Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM

 
Nam Minh Thứ Năm | 06/12/2018 11:30

Hội nghị Tìm giải pháp chống ngập tại TP.HCM

Hội nghị đã quy tụ nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp thảo luận để tìm ra các giải pháp đối phó với thực trạng ngập lụt nặng hiện nay tại TPp.HCM

Ngày 5/12/2018, báo Tiền Phong đã tổ chức Hội nghị "Tìm giải pháp chống ngập tại TP.HCM". Sự kiện đã quy tụ đông đảo lãnh đạo TP.HCM, các chuyên gia về quy hoạch phát triển đô thị cùng các doanh nghiệp tham gia thảo luận.

TP.HCM nằm trong danh sách 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Lí do là hơn 63% diện tích của TP.HCM có địa hình thấp với cao độ dưới 1.5 m, tức chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, quá trình đô thị hóa, quy mô dân số gia tăng quá nhanh trong các năm gần đây đã gây áp lực cực lớn đến công tác chống ngập khi hạ tầng tiêu thoát nước hiện nay không được nâng cấp phù hợp.

Tần suất xuất hiện của những mưa lớn (trên 100 mm) cũng ngày một dày hơn. “Chỉ tính riêng trận mưa lớn cuối tháng 11 vừa qua theo tính toán chưa đầy đủ nhưng đã gây thiệt hại ước tính khoảng 200 tỷ đồng”, Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết.

Vốn đầu tư vẫn là thách thức lớn nhất. Theo Tiến sĩ Đỗ Tấn Long, thuộc Trung tâm Chống ngập TP.HCM, thành phố chỉ cân đối được khoảng 1/3, còn lại khoảng 46.000 tỉ đồng vẫn chưa thể tìm ra nguồn vốn cân đối. Hiện các dự án trong điểm như dư án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát dài 32 km, rạch Xuyên Tâm dài 3,2 km, các dự án Bàu Trâu, Ông Búp, Bà Tiếng, Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh vẫn đang nằm trên bàn giấy.

Thách thức lớn thứ hai là thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, khiến một số dự án trọng điểm bị chậm tiến độ. Đơn cử như dự án chống ngập của Trung Nam Group với giai đoạn 1 có giá trị 10.000 tỉ đồng tuy đã gần 70% khối lượng công việc nhưng đã tạm dừng thi công trong nhiều tháng nay do gặp các vướng mắc về thủ tục xác nhận khối lượng công việc giữa các bên liên quan.

"Dự án chống ngập của Trung Nam Group khởi công từ 2016 đến nay đã trải qua 3 nghị định về hợp tác công tư PPP. Vì vậy, điều mà chúng tôi quan tâm là cần một cơ chế, một hành lang pháp lý ổn định để thu hút các nhà đầu tư, bởi khối lượng công việc cần phải làm là rất lớn. Trong tương lai chúng tôi vẫn tâm huyết đầu tư ở TP.HCM năng động nhất cả nước, nhưng sắp tới nên có cơ chế tháo gỡ, hành lang pháp lý hợp lý để phát triển”, ông Nguyễn Tâm Tiến- Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, nói.