Các công ty như ON, Mio hay Selly đang ráo riết mở rộng phạm vi hoạt động và sự lớn mạnh của nhóm này là điều mà Facebook phải dè chừng.

 
Thứ Tư | 17/08/2022 09:46

Mạng tí hon đối đầu Meta khổng lồ

Các mạng thương mại xã hội Việt Nam đang tận dụng cơ hội để cạnh tranh với nền tảng bán hàng từ Meta.

Đắm đuối với thế giới Metaverse (vũ trụ ảo) có thể khiến Meta đánh mất thị trường Việt Nam, một trong những quốc gia đóng góp doanh thu quảng cáo nhất nhì thị trường Đông Nam Á cho Facebook, vào tay các statup nội địa non trẻ.

KÊNH BÁN HÀNG MỚI

Lâu nay, Facebook luôn dẫn đầu trong các kênh thương mại xã hội (social commerce) tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn kể từ khi dịch bệnh được kiểm soát, đã có 3 công ty social commerce tại Việt Nam nhận được đầu tư là ON, Mio và gần đây là Selly với tổng số vốn hơn 11 triệu USD. Trong đó, Mio là đơn vị nhận đầu tư lớn nhất tính đến hiện tại với hơn 9 triệu USD.

Mio - Ứng dụng mua bán nông sản Việt.
Mio - Ứng dụng mua bán nông sản Việt.

Các social commerce đóng vai trò bên trung gian của doanh nghiệp và đội ngũ bán hàng. Lấy ví dụ, nhà sản xuất có thể để chiết khấu 10%/sản phẩm bán ra cho doanh nghiệp social commerce; nhóm này sẽ chiết khấu lại 7%/sản phẩm hoặc hơn cho người bán để thu hút nhiều người tham gia và hưởng lợi thế quy mô. Bằng cách làm này, doanh nghiệp social commerce giải quyết bài toán xây dựng đội ngũ bán hàng cho nhà sản xuất, còn người tham gia sẽ có hàng để bán mà không cần vốn nhập hàng hay đầu tư kho bãi để chứa hàng.

Ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc Tăng trưởng của Tonkin Media, cho biết khái niệm social commerce đã được nhắc đến dưới thời Yahoo! từ năm 2005. Sự tiện ích ở chỗ người bán/mua có thể tiến hành thanh toán, đặt hàng mà không cần rời khỏi ứng dụng ưa thích của họ. Cụ thể, các công ty social commerce sẽ có một nền tảng đặt, mua và theo dõi hàng hóa cho người bán. Người mua chỉ cần chia sẻ các đường dẫn này thông qua những phương tiện tương tác của họ hằng ngày như Facebook Messenger, Zalo, Viber...

“Ảnh hưởng toàn diện từ thu nhập, thói quen online lẫn mua hàng vì dịch bệnh trong thời gian qua khiến mô hình từng bị bỏ quên này tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu”, ông Hưng nói.

MỐI ĐE DỌA TIỀM TÀNG

Báo cáo của Facebook và Bain & Co. cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia có lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 56 tỉ USD, tăng 11,8 tỉ USD so với năm 2020.

Đơn vị: tỉ USD - Nguồn: Bain & Co.
Đơn vị: tỉ USD - Nguồn: Bain & Co.

Hiện tại, doanh thu từ thương mại điện tử chỉ chiếm chưa đầy 5,5% doanh thu bán lẻ tại Việt Nam, thể hiện tiềm năng thị trường của lĩnh vực này còn rất lớn, đặc biệt ở nông thôn và các thành phố nhỏ, nơi 92% hộ gia đình có sử dụng smartphone và có đến 72% tham gia mua sắm trực tuyến trên Facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội.
Sự lớn mạnh của các social commerce, kéo theo đó là đội ngũ bán hàng hùng hậu qua các mối quan hệ của chính mình sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu quảng cáo của Facebook ở Việt Nam, vốn trị giá đến 1 tỉ USD trong năm 2020 (theo Reuters).

Việc tăng phí quảng cáo của Facebook trong thời gian qua đã tạo ra nhiều rào cản đối với doanh nghiệp Việt, khi chi phí quảng cáo không tương xứng với khả năng bán được hàng. Song song đó là việc mở các chiến dịch điều tra những tài khoản không hợp lệ của Facebook thời gian qua cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thị của các doanh nghiệp. Báo cáo của AccessTrade từ năm 2021 chỉ ra nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đang chuyển dần sang các sàn thương mại điện tử.

Sự xuất hiện của các social commerce sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn thay vì phụ thuộc vào việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đông đúc cư dân nhưng dịch vụ hỗ trợ còn nhiều điều phải bàn như Facebook. Đó là chưa kể hành vi mua sắm của khách hàng đang thay đổi, theo ông Hưng của Tonkin Media, khách hàng Gen Z có xu hướng mua hàng thông qua nền tảng social commerce gấp 2-3 lần so với các thế hệ khác (báo cáo Digital Shopping Behavior của Statista).

Dĩ nhiên, không phải toàn viễn cảnh màu hồng dành cho các social commerce ở Việt Nam. Ông Trần Nhật Khanh, Quản lý Điều hành Touchstone Partners, đơn vị đầu tư vào ON, nền tảng social commerce chuyên cung cấp thực phẩm đóng gói và đồ dùng gia đình, cho biết rào cản nằm ở chỗ khả năng khai thác được cộng đồng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiệu quả, đánh giá đúng nhu cầu thị trường. “Tương tự, việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mở rộng danh mục hàng hóa của các công ty social commerce trong tương lai”, ông Khanh nói thêm.

Nhưng trước mắt, với dòng vốn đầu tư mới, các công ty như ON, Mio hay Selly đang ráo riết mở rộng phạm vi hoạt động và sự lớn mạnh của nhóm này là điều mà Facebook phải dè chừng. Mạng xã hội này có thể hạn chế sự phát triển của họ bằng cách ngăn chặn chia sẻ các đường link xuất phát từ những công ty social commerce. Vấn đề là liệu Facebook có còn giữ vị thế số 1 trong thời gian tới hay không?