Hình ảnh minh họa: Shutterstocks

 
Ngọc Thủy Thứ Ba | 14/03/2023 17:25

Khi CEO trò chuyện với ChatGPT

Doanh nghiệp Việt cũng muốn tận dụng những cơ hội từ ChatGPT nói riêng và A.I nói chung mang lại.

Dù mới xuất hiện từ cuối tháng 11 năm ngoái nhưng chương trình trí tuệ nhân tạo (A.I) ChatGPT của OpenAI đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt khi đạt con số 100 triệu người dùng chỉ sau 3 tháng, theo báo cáo của UBS.

Sức hút ChatGPT

Kết quả này vượt xa thành tích của TikTok (phải mất 9 tháng mới đạt 100 triệu người dùng), Instagram (mất 2,5 năm), Google Translate (6,5 năm)... Theo các nhà phân tích, sức hấp dẫn này sẽ giúp ChatGPT của OpenAI có lợi thế hơn so với những công ty A.I khác. ChatGPT có thể trở thành một chiếc “máy tính bỏ túi để viết lách” hoặc thứ gì đó tương tự, theo dự đoán của nhà kinh tế hàng đầu tại Đại học Stanford.

Microsoft đã nhận ra tiềm năng của ChatGPT và đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI (2019). Microsoft còn muốn bổ sung ChatGPT vào dịch vụ đám mây Azure của mình cũng như dự tính sử dụng các công cụ OpenAI vào trong Bing, Office, Teams và phần mềm bảo mật. Nếu điều này xảy ra, theo giới phân tích, công nghệ A.I sẽ là chủ đạo ở các văn phòng.

Trước mắt, theo khảo sát từ Fishball, gần 30% trong số khoảng 4.500 chuyên gia tại Amazon, Bank of America, JPMorgan Chase, Google, Twitter và Meta cho biết đã sử dụng ChatGPT của OpenAI hoặc các chương trình trí tuệ nhân tạo khác tại nơi làm việc. 

Ở Việt Nam, bản miễn phí của ChatGPT vẫn chưa có mặt nên muốn sử dụng, người dùng phải cần tới phần mềm VPN. Riêng bản có phí (ChatGPT Plus, 20 USD/tháng) thì đã xuất hiện. Tuy vẫn còn trở ngại nhưng ChatGPT cũng đã gây bão khắp Việt Nam thời gian qua, thu hút nhiều doanh nhân chia sẻ trải nghiệm về ChatGPT. 

Ông Nguyễn Thế Hùng, CEO của Vinades, đã rất ấn tượng về khả năng của ChatGPT trong mảng lập trình cũng như bất ngờ về mức độ học hỏi và cách trò chuyện của ChatGPT. Dù vậy, ông Hùng nhận định: “ChatGPT không thể thay thế lập trình viên. Nó sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc phát triển phần mềm như hỗ trợ viết code nhanh hơn...”. Ông Hùng cũng cho rằng, với khả năng tương tác tốt hơn của ChatGPT, các doanh nghiệp có thể sẽ chú trọng tích hợp ChatGPT vào hệ thống chat hỗ trợ khách hàng.

ChatGPT cũng đã gợi ý cho ông Văn Tiến Thanh, CEO của Đạm Cà Mau, khi vị này đặt câu hỏi về những bước cần thiết cho lập kế hoạch. Ông Thanh mong đợi ChatGPT có thể hỗ trợ đắc lực hơn cho Đạm Cà Mau trong đưa ra các phân tích và dự báo. Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Điều hành Tài chính Vinamilk, nhận thấy, ChatGPT có thể giúp Công ty giải quyết nhiều câu hỏi hằng ngày mà nếu không có ChatGPT, cấp quản lý có thể bị “hỏi” nhiều hơn. ChatGPT còn có thể nêu ra những gợi ý để từ đó, nhân viên có thêm chất liệu phát triển ý tưởng của mình. Rõ ràng, ChatGPT có thể giúp doanh nghiệp có thêm nhà tư vấn, nguồn tham khảo và tạo thêm cảm hứng.

