Ảnh: minh hoạ

 
Thứ Hai | 05/09/2022 09:10

Loship tham gia hệ sinh thái Ant Group

Bên cạnh tài chính, kinh nghiệm từ các công ty cùng hệ sinh thái sẽ là lợi thế cho Loship trong cuộc đua giành thị phần giao thực phẩm ở Việt Nam.

Loship, startup giao đồ ăn và thương mại điện tử, vừa công bố huy động thành công 12 triệu USD trong vòng gọi vốn mới do BAce Capital và Sun Hung Kai & Co. Limited dẫn dắt.

GỌI VỐN TRONG CHẢO LỬA 

Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Điều hành Loship, cho biết mục tiêu của Loship là trở thành công ty thương mại điện tử giao hàng một giờ hàng đầu Việt Nam. “Khoản đầu tư mới sẽ giúp chúng tôi cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ giao hàng và nắm bắt các cơ hội mở rộng thị trường”, ông nói.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Điều hành Loship.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Điều hành Loship.

Vòng gọi vốn này sẽ bổ sung thêm sự hiện diện của Loship ở 5 thị trường chính là Hà Nội, Đà Nẵng, Biên Hòa, TP.HCM và Cần Thơ. Tiền thân của Loship là Lozi, mạng xã hội ăn uống thành lập năm 2012, sau đó đơn vị này chuyển đổi sang mô hình rao vặt và cuối cùng là thành lập Loship vào năm 2018.

Thị trường giao thực phẩm trực tuyến mà Loship tham gia đang là cuộc đua “đốt tiền” giữa GrabFood (Singapore), Now (Singapore), GoFood (Gojek - Indonesia) và Baemin (Hàn Quốc). Theo báo cáo hồi tháng 5 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Mitsui, dịch bệnh đã khiến các cơ sở ăn uống khắp nơi chuyển dịch từ tiêu thụ tại cửa hàng sang mang đi. Riêng ở Đông Nam Á, thị trường đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu giao thực phẩm của GrabFood và GoFood. 

Mặc dù việc giao thực phẩm không mang lại lợi nhuận, nhưng các quỹ đầu tư không muốn bỏ qua xu hướng này hoặc cũng có thể là cách tốt nhất để công ty mẹ mở rộng sang thị trường mới. Đây được xem là câu trả lời cho việc các quỹ đầu tư tham gia Loship trong bối cảnh thị trường đang chật cứng người chơi hiện nay.

LỰC ĐỠ TỪ HỆ SINH THÁI

BAce Capital, đơn vị dẫn dắt đầu tư vào Loship lần này, là quỹ đầu tư được hậu thuẫn bởi Alibaba và Ant Financial (hiện là Ant Group, Trung Quốc). Cũng cần nói thêm Ant Group là một trong số nhà đầu tư chính của Zomato, startup giao thực phẩm lớn nhất Ấn Độ.

Ant Group là một trong số nhà đầu tư chính của Zomato, startup giao thực phẩm lớn nhất Ấn Độ.
Ant Group cũng là một trong số nhà đầu tư chính của Zomato, startup giao thực phẩm lớn nhất Ấn Độ.

Theo The Diplomat, các quỹ đầu tư của Trung Quốc có xu hướng trở thành một nhánh của các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent, được biết đến với cái tên là BAT. Khi một trong những công ty lớn này đầu tư vào một công ty khởi nghiệp, thì công ty khởi nghiệp đó có thể tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của họ. Việc tham gia vào “phe cánh” của các công ty này là điều hấp dẫn đối với một công ty nhỏ có tham vọng phát triển. 

Đây có thể xem là lợi thế thứ 2 của Loship bên cạnh vấn đề tài chính khi tham gia cuộc đua giao thực phẩm tốn kém ở Việt Nam. Ở vấn đề này, có thể nhìn sang bài học của Zomato khi mở rộng sang các thị trường khác trong thời gian qua.

Theo webstie BloombergQuint, Zomato đã mở rộng sang Ý, Anh và Mỹ từ năm 2014 nhưng đều thất bại. Riêng ở Mỹ, Công ty đã chi 50 triệu USD mua lại UrbanSpoon nhưng phải đóng cửa trong vòng 5 tháng dưới áp lực của đối thủ Yelp. Trong năm tài chính vừa qua, Zomato còn đóng cửa 7 công ty trên toàn cầu tại Indonesia, New Zealand, Úc, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ. Chi nhánh ở Bồ Đào Nha cũng được giới phân tích cho rằng đang trong tình trạng khó khăn. Ngay cả tại thị trường chính Ấn Độ, Zomato cũng gặp không ít thách thức.

Ở vòng gọi vốn mới, ông Benny Chen, sáng lập BAce Capital đồng thời từng tham gia Hội đồng Quản trị Zomato, sẽ tham gia vào Ban giám đốc mới của Loship là minh chứng cho thấy mối liên thông của các startup trong hệ sinh thái của Ant Group.

Trước khi được đầu tư, Loship được đánh giá không cao so với các đối thủ về khuyến mãi và số lượng chủ nhà hàng tham gia.
Trước khi được đầu tư, Loship được đánh giá không cao so với các đối thủ về khuyến mãi và số lượng chủ nhà hàng tham gia.

Trước khi được đầu tư, Loship được đánh giá không cao so với các đối thủ về khuyến mãi và số lượng chủ nhà hàng tham gia. Để gia tăng số lượng chủ nhà hàng, Loship thường “quét” danh sách, thực đơn các quán ăn phổ biến ở đối thủ. Nhưng tài xế của hãng này thường gặp tình trạng đơn hàng đã hết, hoặc quán đóng cửa nhưng không cập nhật trên ứng dụng, chị Trinh, chủ quán ăn ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết.

Baemin, Gojek trước đây cũng gặp tình trạng này nhưng đã giảm dần khi họ bắt đầu đẩy mạnh sự hiện diện ở Việt Nam. Đây được kỳ vọng là điều được cải thiện đầu tiên khi Loship nhận đầu tư.