Để có những thành công như hiện tại, con đường trở thành kỳ lân của MoMo cũng không hề bằng phẳng.

 
Thứ Ba | 20/09/2022 09:14

MoMo: 16 năm lột xác thành kỳ lân

MoMo đã hoàn thành 2 vòng gọi vốn Series D và Series E trong vòng 1 năm và trở thành kỳ lân công nghệ thứ 4 của Việt Nam.

Tại vòng gọi vốn gần đây nhất, MoMo huy động được khoảng 200 triệu USD, từ 2 nhà đầu tư mới là Mizuho Bank, Ward Ferry cùng 2 nhà đầu tư hiện hữu Goodwater Capital và Kora Management.

Để có những thành công như hiện tại, con đường trở thành kỳ lân của MoMo cũng không hề bằng phẳng.

HAI LẦN "BẺ LÁI" NGOẠN MỤC 

MoMo (viết tắt của mobile money - tiền di động) ra đời năm 2007 với định hướng thành một ứng dụng thanh toán dạng WeChat. Năm 2008, nhóm khởi nghiệp đã trình Đề án Ví điện tử MoMo lên Ngân hàng Nhà nước và được chấp thuận năm 2010. Đây là năm MoMo có cú “bẻ lái” đầu tiên, vẫn là dịch vụ tài chính nhưng dưới dạng tiền di động mobile money, một dịch vụ liên kết giữa mạng điện thoại VinaPhone với các hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, cho phép các thuê bao di động thực hiện thanh toán, chuyển khoản ngay trên thiết bị, tích hợp trong sim của VinaPhone với mức phí 5.000 đồng/tháng và 200 đồng cho mỗi giao dịch riêng.

Chỉ sau 3 năm, Công ty đã lâm vào tình trạng khó khăn với nguy cơ bị cạn vốn, nhiều người cho rằng chọn Việt Nam là thị trường đầu tư và phát triển ví điện tử là sai lầm bởi dịch vụ mới, ít tiện ích, khó sử dụng, không có lợi thế khi không phải là nhà cung cấp dịch vụ di động, cộng với chưa có chính sách, chủ trương khuyến khích từ Chính phủ.

Đúng lúc đó, ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs đã quyết định rót 5,75 triệu USD cho MoMo ở vòng Series A và MoMo nhanh chóng tìm cách chuyển hướng hoàn toàn sang ví điện tử, hướng tới một ứng dụng mở. Đó là vào năm 2014, thời mà điện thoại thông minh còn đắt và thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn sơ khai, MoMo khi ấy đã mạnh dạn “bẻ lái” lần nữa, triển khai dự án xây dựng ứng dụng ví điện tử cho điện thoại thông minh. Startup này quyết định đầu tư viết riêng một ứng dụng chuyên biệt dùng trên điện thoại di động tích hợp nhiều dịch vụ.

MoMo tìm hướng chuyển đổi hoàn toàn sang ví điện tử, hướng đến một ứng dụng mở.
MoMo tìm hướng chuyển đổi hoàn toàn sang ví điện tử, hướng đến một ứng dụng mở.

Đó lại là một lần đánh cược “tất tay” của MoMo. Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MoMo, MoMo quyết dồn mọi nguồn lực cho “trận đánh cuối cùng” này, cho dù lúc đó người Việt chỉ thích tiêu tiền mặt. Ứng dụng của MoMo được cung cấp trên mọi nền tảng di động từ Android, iOS, Windows Phone và nhanh chóng cán mốc 1 triệu người sử dụng. 

Tháng 10/2015, MoMo chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép, đảm bảo tiền trong ví là tiền thật và được bảo chứng. Từ đó, MoMo liên tiếp mở rộng liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực để việc thanh toán ngày càng thuận tiện và phổ biến: từ các ngân hàng trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp như CGV Cinemas, Ngân hàng Shinhan, Uber, Bảo hiểm Bảo Việt, Home Credit Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, FPT.eHospital, eGov, AIA...

Trong cuộc khảo sát do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư công bố tháng 4/2018, MoMo là “ví điện tử số 1 Việt Nam”. Tháng 10 cùng năm, MoMo trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong Fintech 100 và nằm trong danh sách Top 50 "Ngôi sao mới nổi". Một năm sau đó, MoMo từ thứ hạng 84 vọt lên 36, lọt vào danh sách 50 công ty dẫn đầu Fintech 100.

Sau lần huy động vốn gần nhất, MoMo chính thức trở thành kỳ lân công nghệ sau 16 năm vươn lên với đầy khó khăn và thử thách.

KỲ LÂN CÔNG NGHỆ 

Kỳ lân công nghệ được nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Ventures đặt tên cho những công ty khởi nghiệp hay các doanh nghiệp tư nhân được định giá trên 1 tỉ USD. MoMo cuối cùng cũng chạm tay tới giấc mơ kỳ lân công nghệ sau gần 2 thập kỷ khởi nghiệp.

Điều đáng chú ý, các nhà đầu tư vào MoMo phần lớn là những cá mập thật sự. Series D của MoMo diễn ra vào đầu năm 2021, huy động được hơn 100 triệu USD, được dẫn dắt bởi Goodwater - một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus. Sau khi tuyên bố nhận được hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư do Ngân hàng Mizuho dẫn đầu, lần rót vốn mới nhất đã đem lại cho MoMo mức định giá hơn 2 tỉ USD.

