Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại họp báo. Ảnh: Hải Vân
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam năm 2018
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam năm 2018 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 13.9, với chủ đề “Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối – Sáng tạo”. Đã có 1.200 doanh nghiệp đăng ký tham dự, trong đó khoảng 500 tập đoàn, doanh nghiệp đến từ khu vực và thế giới.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, tại họp báo, chiều 30.8, đã chia sẻ với NCĐT về những yếu tố ông cho là “quan trọng hàng đầu” có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cấp chất lượng kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
Theo Chủ tịch VCCI, với vị trí địa chính trị, Việt Nam đã trở thành “điểm kết nối” quan trọng đối với khu vực và thế giới, với minh chứng ngày một nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam theo chiến lược hướng Nam.
Các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia chọn địa bàn kinh doanh dựa trên hai nguyên tắc: Thứ nhất, môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp. Thứ hai, phân tán rủi ro, có nghĩa “không bỏ trứng vào một giỏ”.
Sự dịch chuyển các dự án đầu tư sang các nền kinh tế ASEAN sẽ là hướng đi quan trọng, trong bối cảnh chi phí kinh doanh ở Trung Quốc đang tăng nhanh. Hiện, Nhật Bản đang theo xu hướng này, Hàn Quốc cũng đã tuyên bố về chiến lược này.
Ông Lộc dẫn một nghiên cứu cho là của Tổ chức Jetro thực hiện năm 2017 với các doanh nghiệp Nhật bản kinh doanh trên toàn cầu. Theo đó, 70% doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới, trong khi con số này của các nước khác trong ASEAN là dưới 60% và Trung Quốc là hơn 40%.
Chủ tịch VCCI cho rằng: “Việt Nam là địa bàn thích hợp được các tập đoàn toàn cầu lựa chọn” và “Thượng đỉnh Kinh doanh lần này là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam”.
Việt Nam đã và đang tạo ra một sân chơi quốc tế, với các giải pháp toàn diện, cải cách môi trường kinh doanh và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thể hiện đầy đủ trong các Nghị quyết 19, 35, 01 và các nghị quyết chuyên đề như 98, 97 hay chương trình hành động của Chính phủ. Đặc biệt, quá trình cải cách từ năm 2014 đến nay đã giúp Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh, tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh, cải cách các chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội có một bước nhảy vọt trong Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2018.
Thế nhưng, người đứng đầu VCCI cũng nói rằng, “rất cần bàn tay của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam năm 2018 không chỉ thảo luận về cơ chế, chính sách đầu tư, kinh doanh mà còn bàn thảo các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.
Chủ tịch VCCI tin rằng, chất lượng kinh doanh và khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ được nâng cấp qua Hội nghị lần này, thông qua các hoạt động kết nối đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp khu vực và thế giới.
Báo cáo về môi trường kinh doanh 2018, bao gồm Singapore đứng thứ 2 thế giới, Thái Lan đứng khoảng 24, Malaysia đứng khoảng 26 và cạnh tranh với Phillipines đang ở mức 98. Vào ASEAN 4, Việt Nam phải cải thiện 28 bậc để vào được top 40 thế giới kể từ mức 68 hiện nay. |