Diễn đàn xu thế tương lai của logistics Vietnam
Diễn đàn có sự tham gia của các doanh nghiệp chủ chốt trong ngành logistics trong nước và quốc tế như Lazada, BW Industrial Development, CEL Consulting, Geodis Vietnam, DHL Global Freight Forwarding Việt Nam, Adidas Sourcing. Các chủ đề quan trong xoay quanh các phương thức xây dựng và tối ưu hoá các mô hình vận tải cung ứng phù hợp với thị trường Việt Nam, nhằm tăng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và của toàn ngành nói chung, nhằm hướng tới xây dựng các mô hình vận tải cung ứng bền vững.
Các chuyên gia trong ngành đã thảo luận và phân tích về các giải pháp giúp ngành logistics Việt Nam tăng tốc cùng nền kinh tế từ nhiều góc độ. Doanh nghiệp dẫn đầu trong thương mại điện tử Việt Nam là Lazada đã chia sẻ về mô hình quản lý e-logistics thông qua LeL Delivery phù hợp với đặc thù thị trường của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
DHL là một trong những doanh nghiệp cung ứng vận tải đa quốc gia dẫn đầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đã chia sẻ các vấn đề xung quanh logistic đường bộ và đường sắt giữa Việt Nam và Châu Âu. Ngoài ra, đại diện của DHL còn chia sẻ ngoài củng cố mảng B2B vốn là thế mạnh của doanh nghiệp này, DHL đang lấn sân mở rộng mảng B2C tại Việt Nam do tiềm năng từ sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng như thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng chia sẻ các vấn đề xoay quanh ngành vận tải cung ứng cho ngành nhà hàng tại Việt Nam. Đại diện từ KAMEREO Corporation, đơn vị cung ứng cho chuỗi nhà hàng pizza 4Ps, chia sẻ khó khăn trong việc tìm thực phẩm tươi cho các nhà hàng tại Việt Nam, do phương thức vận chuyển và kiểm tra xuất xứ còn thô sơ, và thị trường chú trọng vào giá thành nhiều hơn chất lượng trở thành rào cản để hiện đại hoá các phương thức vận chuyển trong logistics. Để có thể tìm được thực phẩm đầu vào đạt chuẩn, Công ty đã phải tìm kiếm và quản lý từ nguồn cung từ đầu của chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, diễn đàn còn thảo luận về các xu hướng logistics mới như logistics xanh, xu hương mới trong vận hành đội xe vận tại hàng hoá, thiết kế kho hàng thông minh và hiệu quả, áp dụng công nghệ vào logistics cung ứng lạnh.
Bên cạnh đó, các gian hàng trong diễn đàn cũng trưng bày các các công nghệ, giải pháp sáng tạo từ các điển cứu logistics các nước khác như: Bên trong Cửa hàng tự phục vụ AmazonGo, Plattooning Kỹ thuật quản trị vận tải giảm khí khải, Quản trị Container hàng hóa bằng Trí tuệ nhân tạo, Bên trong Kho hàng vận hành bằng Robot của Alibaba, Giao hàng bằng Drones, Giải pháp nâng hạ hàng hóa giảm tổn thương cho người vận hành...
Theo World Bank 2016, logistics tại Việt Nam hiện đang xếp hạng 64/160 trên toàn thế giới với điểm LPI 2.98. Theo Tổ chức APICS Supply Chain Council, trong ngành logistics, các công ty cung cấp dịch vụ logistics thường được gọi là LSP (Logistics Service Provider), và tạm được chia thành nhiều cấp độ từ 2PL, 3PL, 4PL, 5PL theo mức độ phát triển.
Việt Nam có hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký họat động trong lĩnh vực logistics hoặc liên quan. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hoạt động các doanh nghiệp này, đa phần doanh nghiệp bản chất là đại lý, công ty vận tải với quy mô rất nhỏ từ 1-5 chiếc xe tải, hay đại lý môi giới, công ty cho thuê kho bãi (tức 2PL). Ở cấp độ 2PL, về phía vận tải hàng hóa, tương tự như thị trường logistics ở Ấn Độ, hơn 75% doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam có từ 1-5 chiếc xe thực sở hữu.
Trong khi đó, các công ty có dịch vụ cho thuê kho bãi ở Việt Nam chưa thực sự làm tốt vai trò một 2PL cho thuê kho bãi mà chỉ đơn thuần hoạt động như “chủ nhà, chủ đất cho thuê”. Chỉ có một số ít doanh nghiệp logistics ở Việt Nam có thực lực và làm đúng chức năng của 3PL đúng nghĩa. Số lượng doanh nghiệp có khả năng làm 4PL ở Việt Nam gần đếm trên đầu ngón tay. Hiện ở Việt Nam, chưa có doanh nghiệp logistics nào là 5PL, kể cả khối doanh nghiệp nước ngoài hay Việt Nam. LSP tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá ở mức cơ bản.
Theo ông Julien Brun, CEL Consulting, do hạn chế ứng dụng công nghệ, chưa xây dựng và chuẩn hóa quy trình vận hành, không đầu tư vào chiến lược kinh doanh - tầm nhìn dài hạn và khả năng nhìn bao quát bức tranh tổng thể trên toàn chuỗi giá trị và xây dựng phát triển năng lực của đội ngũ, đa phần doanh nghiệp logistic tại Việt Nam còn loay hoay vừa xây dựng chiến lược kinh doanh trong lúc vận hành hoặc thậm chí là không có chiếc lược nên có xu hướng sao chép đối thủ cạnh tranh.
Yếu kém này dẫn đến tình trạng “cạnh tranh về giá khốc liệt” cho dịch vụ logistics nhiều ngành và chỉ có rất ít doanh nghiệp logistics tại Việt Nam thực sự có lợi nhuận thực. Doanh nghiệp logistics Việt Nam rất cần phải thay đổi và khắc phục những khuyết điểm nêu trên trước khi đón đầu xu thế và cơ hội tương lai. Thực sự, “đại dương xanh” cơ hội cho doanh nghiệp logistics trong tương lai là rất nhiều đặc biệt là trong bối cảnh các xu thế dưới đây.