Đầu năm 2022, Haravan đưa giải pháp vay kinh doanh nhanh Haravan Finance ra thị trường.

 
Thứ Tư | 28/09/2022 09:51

Haravan: Mở cánh cửa thương mại online

Sóng tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đã đưa Haravan đạt mốc hàng chục ngàn khách hàng doanh nghiệp sử dụng giải pháp công nghệ chỉ trong 8 năm.

8 NĂM LÊN CÙNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ 

Đầu năm 2022, Haravan đưa giải pháp vay kinh doanh nhanh Haravan Finance ra thị trường, đây là sản phẩm kết hợp giữa Công ty với Ngân hàng Techcombank và KBank (Thái Lan).

Dù có số lượng áp đảo các doanh nghiệp lớn, nhưng đa số các nhà kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thường khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng vì quy trình tiếp cận, thẩm định khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Đây là thực trạng chung của nhiều quốc gia ở khu vực, trong đó có Việt Nam.

 

Thông qua nền tảng Haravan, với 50.000 nhà kinh doanh và doanh nghiệp trả phí hằng năm, ngân hàng có thể tiếp cận số lượng lớn khách hàng giúp giảm thời gian tìm kiếm, tạo cơ sở giảm thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn. Ông Huỳnh Lâm Hồ, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Haravan, cho biết trong thời gian thử nghiệm, việc thẩm định dựa trên dữ liệu, giải ngân đã rút ngắn còn 3-4 ngày thay vì hơn một tuần như trước kia.

“Việc tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng, tăng ngân sách quảng cáo, đẩy nhanh việc bán hàng”, ông Hồ nói.

Rút ngắn thời gian và giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia kinh doanh online thông qua các giải pháp công nghệ là mục tiêu hàng đầu của Haravan trong 8 năm qua. Quay lại giai đoạn 2014-2015 khi kinh doanh trực tuyến bắt đầu tăng tốc ở Việt Nam, Haravan định danh trên thị trường bằng việc cung cấp giải pháp xây dựng website nhanh chóng với chi phí tối ưu.

Năm 2016, thương mại trên mạng xã hội trỗi dậy với sự dẫn dắt của Facebook, Haravan đã cung cấp dịch vụ kết nối quản lý bán hàng cho các doanh nghiệp trên mạng xã hội này. Một năm sau, Công ty bổ sung thêm giải pháp quản lý kinh doanh trên 3 sàn thương mại điện tử phổ biến Tiki, Shopee và Lazada. Đến năm 2018, khi trào lưu bán hàng đa kênh bắt đầu phổ biến, Haravan đã kịp đưa ra giải pháp Omnichannel (bán hàng đa kênh, quản lý tập trung) hỗ trợ khách hàng đáp ứng xu hướng này. Năm 2020, thời điểm dịch bệnh diễn ra khá phức tạp Công ty cũng kịp “xuất xưởng” giải pháp quảng cáo tự động với Google, quản lý nhân sự với Haraworks và gần đây nhất là giải pháp vay kinh doanh Haravan Finance.

Bên cạnh đó, từ 2 năm trước Haravan đã mơ đến thị trường Đông Nam Á thông qua việc mở rộng sang thị trường Thái Lan, Philippines với các đối tác. Tuy nhiên, dịch bệnh buộc kế hoạch này tạm thời bị hoãn lại đến năm 2023.

“Chúng tôi luôn giữ mục tiêu này, hành vi tiêu dùng online tại thị trường khu vực khá tương đồng với Việt Nam. Chúng tôi cũng được sự chứng nhận và hỗ trợ của Google for Retail và cả Meta Business Partner để phát triển thị trường, nên chúng tôi có lợi thế để phục vụ họ. Qua việc này cũng giúp Haravan nhận diện được các xu thế bán hàng mới, từ đó có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam mang hàng ra quốc tế dễ dàng bằng online trong thời gian tới”, ông Hồ nói.

TRIẾT LÝ THƯƠNG MẠI PHI TẬP TRUNG

Haravan thành lập năm 2014 với nguồn vốn đầu tư từ Công ty Đầu tư Seedcom. Thời điểm đó các công ty cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SaaS) như Haravan không được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng vì mức chi tiêu vào dịch vụ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam khá kém và thị trường bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp ngoại, điển hình như Shopify.