Năm 2020, 2021 cũng là giai đoạn thị trường ví điện tử trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, dịch bệnh leo thang, nhiều tổ chức tham gia vào sân chơi ví điện tử. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021 có đến 46 tổ chức được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải ngân hàng. Nhiều trong số đó có tiềm lực lớn như ZaloPay, Viettel Money..., thậm chí có cả kỳ lân công nghệ khác là VNPAY.

Trong năm 2021, ví điện tử MoMo có thêm 11 triệu khách hàng đăng ký sử dụng mới.
Trong năm 2021, ví điện tử MoMo có thêm 11 triệu khách hàng đăng ký sử dụng mới.

Nhưng bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt đó, MoMo càng tiến nhanh hơn, chỉ trong năm 2021, ví điện tử MoMo có thêm 11 triệu khách hàng đăng ký sử dụng mới và hàng chục ngàn doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái, hàng chục ngàn đại lý nâng tổng người dùng ví này lên tới 31 triệu.

THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ ĐÂU?

Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố then chốt là khả năng thu hút vốn đầu tư, nền tảng công nghệ và sự chấp nhận của khách hàng thì MoMo đều có cả. Ngoài việc được nhiều “cá mập” đầu tư, MoMo luôn tạo ra những đột phá trong các chương trình marketing, khuyến mãi với những ý tưởng bình dị và rất gần gũi với đại bộ phận dân số của các nước đang phát triển như Việt Nam.

Sự tăng trưởng ấn tượng về lượng người dùng của ví điện tử này trong những năm gần đây là minh chứng cho sự thấu hiểu và chia sẻ cùng khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm.

Nhưng 3 yếu tố đó vẫn chưa quan trọng bằng một yếu tố khác, được chính một trong các nhà sáng lập tiết lộ, đã quyết định sự thành công của MoMo, đó chính là yếu tố con người.

“Để trụ vững và ngày càng phát triển như hiện nay, điều đầu tiên là phải hội tụ đầy đủ nhân tài, trân trọng và tận dụng được chất xám của người Việt - những người tâm huyết với việc ứng dụng công nghệ để thay đổi cuộc sống”, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng sáng lập ví MoMo, chia sẻ. Và điều đó được khẳng định bằng giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” 2 năm liên tiếp 2020, 2021 do HR Asia - tạp chí uy tín hàng đầu về nhân sự tại khu vực châu Á - công bố và trao giải.

Thế nên tại MoMo, hơn 1.400 nhân viên (tính đến cuối quý III/2021) luôn được quan tâm, chăm sóc như một gia đình lớn. Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng nhân viên của MoMo không những không giảm mà còn tăng với thu nhập được đảm bảo. Những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh được Công ty quan tâm, chăm sóc, đời sống tinh thần của mỗi nhân viên được chú trọng với văn hóa làm việc cởi mở, thẳng thắn và hòa đồng. Văn phòng Công ty được thiết kế với không gian mở, nhiều mảng xanh, có không gian riêng nghỉ ngơi, cất giữ đồ cá nhân cho nhân viên, giúp mọi người có tâm lý thoải mái, dễ chịu nhất, tăng năng suất làm việc.

SIÊU ỨNG DỤNG

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, ngay từ đầu MoMo đã lựa chọn con đường phát triển siêu ứng dụng (super app) với mong muốn trở thành một ứng dụng quen thuộc, dễ dùng với mọi người Việt, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu.

MoMo thực sự đã trở thành một siêu ứng dụng. Từ một ứng dụng nạp, chuyển tiền điện thoại ít người biết đến, giờ đây ứng dụng này đã có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu 24/7 của khách hàng, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ từ thanh toán cơ bản (điện, nước, viễn thông, internet, truyền hình cáp), thương mại điện tử, du lịch, giao thông đi lại (máy bay, taxi, xe buýt liên tỉnh, tàu hỏa) cho đến giải trí, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, mua sắm, dịch vụ ăn uống…

MoMo đã trở thành siêu ứng dụng, cung cấp nhiều dịch khác nhau về tài chính hay nhu cầu trong đời sống của mỗi người.
MoMo đã trở thành siêu ứng dụng, cung cấp nhiều dịch khác nhau về tài chính hay nhu cầu trong đời sống của mỗi người.

Không chỉ là một siêu ứng dụng với các dịch vụ tài chính, thanh toán, MoMo còn là một nền tảng thiện nguyện (donation platform) an toàn, minh bạch, kết nối người dùng với các chương trình thiện nguyện ý nghĩa. MoMo tự hào đã hình thành nên một cộng đồng yêu thiện nguyện, sống có trách nhiệm. Chỉ với 1.000 đồng, mỗi người dùng MoMo đều có thể đóng góp những điều nhỏ bé để làm nên sức mạnh vĩ đại.

Nhưng cho dù là siêu ứng dụng, những khó khăn MoMo phải đối mặt chắc chắn còn nhiều. Nhưng với tinh thần đoàn kết và bền bỉ qua lịch sử gần 2 thập kỷ khởi nghiệp, MoMo sẽ còn đạt tới những nấc thang thành công mới.