Với chi phí giao nhận chiếm khoảng 10% giá trị đơn hàng trung bình như hiện nay, khoảng 1 USD, có thể thấy doanh thu đơn vị dẫn đầu có thể cán mốc 3 tỉ USD.

 
Thứ Hai | 12/09/2022 09:07

Chảo lửa E-Logistics

Ai sẽ giành lấy ngôi vương xử lý 3 tỉ kiện hàng thương mại điện tử ở Việt Nam vào năm 2030?

NHỮNG NHÂN TỐ MỚI

Mới đây, tại chương trình “Chuyển phát nhanh – Thành bại của bán hàng trực tuyến”, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, cho biết chiến lược sắp tới của Công ty là hỗ trợ các chủ cửa hàng kinh doanh trực tuyến đơn giản hơn.

“Không cần cửa hàng hoàng tránh, chỉ cần tập trung đầu tư cho sản phẩm và bán hàng, chúng tôi sẽ đưa những hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng", ông Bình nói.

Việc tập trung khai thác tập khách hàng SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã được J&T Express Việt Nam khởi động khoảng 9 tháng qua, sau khi có thị phần vận chuyển ổn định từ các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam thông qua hình thức trợ giá. 

Trong năm 2021 sản lượng vận chuyển của hãng này đã tăng 50%, đạt 2,5 triệu kiện mỗi ngày.
Trong năm 2021 sản lượng vận chuyển của J&T Express đã tăng 50%, đạt 2,5 triệu kiện mỗi ngày.

Cũng cần nói thêm về vai trò của J&T Express trong việc tạo ra áp lực trong ngành e-logistics khắp Đông Nam Á. Trước năm 2015, rất ít nhà đầu tư tin rằng các công ty khởi nghiệp trong ngành này có thể mở rộng sang các nước do rào cản địa phương khá cao. Đến khi ông Jet Lee và Tony Chen, những người sáng lập hãng điện thoại OPPO, thành lập công ty vận chuyển lấy tên viết tắt của cả 2 ở thị trường Indonesia vào năm 2015 thì quan điểm này đã được thay đổi. 

Công ty nhanh chóng mở rộng sang Đông Nam Á với 2 điểm đến đầu tiên là Malaysia và Việt Nam. Chiến lược đồng hành cùng các sàn thương mai điện tử lớn ở Indonesia như Shopee, Tokopedia và Bukalapak đã giúp J&T tăng trưởng nhanh. Trong năm 2021 sản lượng vận chuyển của hãng này đã tăng 50%, đạt 2,5 triệu kiện mỗi ngày. 

Kết quả đó đã giúp J&T Express trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị thứ 2 ở Indonesia, với mức định giá 20 tỉ USD và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia góp sức giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của công ty này ra ngoài Indonesia.

Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ định kiến các công ty giao hàng nội địa khó ra biển lớn của J&T Express đã thúc đẩy các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này, điển hình là Ninja Van (Singapore).

Năm 2021, Ninja Van gọi được hơn 570 triệu USD, nâng tổng số tiền huy động lên hơn 970 triệu USD, củng cố cho kế hoạch mở rộng sang Đông Nam Á của doanh nghiệp này. Giống như J&T Express, Ninja Van cũng chọn con đường đồng hành cùng các sàn để tăng thị phần trong thời gian ngắn.

Chiến lược này của J&T Express và Ninja Van đã khiến nhiều doanh nghiệp nội địa phải chuyển hướng khai thác tập khách hàng SME. Theo nguồn tin của Nhịp Cầu Đầu Tư, trong số 3 hãng vận chuyển thương mại điện tử đang tạm thời dẫn đầu thị trường Việt Nam là Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao Hàng Nhanh (trực thuộc Scommerce) và Shopee Express thì trừ Shopee Express ra, các hãng còn lại đều tập trung khai thác SME từ 3 năm trước, với tỉ lệ doanh thu của nhóm này chiếm hơn 80%.

Năm 2021, Ninja Van gọi được hơn 570 triệu USD, nâng tổng số tiền huy động lên hơn 970 triệu USD.
Năm 2021, Ninja Van gọi được hơn 570 triệu USD, nâng tổng số tiền huy động lên hơn 970 triệu USD.

Nhưng vấn đề ở chỗ Việt Nam khác với phần còn lại của Đông Nam Á, khi người bán hàng ở đây năng động hơn và tham gia nhiều nền tảng khác nhau như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh. Chính vì thế, sản lượng giao nhận hàng hóa của các sàn chỉ chiếm khoảng 30-40% tổng dung lượng vận chuyển toàn thị trường.

Điều này cũng lý giải vì sao J&T Express Việt Nam khi có thị phần với các sàn, đơn vị này tiếp tục gia tăng tầm ảnh hưởng với tập khách hàng SME và kích hoạt một cuộc đua mới ở phân khúc này.

