Khép lại năm 2021, JobHopin đạt doanh thu ấn tượng 7 con số với tốc độ phát triển vượt bậc và Công ty đang hướng đến cột mốc 8 con số vào cuối năm 2022.

 
Thứ Bảy | 20/05/2023 09:39

CEO JobHopin: Mở đường đưa công nghệ A.I vào lĩnh vực nhân sự

Tiên phong đầu tư vào công nghệ A.I (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, JobHopin đang hái quả ngọt từ sự liều lĩnh của mình.

TĂNG TRƯỞNG THẦN TỐC 

Khép lại năm 2021, JobHopin đạt doanh thu ấn tượng 7 con số với tốc độ phát triển vượt bậc và Công ty đang hướng đến cột mốc 8 con số vào cuối năm 2022. Thương vụ bắt tay cùng SAP vào tháng 12/2021 cũng như ông lớn FPT Online vào tháng 4/2022 tạo thêm lực đỡ cho đà tăng trưởng đột biến của công ty khởi nghiệp này. 

JobHopin thành lập năm 2016, ghi dấu ấn vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam vào thời điểm đó: ứng dụng A.I vào việc tuyển dụng nhân sự tri thức. Theo đó, Công ty cung cấp giải pháp phân tích và sàng lọc hồ sơ nhân sự cho các tập đoàn lớn, giúp họ đẩy nhanh 2 tác vụ chính: tìm ứng viên phù hợp và nâng cấp nguồn nhân lực hiệu quả cho doanh nghiệp. 

JobHopin thành lập năm 2016, ghi dấu ấn vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: ứng dụng A.I vào việc tuyển dụng nhân sự tri thức.
JobHopin thành lập năm 2016, ghi dấu ấn vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: ứng dụng A.I vào việc tuyển dụng nhân sự tri thức.

Theo Kevin Tùng Nguyễn, sáng lập kiêm CEO của JobHopin, thông qua các dịch vụ tuyển dụng, nhiều tập đoàn lớn ở Việt Nam đang sở hữu lượng hồ sơ nhân sự khổng lồ, nhưng việc “đọc” và “cảm nhận” năng lực ứng viên rất hạn chế. Chính vì vậy, JobHopin đã dùng A.I để kết nối các hồ sơ phù hợp nhất với tiêu chí tuyển dụng của Công ty. Thậm chí, hệ thống còn tìm thấy và đề xuất các ứng viên tài năng, sáng giá trước cả khi họ thật sự có nhu cầu chuyển việc. 

Nền tảng JobHopin giúp các công ty phân tích nhân sự hiện tại, điển hình như vì sao có những cá nhân thăng tiến nhanh, có những cá nhân thì không, nhằm đề xuất vị trí phù hợp, hoặc các khóa học nâng cấp kỹ năng để củng cố năng lực. 

Theo báo cáo của Mercer về thị trường tuyển dụng toàn cầu, 88% công ty trên khắp thế giới đã và đang áp dụng A.I trong quản lý nhân sự. Nhiều doanh nghiệp sớm áp dụng A.I trong tuyển dụng nhận xét chất lượng quy trình của họ có xu hướng cải thiện đáng kể, cắt giảm 75% chi phí cho mỗi lần sàng lọc hồ sơ, hạn chế mức độ nghỉ việc của nhân viên xuống 35%.

Lấy một ví dụ về tuyển dụng nhân sự trong ngành công nghệ thông tin (IT). Với cách truyền thống, doanh nghiệp có thể mất tầm 60 ngày để tìm được ứng viên với mức phí tương đương 2 tháng lương (khoảng 3.000 USD), trong khi sử dụng JobHopin, thời gian này rút ngắn xuống còn 3-5 ngày với chi phí khoảng 300 USD. 

Ước tính thị trường quản lý nhân sự ứng dụng A.I ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay là 6,7 tỉ USD, CAGR khoảng 13%. Ở Việt Nam, con số này khoảng 2 tỉ USD với CAGR 14%.

Đến thời điểm hiện tại, JobHopin vẫn đang "một mình, một ngựa" trên thị trường với định vị đã chọn. “Chúng tôi chỉ mới đặt một chân trong thị trường tỉ USD”, Kevin Tùng Nguyễn nhận định về con đường phía trước. 

Hãy quay trở lại với thương vụ bắt tay với SAP, theo đó JobHopin sẽ được tích hợp cùng SAP SuccessFactors - giải pháp nhân sự điện toán đám mây lớn nhất thế giới, mở cánh cửa tiếp cận hơn 300.000 khách hàng ở Đông Nam Á. 

Trên thị trường Việt Nam, JobHopin có nhiều lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, với dịch vụ tương tự, các công ty Mỹ có mức phí từ 100.000 USD/năm, trong khi JobHopin có giá thành chỉ bằng 1/3. “Chi phí của JobHopin cạnh tranh hơn vì thuật toán học nhanh và hiểu tiếng Việt tốt hơn”, Kevin Tùng Nguyễn chia sẻ. 

