Giải mã gen: Thị trường tỉ USD
Mehri Coulter, sinh sống tại Idaho (Mỹ) là một người mắc chứng rối loạn lưỡng cực từ di truyền gia đình. Suốt thời gian dài, cô không biết mình bị căn bệnh này cho đến khi tốt nghiệp, sắp kết hôn thì mới được chẩn đoán. Mehri cực kỳ chán nản và khép mình. Bác sĩ đã kê thuốc chống trầm cảm cho cô - loại SSRI nhưng suốt nhiều năm ròng, chứng đau đầu, mệt mỏi, rã rời cứ bám lấy cô. Mehri tức giận, lo lắng và cả muốn tự sát. Cô cảm thấy thất vọng khi liên tục đổi thuốc mà không khả quan hơn.
Một ngày, Mehri đến Mayo Clinic để làm xét nghiệm gen. Kết quả của xét nghiệm gen kết hợp với nghiên cứu sự chuyển hóa của thuốc (dược lý di truyền- PGx) cho thấy, cơ thể Mehri chỉ thích hợp với một số loại thuốc. Bác sĩ tại Mayo Clinic đã đề nghị Mehri sử dụng thuốc SNRI thay loại SSRI. Từ đó, Mehri đã bình thường trở lại.
Bác sĩ tại Mayo Clinic đã đề nghị Mehri sử dụng thuốc SNRI thay loại SSRI (Ảnh minh hoạ). |
Hiện nay, ở các nước phát triển, xét nghiệm dược lý di truyền trở thành một phần quan trọng trong hồ sơ bệnh án và là cơ sở để các bác sĩ lựa chọn loại thuốc và liều dùng phù hợp, nhất là với các bệnh tim mạch, bệnh tâm lý/tâm thần, ung thư.
Nghiên cứu y học chính xác và tìm liệu pháp gen chữa bệnh đã và sẽ là những lĩnh vực mà các công ty giải mã gen mở rộng.
NGÀNH TỈ USD
Genetica®, một trong những công ty giải mã gen hàng đầu ở Việt Nam, cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mục tiêu ưu tiên của Genetica® vẫn là trở thành công ty giải mã gen hàng đầu châu Á. Ông Cao Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành Genetica®, cho biết: “Xét nghiệm di truyền tuy còn tương đối mới mẻ nhưng là thị trường tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng nhanh”.
Giải mã gen không chỉ giúp ích cho ngành y học mà các ngành giáo dục, thể chất, dinh dưỡng hay ngay cả doanh nghiệp đều cần biết đặc điểm di truyền của nhân viên, học viên để đánh giá khả năng tiếp nhận, hấp thụ cũng như tiềm năng trí tuệ, xu hướng hành vi. Từ đây, cha mẹ, giáo viên, các nhà quản lý... sẽ có phương pháp đào tạo và hỗ trợ phù hợp, nhằm giúp mỗi người điều trị bệnh và phát triển bản thân tốt hơn.
Theo Cơ quan Phôi học và Sinh sản người (HFEA), đã có hàng chục triệu người làm xét nghiệm gen. Ngoài ra, các hãng còn có thể bán dữ liệu, với sự đồng ý từ phía khách hàng. Đơn cử, năm 2018 Công ty 23andMe (Mỹ) đã kiếm được khoảng 130 triệu USD từ việc bán quyền truy cập cho bộ dữ liệu chứa khoảng 1 triệu kiểu gen. Vì thế, cũng năm 2018, GSK đã quyết định đầu tư 300 triệu USD vào 23andMe để hợp tác phát triển thuốc độc quyền liên quan đến di truyền học. Hay Công ty Dược phẩm Roche đã chi 4,3 tỉ USD mua lại 2 công ty trong lĩnh vực dữ liệu ung thư là Foundation Medicine và Flatiron Health (Mỹ).
Trong tương lai, theo Global Market Insights (Mỹ), riêng thị trường giải mã gen toàn cầu có thể đạt giá trị 31,8 tỉ USD vào năm 2027.
Ở Việt Nam, đến tháng 10 năm ngoái, theo số liệu chưa chính thức, đã có khoảng 250.000 người Việt sử dụng dịch vụ giải mã gen. Trong đó, xét nghiệm gen để tầm soát và ngăn ngừa các bệnh di truyền hay nguy cơ ung thư, xét nghiệm gen để hiểu rõ trẻ nhỏ, từ đó định hướng phương pháp nuôi dạy... là những dịch vụ được lựa chọn nhiều nhất.
