Sức hấp dẫn của VNLIFE nằm ở mảng kinh doanh cốt lõi là VNPAY.
VNLIFE: Kỳ lân thầm lặng
HÀNH TRÌNH THÀNH KỲ LÂN
VNLIFE - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt - được thành lập cuối năm 2018, với vốn điều lệ 150 tỉ đồng, nhằm mục đích sở hữu toàn bộ cổ phần VNPAY. Được biết đến là công ty đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp thanh toán trên nền internet với sản phẩm nổi bật nhất là giải pháp thanh toán QR Code trên ứng dụng mobile banking của các ngân hàng.
VNLIFE - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt - được thành lập cuối năm 2018. |
Nhắc đến VNLIFE thì ít người biết đến nhưng VNPAY và một số thương hiệu khác lại khá nổi tiếng ở thị trường thanh toán Việt Nam, nằm trong 4 dịch vụ cốt lõi mà doanh nghiệp này tập trung: giải pháp ngân hàng số (VNPAY, CAMBOPAY), dịch vụ thanh toán và quản lý merchant (VNPAY-QR); dịch vụ du lịch trực tuyến (Đi Chung, Tripi, Dinogo, Mytour.vn) và thương mại điện tử đa kênh (Teko, Phong Vũ, Sapo, Mobio)... Trong đó, một số công ty hoạt động tại nước ngoài gồm Singapore, Myanmar, Campuchia.
Năm 2007, VNPAY hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử với ngành kinh doanh cốt lõi là tài chính – ngân hàng. Đến tháng 10/2015, VNPAY được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đây chính là giai đoạn bứt tốc, tiền đề để VNLIFE, công ty sở hữu VNPAY, lột xác thành kỳ lân.
VNPAY đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, bao gồm những ngân hàng lớn nhất như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Công ty này cũng cung cấp giải pháp thanh toán cho 5 công ty viễn thông và hơn 30.000 doanh nghiệp, với các dịch vụ tiêu biểu như mobile banking, cổng thanh toán VNPAY-QR, website thương mại điện tử Vban.vn, ví điện tử VnMart, thanh toán hóa đơn VnPayBill, đặt vé máy bay VnTicket, nạp tiền điện thoại VnTopup… với khoảng 15 triệu người dùng hằng tháng.
Năm 2018, VNPAY có vốn điều lệ 150 tỉ đồng, sau khi VNLIFE thành lập, đến năm 2020, VNPAY nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng bởi nhận được đầu tư từ SoftBank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước Singapore GIC năm 2019.
Tháng 7/2019, nhiều thông tin cho biết GIC và SoftBank mong muốn rót 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỉ đồng, vào VNPAY. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên 2020, SoftBank ghi nhận khoản đầu tư vào doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech có tên gọi là “VNLIFE Corporation Joint Stock Company", không phải VNPAY. Còn trong báo cáo tài chính của VNLIFE cũng ghi nhận được đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng, tương đương 196 triệu USD trong năm 2019 và đổi lại Ardolis Investment Pte Ltd - đại diện quỹ GIC, nắm 13,24% cổ phần và SVF Pioneer Subco Pte Ltd - đại diện SoftBank, sở hữu 19,62% cổ phần.
Cuối năm 2021, VNLIFE công bố đã huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng huy động vốn Series B do General Atlantic và Dragoneer dẫn dắt, với sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI. GIC và SoftBank cũng tham gia vào vòng tăng vốn này với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng của những mảng kinh doanh hiện tại của VNLIFE và hỗ trợ phát triển các nền tảng và công nghệ mới cho các đối tác và người tiêu dùng Việt Nam.
Sau những lần gọi vốn thành công, VNLIFE đã được định giá trên 1 tỉ USD, chính thức được coi là kỳ lân thứ 2 của Việt Nam.
KỲ LÂN THẦM LẶNG
VNLIFE quen với cách làm việc thầm lặng. “Chúng tôi không thích phô trương danh tiếng, chúng tôi chọn thầm lặng làm việc”, ông Niraan De Silva, CEO của VNLIFE, nói. Bởi dù có một số dịch vụ tiêu dùng, nhưng VNLIFE chủ yếu hoạt động “phía sau màn”, cung cấp các phần mềm, nền tảng dịch vụ tới ngân hàng, doanh nghiệp, thương nhân.