Haravan thành lập năm 2014 với nguồn vốn đầu tư từ Công ty Đầu tư Seedcom.
Haravan thành lập năm 2014 với nguồn vốn đầu tư từ Công ty Đầu tư Seedcom.

Mặc dù vậy, theo ông Hồ, với mức phí sử dụng khá cao cùng với việc thiếu tính địa phương hóa do thị trường Việt Nam còn khá khó tính, các giải pháp nước ngoài phần lớn không phù hợp. Do đó, điều ông quan tâm nhất là làm sao để giúp nhà kinh doanh thích nghi nhanh với tốc độ phát triển của thị trường, hành vi của người mua hàng đang thay đổi nhanh chóng và tăng trưởng số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng Haravan. 

“Có một may mắn là bên cạnh nhà đầu tư hiểu ngành, xuất phát điểm của chúng tôi đúng ngay lúc thương mại điện tử bắt đầu hình thành ở Việt Nam và chúng tôi biết đây là con đường sáng để Haravan phát triển”, ông Hồ nói.

Để giải quyết bài toán đầu tiên là tăng trưởng theo thị trường, Haravan xác định nhà kinh doanh online và doanh nghiệp SME là tập khách hàng chính và các sản phẩm sẽ được thiết kế để phục vụ nhóm này gia nhập vào làn sóng thương mại điện tử đơn giản nhất có thể.

Với bài toán thứ 2, ngay từ những ngày đầu tiên, Công ty xác định phải chinh phục bằng được các doanh nghiệp nội địa và đa quốc gia tầm cỡ ở Việt Nam như Vinamilk, Biti's, Aeon, Dell, L’Oréal….

Theo ông Hồ, Haravan có niềm tin rằng tất cả các SME hôm nay đều lớn mạnh trong tương lai, khi đó họ sẽ đặt yêu cầu khắt khe về đối tác cung cấp hạ tầng công nghệ và khả năng mở rộng, kết nối của giải pháp.

Ông Huỳnh Lâm Hồ, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Haravan.
Ông Huỳnh Lâm Hồ, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Haravan.

“Việc hợp tác với các đối tác lớn cho thấy Haravan có thể đáp ứng nhu cầu phức tạp của một nhà kinh doanh từ khi họ mới bước vào thị trường cho đến giai đoạn tăng trưởng nhanh, thành doanh nghiệp lớn”, ông Hồ nói thêm.

Thật ra, đằng sau tất cả các chiến lược mà Haravan theo đuổi có chung một triết lý là “Decentralized Commerce” (thương mại phi tập trung). Thuật ngữ này được giải thích rằng là khi kinh doanh trực tuyến, không doanh nghiệp nào muốn phụ thuộc vào một nền tảng thương mại duy nhất, không bỏ hết trứng vào một giỏ, mà phân bổ ra nhiều kênh để tối ưu tính hiệu quả. 

Giống như mô hình bán hàng truyền thống, nếu thị trường bán lẻ chỉ tập trung vào một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi siêu thị thì sẽ không tốt cho người mua và các nhà bán sỉ vì bị lệ thuộc hoặc độc quyền. 

Lĩnh vực trực tuyến cũng vậy, nhà kinh doanh, doanh nghiệp luôn có nhu cầu làm chủ thương hiệu của họ trên tất cả các nền tảng bán hàng phổ biến để chủ động tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu và phân bố rủi ro. Chính niềm tin vào triết lý này đã giúp Haravan từ vài người phát triển lên 500 nhân sự như hiện nay.

“Với Haravan, nhà kinh doanh có thể dễ dàng xây dựng một website thương hiệu, dễ dàng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, dễ dàng chốt đơn trên mạng xã hội Facebook, livestream, dễ dàng thực hiện các chiến dịch quảng cáo trên Google, dễ dàng chăm sóc và bán lại cho khách hàng cũ bằng Zalo hay Chatbot Marketing và còn có thể vay vốn ngay khi cần”, ông Huỳnh Lâm Hồ nói.