Ông John Lê - Giám đốc Điều hành startup công nghệ bất động sản Propzy.
CEO Propzy: Cần nắm bắt và cởi mở cho tương lai bất động sản
Từng thuộc Top 40 doanh nhân thành đạt dưới 40 tuổi ở Mỹ và làm việc tại một trong những trung tâm công nghệ bậc nhất thế giới – Thung lũng Silicon, CEO John Lê vẫn tiếp tục gặt hái nhiều thành công với startup công nghệ bất động sản Propzy ở Việt Nam khi đạt giải thưởng tại Lễ vinh danh các công ty bất động sản tiêu biểu năm 2020 của Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư.
Vị CEO Việt kiều này đã có những bước đi và ý tưởng điều hành như thế nào? Nhịp Cầu Đầu Tư đã trao đổi với ông John Lê xung quanh các vấn đề này.
Ông cho biết sự khác nhau giữa làm việc tại Thung lũng Silicon ở Mỹ và Việt Nam là gì?
Tôi đã từng đi rất nhiều nơi và đặc biệt là ở Mỹ. Những nơi đó khi mình tới nơi, họ sẽ có trọn một gói dịch vụ, mình đi với một đơn vị nào đó thì họ sẽ chăm sóc cho mình từ A-Z giúp khách hàng không phải suy nghĩ bất cứ việc gì.
Tuy nhiên, khi về Việt Nam, tôi thấy rất bất tiện. Trong 15 năm về Việt Nam, tôi đã chứng kiến sự thay đổi chóng mặt. Trước đây, Việt Nam không hề có nhiều tiện ích, thậm chí những cửa hàng tạp hóa như 7-Eleven, VinMart (nay là WinMart)... mình cần cái gì thì phải tới đúng nơi bán một thứ duy nhất. Chính vì vậy, đơn cử như việc mình muốn sửa một căn nhà thì phải đi tới 3-4 cửa tiệm khác nhau, một đơn vị về nội thất, một đơn vị về vật liệu và lại một đơn vị về đồ gia dụng, rất phức tạp để người dùng có thể lựa chọn.
Ông John Lê, CEO Propzy: Với nhiều kinh nghiệm làm startup, tôi nhận ra được nhu cầu của thị trường Việt Nam là rất lớn. |
Với nhiều kinh nghiệm làm startup, tôi nhận ra được nhu cầu của thị trường Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam đang phát triển và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mỗi người dân đều có nhu cầu mua cho mình một căn nhà nhưng rất bận rộn. Vì vậy, năm 2016, tôi đã chính thức mở Propzy - một nền tảng giao dịch bất động sản đi theo mô hình one-stop shop.
Ông có thể nói rõ hơn về mô hình one-stop shop không?
One-stop shop là mô hình chuyên về tiện ích một điểm đến. Khái niệm này ban đầu được dùng để chỉ những trung tâm kinh doanh hay cửa hàng có diện tích lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Tại đây, chỉ một lần dừng chân, khách hàng có thể lựa chọn, mua sắm cho nhiều nhu cầu khác nhau của mình.
Propzy chính là sự kết hợp giữa high tech và high touch. Yếu tố công nghệ cung cấp sự tiện lợi cho khách hàng vì chỉ cần online là có thể biết được đầy đủ các dữ liệu thông tin minh bạch về bất động sản mà họ quan tâm. Yếu tố con người, chuyên viên tư vấn có thể giúp khách hàng giải quyết những khó khăn và thách thức đặc thù trong giao dịch bất động sản.
Mọi người tới Propzy sẽ có thể trải nghiệm được toàn bộ dịch vụ mua bất động sản với đội ngũ đông đảo hơn 700 nhân viên tại TP.HCM. Từ những dịch vụ như mua, bán, thuê, quản lý nhà cho đến tư vấn tài chính và hỗ trợ pháp lý, với 30 trung tâm giao dịch.
Ông có đánh giá mình là một người cởi mở với nhân viên không? Và ông đã áp dụng kinh nghiệm ở Mỹ vào việc quản lý nhân viên tại đây như thế nào?
Điều đầu tiên khi tôi mở Propzy chính là áp dụng mô hình văn phòng mở được sử dụng rất nhiều ở Thung lũng Silicon nhiều năm gần đây. Tôi không hề có một phòng và bàn làm việc chính thức. Điều này nhằm tăng cường sự tương tác của sếp với nhân viên. Ai có bất kỳ câu hỏi nào tôi cũng rất sẵn lòng trả lời bởi nhân viên chính là người tương tác trực tiếp với khách hàng và tôi cần biết xem có khó khăn gì không. Ngoài giờ làm việc, sếp và nhân viên đi chơi với nhau rất thoải mái.
Propzy được áp dụng mô hình văn phòng mở được sử dụng rất nhiều ở Thung lũng Silicon nhiều năm gần đây. |
Điều tiếp theo, tôi luôn hướng tới các buổi training và team building. Tôi luôn cho nhân viên của mình được trải nghiệm thực tế các dịch vụ 5 sao để họ có thể biết được chi tiết một dịch vụ 5 sao cần những gì, phải đối xử với khách hàng ra sao. Điều này nhanh hơn rất nhiều so với việc dạy học hay truyền đạt qua phòng họp.
Propzy luôn muốn đi đầu về dịch vụ 5 sao trong ngành bất động sản. Nhờ nỗ lực đó mà tới nay Công ty đã có thể huy động vốn lên tới 37 triệu USD. Và đương nhiên không dừng lại ở đó mà chúng tôi còn có thể nâng lên tới 6 sao và hướng tới các nước trong Đông Nam Á, những nước có nét rất tương đồng về bất động sản.
Ông có thể miêu tả ông và Propzy qua 3 từ hay không?
Đó chính là sự quyết liệt - đam mê - may mắn. May mắn ở đây không phải là tự đến với mình mà chính mình phải đi tìm kiếm sự may mắn. Nếu tôi không về Việt Nam năm 2004 để khám phá thị trường nước nhà thì không có Propzy ngày hôm nay. Khi nắm bắt được cơ hội này, mình sẽ có tiền đề để phát triển ý tưởng của mình.
Bất động sản không phải là một ngành dễ dàng, mà có rất nhiều thử thách, nhất là với mô hình còn khá mới như công nghệ bất động sản, từ pháp lý, nguồn lực, nhân sự. Từ ngày này qua ngày sau mình cứ làm và may mắn sẽ lại tới, sẽ có thêm nhiều người bạn giới thiệu cho mình nhiều nhà đầu tư. Quan trọng là hãy biết nắm bắt cái may mắn của mình.