Bà Hồ Hồng Bảo Trâm sinh năm 1991, tốt nghiệp chuyên ngành toán kinh tế Đại học Warwick (Anh).

 
Thứ Sáu | 30/09/2022 09:16

Bóng hồng ở Dream Viet Education

Không đi cùng từ những ngày đầu thành lập nhưng Hồ Hồng Bảo Trâm chính là người đưa ra các quyết định chiến lược đưa Công ty ra khỏi vùng nguy hiểm.

Không tham gia Dream Viet Education (DVE), đơn vị sở hữu thương hiệu giáo dục dành cho trẻ Kynaforkids.vn, từ những ngày đầu thành lập nhưng Hồ Hồng Bảo Trâm lại chính là người đưa ra các quyết định chiến lược không chỉ đưa Công ty ra khỏi vùng nguy hiểm mà còn tạo đà phát triển bền vững.

Tháng 10/2020, DVE là đại diện Việt Nam duy nhất đại diện cho khu vực Đông Nam Á được Financial Times và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vinh danh là 1 trong 5 doanh nghiệp có giải pháp sáng tạo trong ngành giáo dục.

DVE là đại diện Việt Nam duy nhất đại diện cho khu vực Đông Nam Á được inh danh là 1 trong 5 doanh nghiệp có giải pháp sáng tạo trong ngành giáo dục.
DVE là đại diện Việt Nam duy nhất đại diện cho khu vực Đông Nam Á được inh danh là 1 trong 5 doanh nghiệp có giải pháp sáng tạo trong ngành giáo dục.

Đây là giải thưởng thường niên được tổ chức hơn 10 năm qua, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn, không phải nhóm công ty khởi nghiệp. Chính vì thế, các tiêu chí lựa chọn rất khắt khe như doanh nghiệp phải có doanh thu trên 1 triệu USD/năm; giải pháp cung cấp không chỉ tác động tích cực cho xã hội mà còn phải tạo ra nguồn thu bền vững cho doanh nghiệp; được giới thiệu từ 3 nhà đầu tư có tiếng trong giới và không đầu tư vào doanh nghiệp được tiến cử…

Thành lập năm 2013, DVE được biết đến bởi các khóa học nâng cao kỹ năng mềm phục vụ đối tượng người đi làm, sinh viên mới ra trường thông qua website Kyna.vn. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ thực sự chuyển mình vào năm 2015 khi tập trung khai thác các khóa học dành cho trẻ em, đây cũng là lúc Hồ Hồng Bảo Trâm gia nhập Công ty.

Thời điểm đó, khóa học dạy con dành cho cha mẹ của các diễn giả như Trần Thị Ái Liên, Nguyễn Minh Đức thu hút rất nhiều người quan tâm, Bảo Trâm lập tức hợp tác với những diễn giả này bằng cách đi cùng các sự kiện offline và phát hành những khóa học video trên website.

Theo Bảo Trâm, lúc đó các khóa dạy con còn khá mới nếu chọn quảng cáo trực tuyến sẽ khó đạt mục tiêu doanh số nên cần phải đi cùng để tạo cộng đồng và phát triển những sản phẩm online với giá cạnh tranh dành cho những người không tham gia. “Một vé học offline của các diễn giả này lúc đó là hơn 2 triệu đồng, khóa học online chúng tôi đưa giá chỉ bằng 50%", Bảo Trâm nhớ lại.

Chỉ trong vòng 12 tháng, các khóa học này đã thu hút hơn 30.000 người trả phí đưa doanh thu từ mảng này chiếm 70% cơ cấu doanh thu của DVE. Thừa thắng xông lên, năm 2017, DVE tung ra khóa học về tính toán nhanh bằng bàn tính. Đây là chương trình do chính Hồ Hồng Bảo Trâm xây dựng nội dung và đạt được 50.000 học viên trả phí trong cùng năm.

Năm 2019, nhận thấy nhu cầu dạy tiếng Anh cho trẻ em dù sôi động nhưng phân khúc từ 6-15 tuổi lại đang bỏ trống. Tuy nhiên, thu hút phụ huynh chi tiền, học sinh phải đạt được một chứng chỉ nào đó và quan trọng nhất là giáo trình dạy học tiếng Anh cho nhóm này rất đắt.

Bảo Trâm giải quyết bài toán này bằng việc tự tạo ra bộ giáo trình dạy tiếng Anh theo chuẩn thi của Cambridge và Oxford - 2 chuẩn phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay bằng việc đầu tư 5 nhân sự có trình độ thạc sĩ ở Anh, Úc, chuyên công tác giảng dạy. 

Việc soạn thảo giáo trình theo quy tắc khá đơn giản. Ví dụ với độ tuổi này, Oxford hay Cambridge cần học sinh biết 200 từ, nhiệm vụ của DVE là cung cấp giáo trình sao cho người học tiếp thu được số lượng từ đó và được các đối tác chấp nhận.

Đó là về sản phẩm, giá thành là yếu tố quan trọng thứ 2 giúp DVE chiếm lĩnh thị phần. Công ty đưa ra mức phí 500.000 đồng/người để thu hút cả những khách hàng ở tỉnh. Đối với nhóm khách hàng có điều kiện ở các thành phố lớn, DVE đưa ra những dịch vụ gia tăng như học 1 kèm 1 hoặc lớp học 8 người thông qua ứng dụng và website của Kynaforkids.