VNLIFE tự coi mình là công ty tài chính công nghệ vì trong tổng số 4.000 nhân sự thì có 1.200 người là kỹ sư. “Trong ngành này, nếu không đầu tư cho công nghệ là đường cụt”, CEO của VNLIFE từng chia sẻ.
Sức hấp dẫn của VNLIFE nằm ở mảng kinh doanh cốt lõi là VNPAY. Mã QR của VNPAY chỉ là mã QR thông thường được tích hợp trong nhiều dịch vụ của ngân hàng và các ví điện tử, được coi đây là điểm mạnh doanh nghiệp này.
“Người dùng có thể đến bất kỳ điểm bán hàng nào có mã QR được 33 ngân hàng và 8 ví điện tử chấp nhận để giao dịch”, ông De Silva từng nói, giờ đây con số này đã tăng lên hơn 40 ngân hàng. Ông De Silva cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã thắng ở mảng thanh toán QR”. Hệ thống của VNPAY đang xử lý khoảng 1 tỉ USD lưu lượng thanh toán mỗi năm.
VNLIFE có mục tiêu xây dựng những siêu ứng dụng độc đáo nhất, tiếp cận dễ dàng nhất, không chọn cách làm như các đối thủ là xây dựng “ứng dụng đa chức năng”. Ở mảng thanh toán, VNPAY chọn xây dựng hàng loạt siêu ứng dụng, mỗi ứng dụng cho một ngân hàng đối tác.
“Nền tảng ứng dụng thanh toán của chúng tôi không tồn tại ở bất kỳ đâu trên thế giới”, ông Niraan De Silva nói. Yono, một siêu ứng dụng phổ biến của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, có 10 triệu lượt đăng nhập hằng ngày nhưng đây chỉ là dự án nội bộ.
VNPAY cho phép hơn 15 triệu người dùng hằng tháng chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại di động, đặt vé xe buýt, thậm chí mua sắm hàng hóa. VNPAY-QR, một mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt, có thể tương tác phục vụ 22 triệu người dùng và hơn 150.000 người bán.
Theo giới chuyên gia, chiến lược của VNPAY, các quỹ đầu tư và doanh nghiệp fintech ở Việt Nam cũng giống như cách Ant Group và Tencent đã và đang làm: trở thành nền tảng thanh toán trực tuyến phổ biến nhất và thu tiền từ mỗi giao dịch. Và khi dữ liệu đủ lớn có thể chấm điểm uy tín của từng người dùng, họ sẽ kết nối với công ty cung cấp dịch vụ cho vay và thu phí chấm điểm tín dụng.
VNPAY-QR, một mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt, có thể tương tác phục vụ 22 triệu người dùng và hơn 150.000 người bán. |
VNLIFE đã làm thế một cách thầm lặng, chính CEO của De Silva cũng tuyên bố, với dữ liệu người tiêu dùng thu thập được, VNLIFE đã thử nghiệm các sản phẩm bảo hiểm và cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng, dự kiến triển khai trong 12 tháng tới. Ông cũng cho rằng việc ngân hàng thâm nhập vào đời sống của hầu hết người dân Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Ông dự báo họ có thể đạt được mức thâm nhập 80% trong vòng 5-10 năm.
“VNLIFE đã thể hiện khả năng dẫn đầu thị trường ở các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, thanh toán, thương mại và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy số hóa, xây dựng các nền tảng hạ tầng số thiết yếu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”, ông Sandeep Naik, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Đại điện của General Atlantic tại Ấn Độ & Đông Nam Á, nhận xét về thành công của VNLIFE trong tuyên bố của quỹ này.
Sự thành công của kỳ lân VNLIFE đã được công nhận và khẳng định. Con kỳ lân thầm lặng này đã và đang làm giảm nhu cầu mở chi nhánh thực của các ngân hàng bằng cách kích hoạt những dịch vụ ngân hàng di động và điện tử. Kết hợp với dân số trẻ ở Việt Nam cùng sự hiểu biết về công nghệ và thu nhập ngày càng tăng, kỳ lân VNLIFE đang góp phần cho chiến thắng của cuộc cách mạng ở lĩnh vực ngân hàng và thanh toán, đưa cuộc sống người dân Việt với thói quen dùng tiền mặt chuyển sang thói quen sử dụng công nghệ trong thanh toán.