Giá trị các dịch vụ livestream toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 4,26 tỉ USD vào năm 2028

 
Thứ Sáu | 16/09/2022 09:38

GoStream: Đi trên vai livestream

Chỉ sau 2 năm thành lập, GoStream đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ livestream đứng đầu Việt Nam và lọt Top 5 toàn cầu của Facebook.

THẾ GIỚI LIVESTREAM

Ba giờ sáng ngày 7/1/2021, đối tác đầu tư nhắn tin cho ông Phạm Ngọc Duy Liêm về thương vụ Hopin chi 250 triệu USD mua lại StreamYard (Mỹ), một công ty cùng lĩnh vực với GoStream, cho thấy cuộc đua livestream toàn cầu đang nóng lên từng ngày và GoStream đang là đại diện Việt Nam duy nhất tham gia.

Livestream àng phát triển mạnh mẽ sau 2 năm giãn cách vì đại dịch COVID-19.
Livestream phát triển mạnh mẽ sau 2 năm giãn cách vì đại dịch COVID-19.

Livestream, hay được hiểu đơn giản là xem video phát trực tiếp, vốn đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng kể từ khi các triệu phú USD nhờ bán hàng livstream ở Trung Quốc xuất hiện. Xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ sau 2 năm giãn cách vì đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của Researchandmarkets.com, giá trị các dịch vụ livestream toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 4,26 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 22,4% trong giai đoạn 2021-2028.

Quan trọng hơn, các công ty cung cấp phần mềm livestream được xem là các add-on (tạm dịch: công ty hỗ trợ) cho những nền tảng video lớn như TikTok, YouTube, Facebook… nên được hỗ trợ khá tốt từ các nền tảng này. GoStream gia nhập thị trường vào năm 2017 và chỉ mất 2 năm để lọt vào Top 5 nền tảng cung cấp livestream lớn nhất của Facebook trên toàn cầu. Bí quyết thành công của Công ty rất đơn giản: giải pháp dễ sử dụng  và chi phí hấp dẫn.

Thời điểm đó có 2 trường phái cung cấp dịch vụ livestream là nhóm phần mềm cài đặt trên máy (OBS, Streamlabs, vMix, Wirecast…) và nhóm dựa trên nền tảng web (Be.Live). GoStream chọn trường phái thứ 2 để gia nhập vì không đòi hỏi người sử dụng phải cài đặt hay có một máy tính cấu hình quá cao và quan trọng hơn, đây là “đại dương xanh” khi số lượng nhà cung cấp rất ít. 

Ưu điểm lớn nhất mà Công ty mang lại là giải pháp giúp khách hàng bán hàng 24/7 với chi phí cạnh tranh, chỉ từ 5 USD/tháng. Theo ông Liêm, mặc dù bán hàng bằng livestream giúp thu hút người mua nhưng không ai có sức quay livestream liên tục ngày qua ngày, trong khi nếu sử dụng các video quay sẵn thì không thể tương tác theo thời gian thực với khách hàng. GoStream giải quyết bài toán này bằng cách đưa một video đã quay sẵn trở thành video live và kết nối các chức năng tương tác quan trọng như chia sẻ, comment để hỗ trợ người bán. 

“Giống như hình thức thu băng sẵn rồi phát lời rao bán qua loa trước đây, chúng tôi làm lại việc tương tự và chiếu live trên tất cả các nền tảng xã hội, ngày qua ngày”, ông Liêm ví von.

Hành động này đã được hưởng ứng tích cực ở một thị trường mà theo báo cáo của Facebook, tổng lượng hàng hóa bán qua live-commerce có thể đạt hơn nửa tỉ USD như Việt Nam. Không chỉ thế, người sử dụng ở 40 quốc gia khác cũng yêu thích GoStream. Thậm chí, tỉ lệ này đã thay đổi đáng kể từ sau đại dịch khi lượng khách nước ngoài tăng trưởng gấp 3 lần trong năm 2021 và chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu của Công ty. Có khoảng 1,5 triệu người sử dụng GoStream, với xấp xỉ 150.000 người dùng thường xuyên, số trả phí là 8.000 người.

Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, GoStream đang gặp tình trạng sau một thời gian “thả”, những nền tảng video sẽ hạn chế lượng tương tác của các video livestream. Tuy nhiên, ông Liêm không cho đó là rủi ro mà là điều phải diễn ra, bởi các nền tảng video thời gian đầu cần lượng nên sẽ chấp nhận nội dung “tàm tạm” để thu hút người sử dụng; khi người sử dụng tăng lên, nội dung đòi hỏi phải được đầu tư nhiều hơn.

 

Đó cũng là lý do ông Liêm phát triển ứng dụng GoStudio, một nền tảng cung cấp nhiều hiệu ứng trong các buổi live. Tính đến thời điểm hiện tại, dù chỉ đang chạy bản thử nghiệm nhưng đã có hơn 40.000 người sử dụng toàn cầu đăng ký. “Dự kiến cuối tháng 6 chúng tôi sẽ đưa ra bản chính thức”, ông Liêm nói.

