vào thị trường chứng khoán. Vì vậy, rất nhiều công ty công nghệ đã lựa chọn 2020-2021 là thời điểm IPO để tận dụng dòng tiền dồi dào từ thị trường. Airbnb, Snowflake hay DoorDash là những ví dụ điển hình của các thương vụ IPO thành công rực rỡ khi giá cổ phiếu đã tăng vọt gần gấp đôi trong ngày đầu tiên giao dịch. 

Thị trường đầu tư mạo hiểm cũng trải qua một chu kỳ tương tự. Dịch bệnh trở thành một cột mốc khiến nhà đầu tư bắt đầu quay sang tìm kiếm các mô hình doanh nghiệp phù hợp với tình hình "bình thường mới" sau đại dịch như làm việc từ xa, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế từ xa... Đồng thời, những thương vụ IPO thành công của các công ty công nghệ khiến việc đầu tư vào những công ty công nghệ giai đoạn sớm trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Khá nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đã tận dụng thời điểm này để gọi vốn từ các nhà đầu tư của họ, đồng thời cũng tăng cường giải ngân vào những startup trong khu vực.

2021 cũng là năm đỉnh điểm của dòng tiền đầu tư mạo hiểm với sự xuất hiện của 25 kỳ lân công nghệ mới, trong khi trước đó cả khu vực chỉ có 21 kỳ lân công nghệ tổng cộng tính đến năm 2020. Chỉ riêng trong năm 2021 đã có hơn 23 tỉ USD đổ vào thị trường đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á, gần gấp 3 lần so với năm 2018 hay 2019. 

Nhưng gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu tăng lãi suất cộng với những bất ổn về tình hình địa chính trị đã gây tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về kỳ vọng tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng có xu hướng đa dạng hóa tài sản vào các kênh đầu tư khác như kênh trái phiếu. Chính điều đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá trị của các công ty công nghệ trong thời gian gần đây.  

Tương tự, sự sụt giảm giá của các cổ phiếu công nghệ ở Mỹ cũng  sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn vào startup, thị trường phát triển như Mỹ sẽ mất 3 tháng để cảm nhận sự ảnh hưởng, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ mất khoảng 6 tháng.

Mặc dù vậy, như tôi đã chia sẻ, đa phần các quỹ đầu tư đã huy động vốn từ trước đó cộng với những yếu tố nền tảng tích cực như dư địa tăng trưởng mạnh và dân số trẻ của khu vực Đông Nam Á, nguồn tiền dành cho các startup có thể nói là vẫn dồi dào trong ít nhất 3 năm tới.  Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư sẽ có chọn lọc và khắt khe hơn, định giá cũng sẽ không được rộng rãi như thời gian vừa qua, tốc độ đầu tư cũng sẽ có sự kìm hãm nhất định. Các startup có bài toán thị trường lớn, mô hình kinh doanh bền vững và biên lợi nhuận rộng rãi sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc gọi vốn đầu tư. 

Dòng vốn đổ vào startup Việt Nam sẽ như thế nào trong bối cảnh trên?

 

Theo quan sát của chúng tôi, trước năm 2019, trung bình một năm Việt Nam thu hút được 3-4% tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á. Đó là một con số cực kỳ khiêm tốn so với một quốc gia chiếm 1/6 dân số của khu vực. Trong 2 năm trở lại đây, chúng tôi dần dần chứng kiến Việt Nam trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư dựa vào lợi thế tăng trưởng, dân số trẻ và sự dồi dào về nhân tài và chúng tôi sẽ không quá ngạc nhiên nếu trong 3 năm tới Việt Nam có thể đón nhận 10% tổng nguồn vốn này.

Có một điều đáng lưu ý là khi một quốc gia hay một khu vực nhận được sự chú ý của nhà đầu tư, điều đó sẽ có tiếp tục phát triển hay không phụ thuộc vào sự thành công của các thương vụ họ đã đầu tư trước đó. Vì thế, tôi rất hy vọng những startup ở Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn của các nhà đầu tư ở thời gian này sẽ tận dụng thật tốt nguồn lực để phục vụ cho việc tăng trưởng và chinh phục người dùng. Điều đó sẽ là một tiền đề cực tốt để dẫn dắt thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế tìm đến Việt Nam trong những năm về sau. Cho đến nay, Việt Nam đã có được 4 startup kỳ lân (có nhà sáng lập là người Việt Nam). Tôi hy vọng đến năm 2030 Việt Nam sẽ có được thêm ít nhất 10 kỳ lân công nghệ nữa và nếu điều đó xảy ra thì việc thu hút 20-30% tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của khu vực là hoàn toàn khả thi.

Nhận định có phần lạc quan không trong bối cảnh nền kinh tế khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?

Tuy Indonesia vẫn là quốc gia hút dòng tiền nhiều nhất từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng vì định giá của các startup ở đất nước này hiện đã quá cao khiến nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những thị trường có dư địa tăng trưởng hấp dẫn đi kèm với chi phí đầu tư tốt hơn.

Trong bối cảnh đó, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là đích đến được ưa chuộng vì là quốc gia có dân số trẻ, GDP tăng trưởng liên tục trong 10 năm qua, nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào cùng với điều kiện chính trị ổn định.