Cuối năm 2019, DVE bất ngờ công bố chuyển nhượng mảng Kyna.vn và Kynabiz.vn cho Navigos Group, thành viên của en Japan nhưng giữ lại mảng đang có đóng góp doanh thu tốt nhất là Kynaforkids. Thương vụ này đã tạo ra nhiều bất ngờ cho giới kinh doanh nhưng Bảo Trâm thì không. 

Bà Hồ Hồng Bảo Trâm - CEO Kyna, trưởng dự án Kyna for kids.
Bà Hồ Hồng Bảo Trâm - CEO Kyna, trưởng dự án Kyna for kids.

Với kinh nghiệm làm quỹ đầu tư, Hồ Hồng Bảo Trâm đã đưa ra giải pháp phù hợp cho cả đôi bên. Kyna.vn và Kynabiz.vn chủ yếu kinh doanh các khóa học dành cho người đi làm, sinh viên mới ra trường nên phù hợp với Navigos Group, một nền tảng chuyên về tuyển dụng.

Tháng 7/2021, công ty mở chương trình học Anh văn tương tác 1 kèm 1 online cho thị trường Thái Lan. Thống kê đến hết năm 2021, Kynaforkids có hơn 500.000 học viên trả phí cho chương trình học nuôi dạy con, toán bàn tính - Kyna Soroban và ứng dụng Kyna English. Và thành viên trả phí cho việc học tương tác đào tạo tiếng Anh (1 kèm 1, học nhóm 8 người) là hơn 15.000 học viên, trong đó có 3.000 học viên từ Thái Lan.

Hồ Hồng Bảo Trâm sinh năm 1991, tốt nghiệp chuyên ngành toán kinh tế Đại học Warwick (Anh). Trước khi về điều hành trực tiếp DVE, Bảo Trâm từng làm việc tại CyberAgent Ventures (nay là CyberAgent Capital - CAC). Công việc chính của Bảo Trâm lúc ở quỹ này là tư vấn vận hành cho các công ty khởi nghiệp được CAC đầu tư, một trong những vị trí khá hot vào thời điểm đó. Năm 2015, Bảo Trâm bất ngờ tham gia điều hành DVE.

“Các startup có rất nhiều vấn đề phải giải quyết và việc mỗi ngày chỉ tư vấn vài tiếng làm tôi cảm thấy rất hờ hững với họ. Vì thế, tôi quyết định đầu quân vào một công ty để làm tới nơi tới chốn”, Bảo Trâm chia sẻ.

Chọn DVE vì Hồ Hồng Bảo Trâm muốn tham gia các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Hơn nữa, đây cũng là công ty mà Bảo Trâm từng có khá nhiều thời gian gắn bó.

Năm 2015, thị trường giáo dục trực tuyến bị chi phối bởi những công ty được các quỹ đầu tư nước ngoài hậu thuẫn. Nhóm này sẵn sàng đầu tư mạnh vào quảng cáo, thậm chí bán khóa học dưới giá vốn để giành thị phần áp đảo. Các công ty nhỏ như DVE thực sự gặp khó khăn về nguồn thu. Dù hỗ trợ rất nhiều về mặt vận hành, nhưng Bảo Trâm cũng không thể cứu vãn được tình thế. Không nhà đầu tư nào quan tâm đến một công ty không có gì nổi bật trong một thị trường đang bị thao túng bởi các công ty dồi dào tài chính hơn, Bảo Trâm nhớ lại.

DVE đứng trước nguy cơ phá sản. Để cứu vãn, Bảo Trâm quyết định dùng tiền cá nhân đầu tư vào Công ty và dồn hết nguồn lực đẩy mạnh mảng giáo dục dành cho trẻ em.

Việc tập trung cao độ vào Công ty đã giúp Hồ Hồng Bảo Trâm và DVE tìm lại đà tăng trưởng và thu hút nhà đầu tư. Năm 2019, Công ty tiếp tục nhận vốn đầu tư lần 2 từ CAC và quỹ mới là SEAF Women’s Opportunity Fund (SWOF). Không lâu sau đó Công ty được vinh danh bởi Financial Times và IFC.

 

Với Hồ Hồng Bảo Trâm, đó là những quãng thời gian thử thách nhất, việc tái cơ cấu hoạt động, tinh gọn bộ máy nhân sự khiến chị luôn căng thẳng. Cùng thời điểm đó, một số bên ngỏ ý mời Bảo Trâm hợp tác, khoan nói về mức lương, chỉ môi trường thôi cũng đã dễ thở hơn tình cảnh của chị lúc bấy giờ rất nhiều. 

Nhiều lần đấu tranh tư tưởng đến mức căng thẳng, Hồ Hồng Bảo Trâm tính bỏ cuộc nhưng chị tự vấn lại mình và quyết định tiếp tục với các dự định thay đổi DVE.

“Tôi ngồi nghĩ lại lý do vì sao tôi chọn con đường khởi nghiệp. Đó là do tôi muốn đồng hành cùng một doanh nghiệp đi đến cùng. Hơn nữa, còn những nhân sự ở lại DVE vì tin tưởng tôi nên càng không thể bỏ cuộc”, Hồ Hồng Bảo Trâm nói.