Coolmate, startup kinh doanh thời trang trực tuyến của Việt Nam, vừa huy động được nửa triệu USD từ quỹ đầu tư Hàn Quốc STIC Investments.

 
Thứ Ba | 30/08/2022 09:12

Coolmate: Tân binh trong ngành thời trang online

Coolmate chọn lối đi riêng trong một ngành đã chứng kiến quá nhiều doanh nghiệp thất bại.

Coolmate, startup kinh doanh thời trang trực tuyến của Việt Nam, vừa huy động được nửa triệu USD từ quỹ đầu tư Hàn Quốc STIC Investments. Đây là cái tên khá quen thuộc ở thị trường Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư vào Tiki và gần đây là EcoTruck, một startup về logistics ở Việt Nam.

SỰ KHÁC BIỆT CỦA COOLMATE

Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của thị trường đến Coolmate, vì ngành kinh doanh thời trang online ở Việt Nam đã chứng kiến quá nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc. Có thể kể đến Zanado, Zalora và gần đây là LeFlair, phần lớn đều nhận số tiền đầu tư gấp nhiều lần so với Coolmate.

Gần đây có thông tin cho rằng LeFlair, startup kinh doanh hàng hiệu giảm giá theo đợt, sẽ trở lại Việt Nam với sự hậu thuẫn của một công ty công nghệ Mỹ có thâm niên hoạt động tại Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa là LeFlair dễ thở hơn, khi trải nghiệm mua sắm hàng thương mại điện tử thời trang đã rất khác xưa: nhiều thương hiệu đã tham gia hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn, giúp người mua vừa có giá tốt vừa không phải chờ đợi như trước kia. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng không còn phân mảnh mà nay tập trung vào các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo. Theo báo cáo quý I/2020 của iPrice, 4 sàn này đã thu hút hơn 63 triệu lượt truy cập. Không chỉ hàng thời trang, mà ngay cả hàng tươi sống cũng đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Muốn lấy lại vị thế, đơn vị chống lưng cho LeFlair phải đầu tư nhiều hơn số tiền 20 triệu USD huy động được mà công ty này từng công bố.

Vì thế, câu hỏi đặt ra cho Coolmate là với nguồn lực ít hơn, startup thời trang hơn 2 năm tuổi đời này sẽ tồn tại và phát triển như thế nào. Trao đổi với NCĐT qua email, ông Phạm Chí Nhu, sáng lập Coolmate, cho biết Công ty chỉ chọn tập khách hàng là nam giới để phục vụ vì đây là nhóm dễ thuyết phục và có tính trung thành cao hơn nữ giới. Cách làm này giảm được ít nhất 90% chi phí tiếp thị và rủi ro so với hướng tiếp cận nữ giới - cách nhiều sàn trước giờ vẫn hướng đến. Bên cạnh đó, thu nhập trung bình của nam giới ở thành thị cao hơn 1,2 lần so với nữ, tương ứng là 7,3 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng (báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2020). Các sản phẩm của Công ty hiện tại là áo thun, đồ tập thể thao, quần lót và vớ cho nam.

Ông Phạm Chí Nhu, người sáng lập kiêm CEO Coolmate.
Ông Phạm Chí Nhu, người sáng lập kiêm CEO Coolmate.

Coolmate hiện đi theo mô hình các đơn vị thời trang lớn là quản lý, thuê ngoài đơn vị sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, giao hàng, công ty đảm nhiệm khâu thiết kế, tiếp thị, bán hàng trực tiếp đến khách hàng thông qua thương mại điện tử để tăng lãi gộp. “Tại thời điểm nhận đầu tư, doanh số chúng tôi đã vượt năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu 15-20% mỗi tháng”, ông Nhu chia sẻ.

DẤU HỎI VỀ KHẢ NĂNG MỞ RỘNG

Với số vốn huy động được, Coolmate sẽ tái đầu tư vào Công ty, trong đó 2 hoạt động đáng quan tâm là đẩy mạnh bán hàng theo hình thức Subscription (thuê bao) và Print on Demand (in theo yêu cầu).  Cả 2 đang chiếm 10% tổng doanh thu của Công ty. Mặt khác, Công ty chú trọng vào đa dạng danh mục sản phẩm. Ông Nhu cho biết hiện Coolmate đã bắt đầu đưa ra sản phẩm áo sơ mi, dự kiến đến cuối năm nay sẽ phục vụ cơ bản về nhu cầu mua sắm quần áo của nam giới.

Gia tăng doanh thu và tốc độ tăng trưởng khi có quỹ đầu tư tham gia là yêu cầu đối với mọi startup, nên việc cho ra nhiều sản phẩm để tăng giá trị đơn hàng của mỗi khách hàng cũ có vẻ là cách Coolmate áp dụng để duy trì tăng trưởng. Ông Nhu kỳ vọng Coolmate là điểm mua sắm trực tuyến uy tín cho nam giới ở Việt Nam nên các sản phẩm may mặc chỉ là cầu nối đầu tiên để tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, đại diện quỹ Victress Capital lưu ý một vấn đề lớn cho các công ty thương mại điện tử trong ngành thời trang hiện nay là làm sao giữ người mua mới gắn bó với điện thoại thay vì đến cửa hàng. “Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ phụ thuộc vào trải nghiệm trực tuyến của khách hàng”, vị này nói.

Ông Phạm Chí Nhu:
Ông Phạm Chí Nhu: Mô hình tập trung vào online của chúng tôi đang có lợi thế.

Pomelo (Thái Lan), startup thời trang chuyên phục vụ khách hàng nữ là nhân viên công sở, đã giải quyết vấn đề này từ năm 2012. Bên cạnh ứng dụng di động, Công ty còn mở 3 mô hình cửa hàng tiêu chuẩn (trung tâm thương mại), cửa hàng chỉ có phòng thử đồ và ở các đối tác (quán cà phê, phòng tập thể dục, co-working space). Đến nay, Công ty đã gọi được hơn 80 triệu USD và đang gia tăng độ phủ ở các thành phố lớn thuộc Đông Nam Á, trong đó có TP.HCM. Dịch bệnh đã khiến kế hoạch mở rộng phải tạm dừng, Pomelo đang xoay xở tăng doanh thu bằng cách cung cấp công nghệ phân tích và dự báo cho các nhãn hàng thời trang lớn. Tuy nhiên, ông David Jou, đồng sáng lập Pomelo, tin rằng đối với ngành thời trang, chỉ có mô hình đa kênh mới tạo niềm tin và thu hút khách hàng quay lại.

Dù vậy, ông Nhu cho biết Coolmate không có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng vật lý ít nhất trong 3 năm tới. “Mô hình tập trung vào online của chúng tôi đang có lợi thế”, ông nói.