Mô hình chưa hoàn hảo

Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ChatGPT còn quá mới và vẫn chưa thể giữ vai trò quan trọng trong các quyết định ở doanh nghiệp như lên kế hoạch kinh doanh, dự đoán xu hướng... Thực tế, ChatGPT là công nghệ hoạt động dựa trên mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP (Natural Language Processing), được huấn luyện với nguồn dữ liệu lớn từ internet, sách và Wikipedia, lấy từ năm 2021 trở về trước. Vì thế, nếu bị hỏi về những chuyện từ năm 2022 trở đi, ChatGPT sẽ không thể trả lời.

Ngoài ra, theo ông Khương Lê, đồng sáng lập của MoirAI, cách thức hoạt động của ChatGPT là đưa ra đáp án dựa trên dữ liệu được sử dụng nhiều, theo nguyên tắc lặp đi lặp lại, trả lời theo xác suất chứ không dựa trên phân tích nguyên nhân - kết quả. Vì thế, ChatGPT gây nhiều tranh cãi do không thật sự hiểu nội dung. Ngoài ra, OpenAI, “cha đẻ” của ChatGPT, thừa nhận “ChatGPT đôi khi có thể đưa ra các câu trả lời không chính xác và câu trả lời có thể gây hiểu nhầm”.

Nhưng trong các ngành như tư vấn, công nghệ, tiếp thị - marketing, bán hàng - chăm sóc khách hàng..., ChatGPT lại được đón nhận nhiệt tình hơn. Theo Resumebuilder.com, một nửa nhóm triển khai chatbot cho rằng, ChatGPT đã thay thế nhân viên tại công ty. ChatGPT đang hỗ trợ nhiều người trong soạn thảo email, viết các đoạn mã, tóm tắt nghiên cứu hoặc tạo biên bản cuộc họp. Một số lãnh đạo doanh nghiệp thì dùng ChatGPT để sáng tạo ý tưởng, lên kế hoạch hoạt động... 

Tuy nhiên, để sử dụng ChatGPT hiệu quả, ông Khương Lê lưu ý: “Vì ChatGPT có đúng có sai nên khi sử dụng phải rất cẩn thận, nhất là trong lĩnh vực tài chính”. Người dùng cũng cần sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh vì dữ liệu ChatGPT thu nạp được chủ yếu bằng tiếng Anh. Đặc biệt, để có đáp án tốt từ ChatGPT, người dùng phải biết đặt câu hỏi. Câu hỏi càng cung cấp nhiều đường dẫn chi tiết thì đáp án đưa ra càng sát sườn, giá trị.

Ngành dịch vụ hướng dẫn cách đặt câu hỏi dự báo sẽ xuất hiện cùng sự phát triển của ChatGPT. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rất ưu tư về mức độ bảo mật dữ liệu khi chia sẻ thông tin với ChatGPT. Ông Vũ Đức Giang, Giám đốc Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật của PwC Việt Nam, cho biết: “Doanh nghiệp cần đặt hàng, may đo và phải có hợp đồng ràng buộc về các điều khoản liên quan đến bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu”.

Hiện tại, Vinamilk, Đạm Cà Mau và nhiều doanh nghiệp khác đều đang cân nhắc trước khi đẩy mạnh ChatGPT vào công việc. Dù vậy, các công ty nhận thấy, sự chuyển đổi nhanh chóng của các xu hướng công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt, thay đổi, học hỏi không ngừng.

Ông Khương Lê xác nhận, sức hút của ChatGPT sẽ là động lực thúc đẩy A.I phát triển mạnh mẽ hơn. Đơn cử, Mỹ đang dành sự quan tâm đặc biệt đến Causal AI, một chương trình A.I không chỉ dựa trên dữ liệu mà còn dùng thuật toán, logic, đưa ra các quy luật, nguyên nhân - kết quả để dự báo, phân tích. Causal AI có thể thích ứng theo các hành vi thay đổi và xử lý được cả những tình huống chưa từng xảy ra, chưa từng tính đến. Vì thế, Causal AI dự báo còn “đáng gờm” hơn cả ChatGPT và những chương trình A.I tương tự.