Hệ sinh thái startup ở Việt Nam cũng đã hoàn thiện hơn trong 10 năm qua khiến nhà đầu tư trở nên tự tin hơn. Với sự xuất hiện ngày một nhiều của các vườn ươm doanh nghiệp, những chương trình đào tạo khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, những startup công nghệ sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ cần thiết về nguồn vốn cũng như trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp ở giai đoạn sớm. Điều đó tạo ra một tiền đề vững chắc cho các quỹ đầu tư giai đoạn tăng trưởng như Jungle Ventures bước vào thị trường để tìm kiếm cơ hội phù hợp với giai đoạn đầu tư của mình. 

Minh chứng cho việc này là hiện nay gần như các quỹ đầu tư trong khu vực đều có ít nhất một người điều hành phụ trách Việt Nam. Những người này có thể là làm việc trong nước hay nước ngoài để quan sát và tìm kiếm cơ hội trên thị trường, điều này không hề có chỉ mới 5 năm trước. Chúng tôi tin rằng đây là tín hiệu rất tốt cho các tech startup ở Việt Nam khi việc tiếp cận nhà đầu tư trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam cũng đã phát triển rất mạnh trong nhiều năm qua. Nhờ vào các kỳ lân trong nước như VNG, VNLIFE, MoMo, hay nước ngoài như Grab, Traveloka… đã sản sinh ra đội ngũ các nhà sáng lập đầy tiềm năng. Nhưng hiện tại Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, cùng với việc nhiều công ty gọi vốn thành công trong thời gian qua và trào lưu tiền mã hóa khiến nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng trưởng nóng, thiếu nhân lực trầm trọng hơn. 

Chúng ta liệu có “xây nhà trên cát”?

Trước hết, chúng tôi muốn chia sẻ thiếu hụt nguồn nhân lực là vấn đề chung của các tech startup khu vực. Thứ 2, chúng tôi nghĩ rằng tình trạng khát nhân lực do trào lưu tiền mã hóa chỉ là xu hướng tạm thời khi mọi thứ trở về điểm cân bằng.

Công bằng mà nói, theo quan sát từ những doanh nghiệp Việt Nam mà chúng tôi đầu tư, nhân lực công nghệ vẫn còn kiếm dễ hơn nhân lực cho các bộ phận khác trong một công ty khởi nghiệp. Các kỹ sư công nghệ ra trường đều chấp nhận gia nhập một công ty tech startup để nâng cao kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm, trong khi rất khó thuyết phục nhân tài trong các ngành tiếp thị, quản trị doanh nghiệp tham gia tech startup.

Hãy quay trở lại với câu chuyện nhân lực công nghệ. Singapore và Indonesia là 2 quốc gia đối mặt vấn đề này từ rất sớm. Trung bình một năm Indonesia chỉ có khoảng 50.000 kỹ sư tốt nghiệp khoa học máy tính trong khi con số này ở Việt Nam ít nhất gấp 3.

Đó là lý do vì sao Grab và Traveloka mở rộng sang thị trường Việt Nam là chiến lược quan trọng của họ, một phần để tiếp cận thị trường người sử dụng lớn thứ 2 Đông Nam Á, một phần để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào ở địa phương.

Traveloka mở rộng thị trường sang Việt Nam vì muốn tận dụng nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào.
Traveloka mở rộng thị trường sang Việt Nam vì muốn tận dụng nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào.

Có thể sự xuất hiện của những ông lớn này làm các startup Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn nhân lực khi chi phí tuyển dụng nhân tài ngày càng cao nhưng cũng phải nhìn nhận lại là chính họ cũng góp phần nâng cấp trình độ kỹ thuật, quản lý nhân sự cho người Việt Nam.

Vậy điều mà bà đang quan ngại là gì?

Mặc dù Việt Nam đang có nhiều lợi thế nhưng chúng ta vẫn phải chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ Indonesia về nguồn vốn. Dân số đông nhất Đông Nam Á, GDP tăng trưởng tốt nên các tech startup Indonesia chỉ cần giải quyết một nhu cầu trong xã hội thì cũng đã có khả năng trở thành kỳ lân trong mắt nhà đầu tư.

Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á còn lại muốn cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại thì chúng tôi tin rằng các nhà sáng lập phải đặt được mục tiêu đi ra khu vực ngay từ những ngày đầu. Dĩ nhiên là vẫn ưu tiên thị trường nội địa để tạo cơ sở vững chắc.

Trên thực tế, các startup Singapore thậm chí là Indonesia đều đặt mục tiêu đi ra khu vực và thành công rực rỡ. Hiện chúng ta chỉ mới xuất hiện các kỳ lân trong nước nhưng nhìn chung không thể đốt cháy giai đoạn được. Chúng tôi tin rằng sẽ sớm xuất hiện các đại diện Việt Nam ở khu vực trong thời gian tới và đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây. Jungle Ventures rất mong muốn được đồng hành và hỗ trợ những nhà sáng lập quyết tâm trở thành người dẫn đầu trong toàn khu vực trong bất kỳ lĩnh vực nào mà họ theo đuổi.