Về mô hình kinh doanh, FINA hoạt động như một đơn vị mortgage broker (tạm dịch là môi giới thế chấp) ở Việt Nam. Ảnh: xframe.io.

 
Huy Phi Thứ Tư | 22/06/2022 18:00

Đường vào Việt Nam của Fina

Sau 1 năm thử sức thị trường Việt Nam, doanh số giải ngân cho vay bất động sản qua FINA là 1.700 tỉ đồng, tương đương với chi nhánh 1 ngân hàng.

(Bài viết được thực hiện vào tháng 1/2022)

Con số này được thống kê từ tháng 1/2020, ngày FINA chính thức hoạt động ở Việt Nam cho đến nay. Thú vị hơn, khi Công ty chỉ có 4 nhân viên tư vấn kiêm bán hàng. Với quy mô này, tương đương mỗi tháng mỗi nhân viên giải ngân trung bình 50 tỉ đồng. Về mô hình kinh doanh, FINA hoạt động như một đơn vị mortgage broker (tạm dịch là môi giới thế chấp) ở Việt Nam. Trước FINA, cũng đã có nhiều đơn vị hoạt động tương tự trong lĩnh vực kết nối các khoản vay qua các nền tảng công nghệ.

Sự khác biệt ở chỗ, theo ông Phạm Anh Khôi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành FINA, Công ty là số hiếm đi theo mô hình mortgage broker đúng nghĩa, tức doanh thu chỉ được ghi nhận khi các khoản vay được ngân hàng thông qua. Đồng thời, FINA cũng có các tư vấn viên tài chính độc lập để tư vấn cho khách hàng chọn lựa được khoản vay phù hợp nhất cũng như hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình làm hồ sơ vay ngân hàng. “Tỉ lệ giải ngân của chúng tôi vào khoảng hơn 98%”, ông Khôi cho biết.

 Trên thực tế, mô hình mortgage broker ở Úc cũng từng “vô danh” như ở Việt Nam và mới phát triển vào những năm 1990 trở lại đây khi các ngân hàng bắt đầu tái cấu trúc mô hình để đón sóng tăng trưởng mới.
Trên thực tế, mô hình mortgage broker ở Úc cũng từng “vô danh” như ở Việt Nam và mới phát triển vào những năm 1990 trở lại đây khi các ngân hàng bắt đầu tái cấu trúc mô hình để đón sóng tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, lợi nhuận của mô hình mortgage khá mỏng và các công ty như FINA muốn phát triển bền vững phải tối ưu chi phí. Bên cạnh đó, FINA đẩy mạnh tiếp thị đến tập khách hàng là môi giới các sàn bất động sản, nơi mà các công ty dịch vụ tài chính như FINA là điểm cộng giúp họ bán hàng tốt hơn.

Ông Phạm Anh Khôi tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế bất động sản ở Đại học Western Sydney (Úc) và từng có nhiều năm làm giảng viên ngành tài chính bất động sản tại Úc. Gần 20 năm ở nước ngoài, vì lý do gia đình, ông  Khôi quay về Việt Nam sinh sống và nhận thấy cơ hội cho mô hình mortgage broker do vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.

Ở Úc, 60% các khoản vay bất động sản đều thông qua mô hình này nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, chủ yếu là người vay đến làm việc trực tiếp với ngân hàng. Trên thực tế, mô hình mortgage broker ở Úc cũng từng “vô danh” như ở Việt Nam và mới phát triển vào những năm 1990 trở lại đây khi các ngân hàng bắt đầu tái cấu trúc mô hình để đón sóng tăng trưởng mới.

“Trước đó, các ngân hàng bị giới hạn bởi phạm vi hoạt động ở địa phương, khi chính phủ xóa bỏ quy định này đã buộc các ngân hàng chuyển đổi mô hình, liên kết với các mortgage broker và làm ngành này phát triển mạnh”, ông Khôi nói. Sự trỗi dậy của mô hình mortgage broker đến từ khả năng cung cấp sự minh bạch và đa dạng các khoản vay ứng với khả năng tài chính của khách hàng. Nói ví von mortgage broker như một siêu thị, món hàng ở đây là các sản phẩm tài chính. Giới ngân hàng nhìn nhận các mortgage broker như cánh tay nối dài trong kinh doanh với chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc tự mở chi nhánh.

Ông Phạm Anh Khôi,  Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty FINA. Ảnh: PV.
Ông Phạm Anh Khôi, Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty FINA. Ảnh: PV.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, sự trỗi dậy của các công ty fintech ở những nước đang phát triển là đòn bẩy cho mô hình mortgage broker. Minh chứng là xu hướng này đã hình thành ở Singapore, Trung Quốc và gần đây là Indonesia, Malaysia. Nhiều cái tên nổi bật trong ngành đã được sinh ra như Beike Finance của Trung Quốc (vốn hóa 25 tỉ USD tại thời điểm tháng 11/2021), SoFi (Mỹ), Better.com (Mỹ),  Loan Market (Úc, Indonesia), Aussie Home Loans (Úc), Redbrick (Singapore)... 

“Ở Việt Nam, chúng tôi tin rằng xu hướng này sẽ phổ biến vì đem lại giá trị cho cả người vay và các ngân hàng”, ông Khôi nói.

Trên thực tế, FINA hiện là đối tác của hơn 15 ngân hàng ở Việt Nam và con số này chưa dừng lại. Khi được hỏi vì sao một startup non trẻ như FINA có thể làm việc với các đối tác có quy mô vốn hóa lớn hơn rất nhiều, ông Khôi cho mọi người thấy một bức tranh tổng thể. Như ở Úc chẳng hạn, cứ 100 khách hàng chỉ có 40 người giao dịch ở ngân hàng và đến 60 người còn lại chọn qua kênh mortgage broker.

Về tham vọng sắp tới, ông Khôi cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiếp thị để tiếp cận nhóm môi giới bất động sản ở Việt Nam. Song song đó là mở rộng sang lĩnh vực cho vay mua nhà đất, vốn nhiều thủ tục phức tạp hơn và ông Khôi tin rằng FINA sẽ đóng góp nhiều giá trị hơn cho cả bên bán và bên mua.

Khi được hỏi sẽ như thế nào nếu nhiều mô hình như FINA phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới, ông Khôi cho biết “đó là một tín hiệu vui”. Nhiều bên tham gia sẽ thúc đẩy quy mô các khoản vay từ mortgage broker. “Khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp với tài chính của mình hơn, từ đó làm đòn bẩy thúc đẩy tiêu dùng ở rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế”, ông Khôi nói.