Ông Lại Nam Hải bước vào lĩnh vực công nghệ sinh học nano, với suy nghĩ đơn giản: “Cơ hội kiếm tiền là đây”.
Ông Lại Nam Hải: Con đường khởi nghiệp với công nghệ nano
Cuộc đua bằng sáng chế
Vài năm trở lại đây, cái tên Lại Nam Hải được nhiều người “săn đón” vì ông chính là người sáng chế chiếc khẩu trang Wakamono diệt 99% virus Corona bằng công nghệ biotech, đồng thời cũng là người nắm giữ nhiều bằng sáng chế, giấy phép độc quyền nhãn hiệu về công nghệ nano biotech được đăng ký tại nhiều nước trên thế giới.
Ông Lại Nam Hải - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Wakamono. |
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 10 năm trước, ông Hải nhận thấy công nghệ nano còn sơ khai, nên quyết định đầu tư lớn bằng cách nhập khẩu máy móc đắt tiền, thuê giáo sư nổi tiếng thế giới, chuyên gia giỏi. Tuy nhiên, máy móc lạc hậu làm ra sản phẩm không ứng dụng được, không có người điều khiển..., ông mới phát hiện “lĩnh vực này không đơn giản, công nghệ phải đổi mới và có tính sáng tạo”. Ông chủ sinh năm 1985 của Wakamono cũng nhận ra nếu trước đây, người ta tập trung vào nghiên cứu các nguyên liệu về nano kim loại, silica hoặc carbon tube, graphene... thì từ 10 năm nay, cuộc đua nghiên cứu tập trung các chất cho ngành mỹ phẩm, thực phẩm, nông nghiệp và thuốc.
Trong nghiên cứu công nghệ sinh học nông nghiệp, Israel đang dẫn đầu và gần như đăng ký gần hết các lĩnh vực như hiện tượng đất, đất bazan. Trong lĩnh vực phân bón, Israel cũng đã nắm giữ gần hết các bằng sáng chế về phân sinh học nano, thuốc trừ sâu sinh học... Ông tìm hiểu và từ đó đúc kết: “Nắm được bằng sáng chế là nắm được tương lai”.
Các bằng sáng chế hiện tại của Wakamono đều thuộc lĩnh vực vật liệu mới và những ứng dụng vào các ngành. Ông Hải đăng ký bảo hộ các sản phẩm nghiên cứu của mình tại Mỹ, Canada và Việt Nam.
Theo báo cáo của Precedence Research, quy mô thị trường công nghệ nano toàn cầu dự báo đạt 288,71 tỉ USD vào năm 2030 với CAGR 14,5% giai đoạn 2022-2030. Trong thị trường công nghệ nano toàn cầu, vật liệu nano chiếm thị phần cao nhất. Hiện tại, mục tiêu của Wakamono là nghiên cứu, chế tạo máy sản xuất, kiểm soát sản xuất nguyên liệu nano và tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tiễn, nhất là những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.
Sản phẩm đầu tiên Wakamono đăng ký độc quyền tại Mỹ được chiết xuất từ vỏ nho đỏ có tên gọi “Quy trình sản xuất hệ vi nhũ tương Resveratrol Nano”, tiếp đó là chất SiL-Ha Micellium. Hợp chất bionano từ thiên nhiên này có thể thay thế silicone trong ngành hóa mỹ phẩm, làm giảm các hạt vi nhựa ra môi trường. Ông cũng tìm ra chất Res Micellium có khả năng ứng dụng thành thuốc điều trị bệnh tiểu đường qua đường uống. Đáng chú ý, phát minh chất Nano Omega 3 được ứng dụng hầu hết vào các ngành thực phẩm và dược phẩm. Sự ưu việt của Nano Omega 3 là hạn chế tối đa nhược điểm của Omega 3 thông thường và ứng dụng trong điều trị ung thư.
Theo ông Hải, ở giai đoạn này, tất cả các quốc gia, các công ty đều có thể đưa sản phẩm ra thị trường vì những chất nghiên cứu đều đã rẻ. Wakamono hiện đã hoàn thành các nghiên cứu thay thế những chất làm hủy hoại môi trường như silicone, oxybenzone và octinoxate...
Thương mại hóa sản phẩm
Chiếc khẩu trang y tế Wakamono là sản phẩm đầu tiên giúp tên tuổi của Công ty được biết đến rộng rãi và chính thức bước vào thương mại hóa sản phẩm. Sự ra đời của khẩu trang y tế Wakamono thực ra không nằm trong dự kiến ban đầu của Công ty. Ngay khi dịch bệnh vừa bùng phát, thấy nhu cầu khẩu trang rất lớn, ông Hải đã cùng đồng đội nghiên cứu, đến tháng 2/2021 chính thức đưa khẩu trang ra thị trường. Khẩu trang Wakamono nhanh chóng được ưa chuộng ở nhiều nước như Bồ Đào Nha, Ý, Úc, New Zealand, Mỹ. Vì thế, Wakamono đang lên kế hoạch phát triển mạnh hơn tại thị trường Mỹ ở nhiều dòng sản phẩm khác.