10 NĂM 1 MỤC TIÊU

GoStream là doanh nghiệp được ông Liêm thành lập cùng ông Nghiêm Tiến Viễn và ông Nguyễn Trọng Hoàn, cả 3 có hơn 10 năm làm việc trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin. Trong thời gian đó, thông qua các đối tác quốc tế, ông Liêm biết được video sẽ là xu hướng tương lai.

Ba người đầu tiên gây dựng lên GoStream (Từ trái qua phải: Ông Phạm Liêm, ông Nguyễn Trọng Hoàn và ông Nghiêm Tiến Viễn).
Ba người đầu tiên gây dựng lên GoStream (Từ trái qua phải: Ông Phạm Ngọc Duy Liêm, ông Nguyễn Trọng Hoàn và ông Nghiêm Tiến Viễn).

Năm 2014, ông Liêm khởi nghiệp một công ty cung cấp hạ tầng lưu trữ và phân phối video ở Việt Nam vì như lời ông nói là khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn một khi đã nhìn ra xu thế của tương lai. Giai đoạn 2015-2016 là thời điểm ông ra sức thuyết phục các đơn vị cung cấp nội dung lớn như đài truyền hình rằng video online sẽ là mỏ vàng mới.

Đến năm 2016, nhiều đơn đặt hàng bắt đầu phát sinh nhưng cuối năm đó là thời điểm YouTube vào Việt Nam. Với tiềm lực tài chính, hạ tầng  hiện đại cùng chiến lược đảm bảo về kinh doanh, gã khồng lồ này nhanh chóng khiến giải pháp của ông Liêm trở nên lỗi thời. 

Không nản lòng, vào năm 2017, khi trào lưu livestream trỗi dậy, ông Liêm đã kết hợp cùng ông Nghiêm Tiến Viễn, ông Nguyễn Trọng Hoàn và cả 3 nhanh chóng nắm bắt thời cơ. Nếu như năm 2012, ông Liêm biết được video trực tuyến sẽ là cơ hội của tương lai thì hiện nay, ông biết cách như thế nào để tồn tại và phát triển trong xu hướng đó.

Nhiều người cho rằng mô hình add-on, vốn phụ thuộc vào các nền tảng lớn, là không bền vững, nhưng theo ông Liêm, đó là do họ chưa chuyên tâm để làm mà thôi. Những nền tảng lớn không thể làm hết tất cả, họ chỉ có thể tập trung vào giá trị cốt lõi và các khâu thu hút người sử dụng sẽ là phần của các đơn vị add-on.

“Quan trọng nhất là xác định được điều công ty đang làm có tốt cho nền tảng đó hay không. Nếu làm điều có hại, chắc chắn chúng ta sẽ bị họ loại khỏi cuộc chơi”, ông Liêm nói.

Quay trở lại với câu chuyện của GoStream, GoStudio là sản phẩm thứ 2 được đưa ra để phục vụ khách hàng trên toàn cầu. Nếu như sản phẩm đầu tiên - GoStream phục vụ các nhà sáng tạo nội dung mới gia nhập thị trường thì GoStudio hướng đến các nhà sáng tạo đã có tên tuổi và cần đầu tư kỹ xảo cho mỗi buổi live để phục vụ người theo dõi.

Theo ước tính của ông Liêm, trung bình khách hàng sẽ chi khoảng 5% thu nhập cho các công ty cung cấp dịch vụ livestream. Đây không phải là con số quá lớn để họ bỏ đi khi có những nền tảng đưa ra chi phí cạnh tranh hơn, nhưng chính sự sáng tạo không ngừng của các công ty mới là động lực thúc đẩy họ chuyển đổi.

GoStudio đang đầu tư vào công nghệ “multi-layer” để xử lý hình ảnh khi live. Đây là giải pháp cho phép các nhà sáng tạo nội dung tùy biến nhiều hơn cho mỗi buổi live của mình so với công nghệ hiện tại là “single-layer”. Nếu hoàn thành kịp tiến độ, đó sẽ là lợi thế của GoStudio trên mặt trận quốc tế.

Khi được hỏi "Công ty muốn trở thành gì?", ông Liêm trả lời: “Canva”. Đây là công ty cung cấp công cụ thiết kế file thuyết trình bài giảng, sản phẩm của Úc được thành lập năm 2012. Canva hiện được định giá 40 tỉ USD và loại PowerPoint ra khỏi cuộc chơi toàn cầu nhờ vào việc đơn giản hóa công việc thiết kế. Theo đó, khi người dùng mở Canva, họ sẽ được chọn các mẫu sẵn có tùy theo mục đích và việc của họ là nhập nội dung vào.

 

Livestream trong tương lai cũng sẽ là cuộc chiến như vậy, khi người sử dụng chỉ tốn rất ít thời gian cho việc thiết kế hiệu ứng cho buổi live. Các công ty cung cấp sẽ có nguồn thu từ phí thuê bao hằng tháng hoặc bán những mẫu được thiết kế cho từng mục đích của buổi live. Đó là con đường GoStudio đi theo. Trước mắt nguồn thu của Công ty sẽ đến từ việc thuê bao hằng tháng như GoStream.

“Nếu như Canva là ông vua của thế giới slideshow thì chúng tôi tham vọng GoStudio, GoStream là các tên tuổi trong giới livestream toàn cầu”, ông Liêm nói.