Việc gọi được vốn nên xem là yếu tố khích lệ chứ không nên dùng đó là thước đo sự thành công.
Chủ tịch STI: Kỳ lân không nên là đích đến cuối cùng của startup Việt
Startup co-living (mô hình chia sẻ lưu trú dài hạn) M Village được thành lập hồi tháng 10/2020 bởi Nguyễn Hải Ninh, người được biết đến với chuỗi cà phê Urban Station và The Coffee House, là thương vụ đầu tư gần đây nhất của STI (Simple Tech Investment).
Mô hình lưu trú M Village. |
Dù không công bố rộng rãi nhưng thương vụ ít nhiều được giới kinh doanh quan tâm bởi ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch STI, từ trước đến nay không quá mặn mà với mô hình kinh tế chia sẻ. Riêng với M Village, ông Tâm tham gia vì 3 lý do chính: tin vào tầm nhìn đội ngũ sáng lập, nhu cầu thực và ở Việt Nam có rất nhiều bất động sản chưa được khai thác hết công suất và M Village là giải pháp như vậy.
Vì sao Công ty lại lựa chọn định hướng này, thưa ông ?
Nói chính xác hơn là STI đầu tư vào các công ty truyền thống có khả năng mở rộng nhờ sự am hiểu ngành và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, STI vẫn đầu tư vào các công ty công nghệ có khả năng tạo ra đột phá trên thị trường.
STI sẽ không tham gia vào các mô hình phải trợ giá để định hướng thị trường, thu hút người sử dụng. Nhiều công ty đã sử dụng quá mức đòn bẩy tài chính từ các quỹ đầu tư để thu hút khách hàng bằng cách bán sản phẩm/dịch vụ dưới giá thành, tạo thành các tiền lệ xấu.
Với ngành nghề truyền thống, tôi tin rằng khả năng thay đổi và mở rộng nhờ vào công nghệ là rất lớn vì nhu cầu luôn có sẵn, ít bị tác động bởi các doanh nghiệp công nghệ lớn. Cùng với kinh nghiệm vận hành O2O (Online to Offline), STI càng có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đầu tư khó, đòi hỏi tính nhẫn nại cao và cũng là khẩu vị chung của STI khi đầu tư ra khỏi khu vực.
Nhắc đến việc đầu tư ra Đông Nam Á, đâu là các lợi thế/bất lợi của startup Việt khi mở rộng sang thị trường này ?
Điểm lợi thế lớn nhất có lẽ nên cảm ơn các siêu ứng dụng của Đông Nam Á đã giúp người sử dụng quen hơn với việc mua sắm, đặt dịch vụ qua các ứng dụng điện thoại. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, Thái Lan, Indonesia là các thị trường mà startup Việt Nam có thể hưởng lợi từ thói quen tiêu dùng mới này. Còn Campuchia và Lào thì nhìn chung cơ sở hạ tầng chưa phát triển, người sử dụng chưa quen với các ứng dụng điện thoại nên đây chưa phải là thời điểm tốt để tham gia.
Về điểm bất lợi, các đại điện Việt Nam yếu thế hơn về mặt tài chính, kinh nghiệm và nguồn nhân lực nhưng các nhà sáng lập Việt Nam lại máu lửa hơn, thích nghi nhanh hơn. Quan điểm của tôi là cần có nhiều người đi trước để học hỏi kinh nghiệm, tạo tiền đề cho lớp trẻ kế thừa.
Bản thân STI cũng đã có các đại diện ở các khu vực, có thị phần nằm trong Top 5 ở những thị trường đó, với chi phí phát triển thị trường tối ưu nhưng tôi đánh giá vẫn chỉ là bước đầu mà thôi. Có lẽ chúng ta cần đến năm 2030 mới có thể có các thành quả tốt hơn hay có nhận định chính xác hơn về khả năng mở rộng của startup Việt.