Chiếc khẩu trang y tế Wakamono là sản phẩm đầu tiên giúp tên tuổi của Công ty được biết đến rộng rãi. |
Khẩu trang Wakamono được sản xuất bằng công nghệ nano biotech diệt virus Corona lên đến 99% và được CE của châu Âu công nhận, cho phép ghi trên nhãn hộp, đăng ký bảo hộ tại Mỹ. Công ty của ông Hải đã được trao giải The Stevie Awards 2021 (Mỹ) ở hạng mục Most Valuable Technical Innovation với sản phẩm khẩu trang Wakamono - khẩu trang diệt virus Corona đầu tiên trên toàn thế giới.
“Công nghệ sản xuất khẩu trang đã được chúng tôi nghiên cứu thành công và đăng ký bảo hộ thương hiệu từ 5 năm trước. Đại dịch xảy ra quá bất ngờ nhưng cũng là cơ hội để những công ty đến sau như Wakamono thể hiện năng lực. Vì thế, chúng tôi quyết định tập trung nghiên cứu hợp chất hữu cơ diệt virus”, ông Hải kể lại. Hiện chưa có số liệu riêng về khẩu trang nhưng theo số liệu của Statista, quy mô thị trường thiết bị bảo vệ cá nhân toàn cầu dự báo đạt 92,86 tỉ USD từ mức 52,43 tỉ USD vào năm 2019.
Ông Hải cho biết: "Khẩu trang chính là bước đệm cho nhiều dự án tiếp theo của Wakamono bước ra thế giới”. Sau thành công của khẩu trang, nhận thấy nhu cầu mỹ phẩm hữu cơ ngày càng cao, Wakamono đang tiến hành cho ra mắt các sản phẩm về chăm sóc cá nhân và homecare với thương hiệu Lab Nature ứng dụng công nghệ nano biotech từ thiên nhiên. Ông Hải tự tin về đầu ra vì những sản phẩm sắp ra thị trường bằng công nghệ sinh học đều được sản xuất sản lượng lớn và sẽ có giá rẻ cho người tiêu dùng.
“5 năm tới sẽ là cuộc đua đưa các nguyên liệu đã nghiên cứu vào sản phẩm thực tế, sau đó là phát triển thế hệ mới lâm sàng”, ông Hải cho biết. Theo định hướng này, Wakamono đang thực hiện dự án về thuốc mới giúp người bệnh trong tương lai mà ở hiện tại chưa có khả năng xử lý, trong các lĩnh vực thuộc điều trị ung thư, đường huyết và trẻ tự kỷ.
Con đường mới từ PEM
Ngay thời điểm năm 2021, khi dịch bùng phát mạnh, ông Hải đã cùng một nhóm nhà khoa học thành lập PEM Biotech. Ông nhận thấy, bên cạnh việc nhanh chóng đưa các dòng thuốc đặc trị ra thị trường thì nhu cầu thuốc điều trị COVID-19 là rất lớn và PEM Biotech ra đời để thực hiện nhiệm vụ này.
PEM Biotech là công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Texas (Mỹ) bởi nhóm các nhà khoa học chuyên sâu về công nghệ dẫn truyền thuốc mới (drug delivery technology) nhằm thiết kế tạo ra những loại thuốc đường uống thế hệ mới cho 3 loại bệnh lý là ung thư, thần kinh và bệnh truyền nhiễm (do virus gây ra HSV, H1N1, Corona...). Hiện ông Hải giữ vai trò Giám đốc Khoa học và điều hành việc sáng tạo ra thuốc trúng đích ứng dụng công nghệ mới tại PEM.
Công ty này đang phát triển 3 ứng cử viên thuốc đường uống công nghệ dẫn truyền thuốc mới. Hai trong số đó đang bắt đầu được thử nghiệm ban đầu cho các bệnh về ung thư phổi và rối loạn thần kinh. Đặc biệt dự án phát triển thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có tên là Anmonoliv đã thành công thử nghiệm trên tế bào (in vitro) và động vật (in vivo) tại Pháp và bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 và 2 tại Mỹ, Brazil và châu Âu.
Các thuốc do PEM phát triển đều đã được đăng ký độc quyền tại Mỹ và 2 trong số đó đều đã được cấp bằng sáng chế bảo hộ 20 năm và thuốc về COVID-19 cũng đã được đăng ký sáng chế tại Mỹ.
Các số liệu thử nghiệm cho thấy, Anmonoliv làm giảm rõ ràng tổn thương mô phổi, bảo vệ phổi, giảm các triệu chứng bệnh như giảm chết tế bào, giảm phù phế nang, giảm xuất huyết khi so sánh giữa nhóm nhiễm bệnh sử dụng thuốc với nhóm không sử dụng.
Ông Hải chia sẻ, lộ trình thuốc Anmonoliv được thử nghiệm cho thấy đây là một loại thuốc uống đầy tiềm năng điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trạng từ trung bình đến nặng, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh nền có nguy cơ tiến triển bệnh lý xấu cần được quan tâm và chăm sóc. Nhóm bệnh nhân này chiếm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong cao (chiếm hơn 90% số người chết do COVID-19 ở Mỹ).
Theo quan điểm của ông Hải, cuộc đua hiện tại chính là tốc độ nhanh nhất, sáng tạo nhất, ra sản phẩm nhanh nhất (hay còn gọi là sáng tạo trên lâm sàng), chỉ có như vậy mới có thể giành chiến thắng.