Theo thống kê nội bộ của Scommerce, năm 2030, đơn vị vận chuyển dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam có khả năng xử lý khoảng 3 tỉ kiện hằng năm. Với chi phí giao nhận chiếm khoảng 10% giá trị đơn hàng trung bình như hiện nay, khoảng 1 USD, có thể thấy doanh thu đơn vị dẫn đầu có thể cán mốc 3 tỉ USD.

Đó là cột mốc mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi và khai thác tập khách hàng SME là nhằm đạt được mục tiêu đó. J&T Express Việt Nam dù đang có thế tiến rất mạnh nhưng việc dồn lực trở thành hãng vận chuyển lớn thứ 3 ở Trung Quốc có thể khiến họ xao lãng cuộc chiến ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo ông Zhang Yi, nhà phân tích thuộc iiMedia Research, J&T Express đã tạo ra một cuộc chiến giá cả chết chóc nhất ở Trung Quốc vì việc giảm giá còn 1,05 nhân dân tệ cho mỗi kiện hàng dưới 1 kg cho các khách hàng SME so với mức 1,20 nhân dân tệ của YTO, STO. 

“Doanh thu trên mỗi gói hàng đã giảm gần như mỗi tháng trong năm nay và những công ty lớn như SF Express, YTO và Yunda đều chứng kiến sự tăng trưởng của họ bị đình trệ”, ông Yi nói với KrASIA.

Tuy nhiên, chiến lược trợ giá này cũng có rủi ro nhất định. Rào cản chính là so với các công ty hậu cần lớn khác, J&T Express ít quen thuộc hơn với thị trường Trung Quốc, theo báo cáo của Sealand Securities. Báo cáo này cũng nhấn mạnh “việc dàn trải mỏng đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn đến từng chi tiết và vẫn chưa rõ liệu J&T có đủ chú ý hay không”. Nếu thành công, J&T Express sẽ trở thành 1 trong 3 công ty giao hàng lớn nhất Trung Quốc chỉ sau 2 năm, ngược lại họ có thể tiêu hết tiền và đi vào ngõ cụt.

Nhưng các nhà vận chuyển Việt Nam không thể đợi J&T Express sẩy chân. Đơn vị đứng đầu thị trường hiện nay là Giao Hàng Tiết Kiệm đã cho thấy các bước chuẩn bị để đạt mục tiêu này. Về mặt tài chính, theo Tech in Asia, Công ty đang chuẩn bị IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam với mức định giá 1 tỉ USD.

Năm 2021, Giao Hàng Tiết Kiệm tạo ra 300 triệu USD doanh thu nhờ vào việc xử lý gần 250 triệu đơn đặt hàng. Mạng lưới giao nhận của Công ty hiện phủ khắp 63 tỉnh, thành với tổng diện tích hạ tầng kho bãi trên 220.000 m2 cùng đội ngũ xe tải hơn 1.000 chiếc.

Năm 2021, Giao Hàng Tiết Kiệm tạo ra 300 triệu USD doanh thu nhờ vào việc xử lý gần 250 triệu đơn đặt hàng.
Năm 2021, Giao Hàng Tiết Kiệm tạo ra 300 triệu USD doanh thu nhờ vào việc xử lý gần 250 triệu đơn đặt hàng.

Trên thực tế, hãng này còn một dịch vụ tiềm năng khác là moshop, ứng dụng quản lý kinh doanh trực tuyến. Giao Hàng Tiết Kiệm đang cung cấp dịch vụ này miễn phí để thu hút các chủ SME, nhờ đó có được hơn 1,8 triệu người đăng ký sử dụng.

Trong khi đó, Scommerce hiện là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu cùng lúc công ty giao hàng thương mại điện tử là Giao Hàng Nhanh và giao hàng tức thời (on-demand) là Ahamove. Theo ông Lương Duy Hoài, Giám đốc Điều hành Scommerce, rút ngắn thời gian giao hàng là yêu cầu luôn tồn tại.

Với các thành phố lớn, đôi khi mô hình last-mile khó có thể đáp ứng được vì hàng phải được đưa về kho, chia chọn rồi mới giao cho khách hàng, trung bình phải mất ít nhất 24 tiếng kể từ khi hàng được về kho mới đến tay khách hàng. Còn với mô hình on-demand, bỏ qua khâu chia chọn, giúp thời gian hoàn thành đơn hàng dưới 2 tiếng đồng hồ.

Hiện thương mại điện tử chỉ đang thâm nhập khoảng 7% thị trường bán lẻ. Con số này sẽ tăng lên 20% trong 10 năm nữa. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, các thành phố vệ tinh sẽ dần hình thành và là tiền đề cho các dịch vụ giao hàng tương lai xuất hiện.