KiotViet thành lập năm 2014, là sản phẩm của Công ty Phần mềm Citigo.

 
Thứ Năm | 15/09/2022 10:30

Sức hấp dẫn của KiotViet

Startup Việt thành công "vượt bão" tại vòng gọi vốn Series B.

Đầu tháng 9/2021 KiotViet, nền tảng phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam, đã công bố nhận được 45 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Nguồn vốn đầu tư mới sẽ giúp KiotViet mở rộng thêm các dịch vụ mới để gia tăng vị thế, 2 trong số đó là cho vay tài chính và dịch vụ thanh toán trung gian. Quỹ đầu tư quốc tế KKR là quỹ mới nhất tham gia vào KiotViet khi đầu tư 45 triệu USD vào đơn vị này. Trước đó, năm 2019, KiotViet đã huy động được 6 triệu USD từ quỹ mạo hiểm Jungle Ventures, CVM và ngân hàng Thái Lan Kasikornbank (KBank).

KiotViet gọi vốn thành công 45 triệu USD trong vòng gọi vốn series B.
KiotViet gọi vốn thành công 45 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.

KiotViet thành lập năm 2014, là sản phẩm của Công ty Phần mềm Citigo. Startup này cung cấp toàn bộ phần mềm giải pháp quản lý cho doanh nghiệp bao gồm các dịch vụ như POS (point of sale - quản lý bán hàng), quản trị hàng tồn kho, CRM (customer relationship management - quản lý khách hàng)... 

Trước đó, Misa, đơn vị được biết đến với phần mềm kế toán cùng tên, cũng được Quỹ TA Associates (Mỹ) đầu tư 30 triệu USD. Dù khác nhau về dịch vụ cung cấp nhưng cả KiotViet lẫn Misa đều hoạt động trong lĩnh vực SaaS, hay còn gọi là phần mềm như một dịch vụ. Đặc điểm của nhóm này là giá dịch vụ thấp hơn rất nhiều so với hình thức mua phần mềm truyền thống.

Startup SaaS ngày càng được nhiều quỹ đầu tư quan tâm ở khu vực Đông Nam Á. Theo Golden Gate Ventures, các startup SaaS ở Đông Nam Á sẽ là nơi thu hút vốn nhiều nhất trong 5 năm tới. Theo đó, mức huy động vốn sẽ tăng từ 600 triệu USD năm 2021 lên 1,9 tỉ USD vào năm 2023.

Có nhiều lý do khiến các startup SaaS được săn đón. Đầu tiên là ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh nghiệp tăng tốc độ chuyển đổi số. Thứ 2, theo website Sifted, doanh thu của các công ty SaaS là định kỳ. Thứ đến, việc mở rộng quy mô của các doanh nghiệp SaaS tương đối dễ dàng hơn do việc phân phối phần mềm đều dựa trên internet. Tuy nhiên, để được đầu tư, các startup SaaS phải có một lượng khách hàng hấp dẫn nhất định. 

Được biết, tính đến cuối năm 2021 KiotViet đã cán mốc 150.000 khách hàng sử dụng. Và với nguồn lực mới từ KKR, Công ty tiếp tục thu hút khách hàng mới để củng cố vị thế trên thị trường. Câu nói phổ biến của các công ty SaaS là “khách hàng miễn phí hôm nay sẽ là người trả phí trong tương lai”. Vì thế, dịch vụ miễn phí trong thời gian nhất định luôn là cách các startup SaaS áp dụng để thu hút, giữ chân khách hàng. 

Ông Cao Trọng Kim Trí, Phó Tổng Giám đốc KiotViet, cho biết KiotViet có nhiều dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như xây dựng website, các công cụ hỗ trợ bán hàng trên Facebook... Tùy dịch vụ, sẽ có mức miễn phí từ 3-12 tháng để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, khách hàng trả phí không thôi chưa đủ. Với giá thành thấp, dưới 50 USD/tháng, nguồn thu từ dịch vụ SaaS khó có thể khiến các startup cất cánh, thay vào đó việc tập khách hàng mà các công ty SaaS đang sở hữu có thể mở rộng sang những lĩnh vực khác mới là điểm hấp dẫn quỹ đầu tư.

 

Đây cũng là điều mà các quỹ đầu tư kỳ vọng ở KiotViet khi tham gia vào 2 lĩnh vực nóng nhất ở Việt Nam hiện nay là thanh toán điện tử và dịch vụ tài chính. Đầu năm 2020, đơn vị này đã triển khai dịch vụ cho vay cho khách hàng của mình với những công ty dịch vụ tài chính như KBank (Thái Lan), TPBank, Easy Credit... Đối với lĩnh vực thanh toán trung gian, ông Trí xác nhận Công ty sẽ gia nhập trong thời gian tới. "Giá trị giao dịch phát sinh trên nền tảng KiotViet 1 tháng vào khoảng 1,5 tỉ USD. Chỉ cần 5-10% số đó chuyển sang thanh toán trực tuyến đã là một khởi đầu khá tốt", ông nói. 

Tuy nhiên, Công ty sẽ không gia nhập thị trường theo cách xây dựng các ứng dụng thanh toán điện tử như hiện nay. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các bên cung cấp dịch vụ thanh toán để đem lại đa dạng lựa chọn cho khách hàng”, ông Trí chia sẻ.