Grab kỳ vọng thêm doanh thu từ GrabFood
Grab chính thức triển khai dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood tại Hà Nội từ ngày 2.10, sau khi đưa dịch vụ này vào hoạt động tại TP.HCM hồi tháng 5 với mức tăng trưởng ấn tượng.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, cho đây là “bước mở rộng tự nhiên của dịch vụ kết nối di chuyển mà Grab đang cung cấp”. Theo ông, GrabFood đang là nhân tố thúc đẩy doanh thu cho các đối tác kinh doanh của Grab tại TP.HCM và Hà Nội, đặc biệt là các cửa hàng, quán ăn nhỏ lẻ.
Tháng 9.2018, số lượng đơn hàng GrabFood tại TP.HCM đã tăng gấp 2,3 lần so với tháng trước đó, trong khi tại Hà Nội, GrabFood được thử nghiệm vào ngày 5.9 và chỉ sau gần 1 tháng thử nghiệm, số lượng đối tác kinh doanh GrabFood đã tăng gấp 8 lần.
Theo Giám đốc Grab tại Việt Nam, thu nhập trung bình của đối tác GrabBike tại TP.HCM và Hà Nội trong tháng 9.2018, đã tăng lên 20% so với tháng trước đó nhờ có thêm thu nhập từ việc giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa bên cạnh thực hiện kết nối di chuyển.
“Cách các dịch vụ kết nối và bổ trợ lẫn nhau cho phép chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái mang đến những lợi ích thiết thực không chỉ cho khách hàng và đối tác tài xế mà còn cho các đối tác kinh doanh và đối tác giao nhận”.
Báo cáo của Grab cho thấy tổng doanh thu các năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế đã kê khai nộp là 9,535 tỷ đồng. Từ tháng 1/2017, hàng tháng dữ liệu của Grab được gửi về cơ quan quản lý thuế để theo dõi trực tiếp. |
Theo ông Jerry Lim, hiện nay, mỗi tháng cứ 10 người Việt Nam thì có 2 người đang sử dụng các dịch vụ của Grab. Giám đốc Grab tại Việt Nam tin rằng mọi người dân Đông Nam Á đều cần được hưởng những lợi ích từ nền kinh tế số.
Grab, một trong những nền tảng di động O2O được sử dụng tại Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Đến nay, ứng dụng này đã được tải xuống trên hơn 109 triệu thiết bị di động, giúp hành khách tiếp cận với hơn 8 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ trong hệ thống.