Sau hơn một thập kỷ kể từ khi trào lưu khởi nghiệp công nghệ bắt đầu hình thành ở Việt Nam, theo ông, Việt Nam gặt hái được những thành quả gì?
Nhân lực, bao gồm đội ngũ các nhà sáng lập, các nhà quản lý cấp trung, thành viên hội đồng quản trị tham gia vào công ty startup ngày càng tốt hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. 7 năm trước, đây là vấn đề tôi vẫn hay thảo luận với các nhà sáng lập thế hệ trước, nhiều người cho rằng chất lượng nhân sự, trong đó quan trọng nhất là “chất” của các nhà sáng lập đang mờ nhạt dần.
Nhưng quan điểm của tôi lúc đó là Việt Nam đang sản sinh ra các nhà sáng lập ngày càng tốt cả về chất lượng lẫn số lượng. Vấn đề là cần thời gian để những nhân tố này phát huy tài năng, giống như cây phải cần đến thời gian mới trưởng thành, không thể đốt cháy giai đoạn được.
Và đúng là như vậy, chúng ta chứng kiến nhiều startup thành công, sản phẩm được xã hội công nhận, nhà sáng lập và các cộng sự có sự nghiệp và danh vọng, một số bắt đầu quay trở lại đầu tư cho thế hệ trẻ. Và cả các nhà đầu tư cũng có được lợi ích tương xứng khi đặt niềm tin vào những doanh nghiệp này.
Vì sao ông xem nhân lực là điều Việt Nam đạt được nhiều hơn, trong khi số vốn huy động vào startup ngày càng nhiều hơn trước, vòng gọi vốn lớn hơn và các kỳ lân cũng bắt đầu xuất hiện?
Đồng ý là các vòng gọi vốn lớn là điểm khích lệ cho startup Việt, thúc đẩy nhiều nhân tài tham gia lĩnh vực này hơn. Từ 8 năm trước, STI đã dự báo ở châu Á dòng vốn công nghệ đầu tiên sẽ đổ vào Trung Quốc, kế đến là Ấn Độ, Indonesia và cuối cùng là Việt Nam. Nếu không có các yếu tố như dịch bệnh, chiến tranh Nga - Ukraine, Việt Nam có lẽ đã là điểm sáng cho dòng vốn vào công ty công nghệ trong thời gian tới. Cho đến hiện tại vẫn chưa đánh giá được thiệt hại do các yếu tố này tạo ra nhưng trước mắt, nguồn vốn có thể bị ảnh hưởng do nhà đầu tư rút về thị trường nội địa để tìm cơ hội hoặc đầu tư vào các tài sản đảm bảo khác.
Việc gọi vốn hay được phong danh hiệu kỳ lân thì doanh nghiệp đó vẫn đang sống nhờ vào tiền nhà đầu tư nên chưa thể coi là thành công. |
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là thành công khi và chỉ khi kết thúc cuộc chơi, tức doanh nghiệp vẫn phát triển, nhà đầu tư và đội ngũ các nhà sáng lập được phần thưởng tương xứng. Còn việc gọi vốn, dù ít hay nhiều, hay thậm chí được phong danh hiệu kỳ lân thì doanh nghiệp đó vẫn đang sống nhờ vào tiền nhà đầu tư nên chưa thể coi là thành công. Khi nào các công ty sau khi nhận đầu tư phát triển khỏe như Thế Giới Di Động, FPT, VNG thì mới là thành công. Vì vậy, việc gọi được vốn nên xem là yếu tố khích lệ chứ không nên dùng đó là thước đo sự thành công, tạo sự ảo tưởng không đáng có cho những người khởi nghiệp.
Lời khuyên của ông dành cho các nhà sáng lập là gì?
Khi còn trong giai đoạn phát triển, hãy đặt mục tiêu sát thực tế. Đừng nghĩ cao xa, hãy nghĩ cho các cộng sự đi cùng mình. Khi đã thành công, hãy đầu tư lại cho hệ sinh thái, cho thế hệ tiếp theo.