Trên thực tế, chiến lược của startup này không chỉ áp dụng mức giá cho thị trường Việt Nam, mà còn ở Đông Nam Á, một lần nữa nhờ vào khả năng "học" nhanh của hệ thống và đội ngũ nhân sự nòng cốt đặt tại Việt Nam.

Hệ thống A.I của JobHopin đang được huấn luyện, trau dồi các ngôn ngữ mới như tiếng Nhật, Hàn Quốc, Thái… Song song đó, JobHopin còn thành lập bộ phận chuyên gia tư vấn khách hàng, sẵn sàng hỗ trợ khi có vấn đề phát sinh. 

Sinh ra tại Đà Nẵng, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế - tài chính của Đại học Arizona (Mỹ), thành công đến với Kevin Tùng Nguyễn khá sớm khi anh mới học năm nhất. Công ty mà anh và 2 người bạn thành lập đã được một tập đoàn Pháp mua lại. Đó là một dự án ứng dụng di động về phân tích màu sắc. Tiếp đó, anh tiếp tục khởi nghiệp với 2 dự án thương mại điện tử về sách và hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng lần này không thành công. Tưởng rằng đã bỏ cuộc, nhưng thất bại luôn làm cho giấc mơ trở nên lớn hơn. 

Ông Kevin Tùng Nguyễn, sáng lập kiêm CEO của JobHopin.
Ông Kevin Tùng Nguyễn, sáng lập kiêm CEO của JobHopin.

Việc thành lập công ty tuyển dụng nhân sự đến từ chính nhu cầu của Kevin Tùng Nguyễn. Trước đó, anh phụ trách tuyển dụng cho tập đoàn đa quốc gia và nhận ra các thị trường phát triển tốt đến từ việc chọn đúng người. 

Tuy nhiên, vào thời điểm lúc bấy giờ (khoảng 10 năm trước), các nền tảng tuyển dụng không thể đáp ứng được yêu cầu anh đề ra vì công nghệ tìm kiếm còn ở mức rất cơ bản. Cái Kevin Tùng Nguyễn cần chính là một hệ thống có thể tự động đọc được hồ sơ ứng viên. 

Câu chuyện khởi nghiệp của Kevin Tùng Nguyễn với JobHopin cũng là minh chứng việc “muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Để tạo lợi thế trong ngành, Kevin cho biết anh phải tìm bằng được một chuyên gia A.I "lão luyện" và thuyết phục họ cùng "lên thuyền". Được bạn bè trợ giúp, anh gặp Ngô Minh Mẫn, Tiến sĩ Toán tại Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, lúc đó đang phụ trách bộ phận tối ưu đường bay cho sân bay Changi (Singapore). Sau Tiến sĩ Ngô Minh Mẫn, Kevin tiếp tục tìm kiếm các cộng sự nòng cốt cho JobHopin trước khi chính thức thành lập vào cuối năm 2016.

Năm 2017, JobHopin lần đầu nhận khoản đầu tư trị giá hơn 700.000 USD từ KK Fund, quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore và Mynavi của Nhật. Năm 2020, Công ty tiếp tục huy động thành công 2,5 triệu USD vòng Series A từ SEMA Translink Investment của Hàn Quốc, EduLab Capital Partners có trụ sở tại Boston và Tokyo cũng như công ty dịch vụ nhân sự và công nghệ Nhật NKC châu Á. 

Không chỉ tiếp sức về tài chính, các nhà đầu tư còn định hướng phát triển A.I của Công ty như thế nào cho phù hợp và là tiền đề cho việc hợp tác thành công cùng SAP 3 năm sau. 

“Đó là cột mốc đáng nhớ, chúng tôi phải qua rất nhiều vòng sàng lọc từ công nghệ cho đến việc minh bạch tài chính và cơ chế quản lý dữ liệu lớn chuẩn quốc tế của SAP. Giờ đây nền tảng JobHopin đã được chứng nhận đáng tin cậy ở cấp độ khu vực”, Kevin hào hứng kể lại. 

Dự kiến trong năm nay, Kevin Tùng Nguyễn sẽ mở rộng mảng kinh doanh B2C (doanh nghiệp đến người dùng), thu hút nhiều nhân sự cấp cao trong và ngoài nước tham gia nền tảng JobHopin. 

Là người năng động trong các hoạt động hội nhóm, lại làm việc trong lĩnh vực nhân sự nên Kevin có niềm tin mạnh mẽ rằng rất nhiều tài năng trong và ngoài nước đang lựa chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp, như chính câu chuyện mà anh đang kể. 

 

Từ việc cung cấp công cụ cho doanh nghiệp tối ưu nguồn nhân lực, tham vọng lớn nhất của người đứng đầu JobHopin hiện nay là thu hút các nhân tài trên thế giới về Việt Nam lập nghiệp. Anh tin rằng khi lực lượng này hùng hậu, sẽ là cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam phát triển như những kỳ lân mới. 

“Có thể hơi điên rồ nhưng chúng tôi tham vọng xây dựng giấc mơ Mỹ tại Việt Nam”, Kevin Tùng Nguyễn nở một nụ cười rất tươi và nói.