Trong tương lai, theo dự đoán của ông Đinh Thế Anh, chuyên gia đảm trách các thương vụ M&A tại KPMG Việt Nam, với mức độ thâm nhập thị trường còn thấp, thị trường xét nghiệm gen sẽ còn cơ hội phát triển. Trước mắt, thị trường giải mã gen đã thu hút một số tên tuổi nhảy vào như Genetica®, Gene Solutions, Gentis, Sitragene... Một số cơ sở như Medlatec, Genlab... chỉ chuyên xét nghiệm ADN huyết thống.
Đặc biệt, khi các công ty đưa công nghệ và phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế (CLIA - Mỹ, chứng nhận CAP, quy định cGMP...) về Việt Nam, như cách Genetica® hợp tác cùng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) xây dựng trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á (tháng 10/2021), “chi phí giảm đến 30% và giúp tiết kiệm thời gian đáng kể so với phải chuyển mẫu qua phòng thí nghiệm tại Mỹ”, ông Cao Anh Tuấn chia sẻ.
Giải mã gen đã trở nên phổ biến hơn. Chỉ 4 năm kể từ khi hoạt động tại Việt Nam (năm 2018), Genetica® đã có hơn 100.000 khách hàng. Mục tiêu sắp tới của Genetica® là đạt đến hàng triệu người dùng và sẽ phục vụ cho cả thị trường Đông Nam Á, châu Á.
Hiện tại, các công ty trong lĩnh vực xét nghiệm gen đang cạnh tranh nhau bằng những lợi thế riêng. Nếu như Genetica® có lợi thế đặt trụ sở tại San Francisco (Mỹ), đã hợp tác với Illumina và Thermo Fisher - 2 tổ chức giải mã gen hàng đầu thế giới để tạo ra chip giải mã gen dành riêng cho người châu Á, xét nghiệm gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I), hợp tác với Oasis Labs để bảo mật dữ liệu bằng công nghệ blockchain, phát triển hơn 30 sản phẩm, kết quả xét nghiệm được các nước chấp nhận và được cố vấn bởi những nhà khoa học thuộc các trường đại học hàng đầu như UCSF, Harvard, Stanford, Cornell... thì thế mạnh của Gene Solutions là sở hữu dữ liệu gen người Việt lớn. Gene Solutions đặt mục tiêu cung cấp 1 triệu xét nghiệm gen cho người Việt Nam vào năm 2023.
Dù chọn lối đi nào, những công ty đầu tư nghiêm túc, bài bản đều có thể “cá nhân hóa” liệu pháp điều trị bệnh và đạt độ chính xác cao trong xét nghiệm gen. Các công ty cũng gia tăng nguồn lực. Điển hình, Gene Solutions đã được Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (thuộc Mekong Capital) đầu tư 15 triệu USD. Công ty còn “hợp tác với nhiều đơn vị nghiên cứu lâm sàng để phát triển và ứng dụng công nghệ giải mã gen trong lĩnh vực y học, từ sàng lọc trước sinh, tầm soát nguy cơ ung thư đến chẩn đoán bệnh lý di truyền và hỗ trợ điều trị ung thư”, ông Giang Hoa, đồng sáng lập Gene Solutions, cho biết.
Chỉ 4 năm kể từ khi hoạt động tại Việt Nam (năm 2018), Genetica® đã có hơn 100.000 khách hàng. |
Với Genetica®, hợp tác trải rộng từ hợp tác nghiên cứu với trường học (Đại học Y Harvard), bệnh viện (Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Tâm Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Hồng Ngọc) cho đến hợp tác phân phối với các ngân hàng (ABBank, SeABank). Hay ACB đã mời Genetica® triển khai xét nghiệm gen cho 10.000 nhân viên của ngân hàng này.
Dù đã khá vững chân trong thị trường giải mã gen ở Việt Nam nhưng theo lãnh đạo của cả Genetica® lẫn Gene Solutions, thách thức lớn nhất của ngành này là người dân vẫn chưa hiểu đúng về ý nghĩa của xét nghiệm di truyền. Ngoài ra, bảo mật dữ liệu gen cũng là vấn đề lưu tâm. Các công ty sẽ phải tiếp tục đầu tư, cải thiện cũng như truyền tải thông điệp để người dân dần hình thành thói quen tầm soát bệnh tật sớm bằng công nghệ gen.