Một thập niên qua, Việt Nam luôn được thế giới xem là “ngôi sao tăng trưởng” tại khu vực, mở đường cho mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Tiền xanh, môi trường xanh
Một thập niên qua, Việt Nam luôn được thế giới xem là “ngôi sao tăng trưởng” tại khu vực, mở đường cho mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Điểm nổi bật trong thời kỳ này là vai trò của FDI đã làm tăng vọt xuất khẩu cũng như góp phần không nhỏ vào mức độ tăng trưởng kinh tế chung.
Nhưng dù có mức tăng trưởng cao, kinh tế Việt Nam vẫn tụt hậu so với thế giới. GDP bình quân đầu người hiện trên 3.500 USD, chỉ nhỉnh hơn 1/4 so với mức trung bình của thế giới. Ngoài ra, GDP tăng nhưng tỉ lệ tạo lập tài sản vốn cố định gộp (GFCF) giảm, sẽ là trở lực tăng trưởng trong dài hạn. Chỉ số GFCF trên GDP năm 2000 là 29%, gấp đôi so với năm 1990 (14,4%), còn hiện tại vào khoảng 22%. Đây là mức giảm khá nhiều so với năm 2000. GFCF trên GDP là chỉ số rất quan trọng để biết rằng một nền kinh tế sẽ phát triển đến đâu thông qua đầu tư cho R&D, phát triển công nghệ, hạ tầng cũng như các ngành nghề then chốt giúp kinh tế phát triển bền vững, lâu dài.
Bên cạnh đó, khi tiết kiệm thấp, độ mở của thị trường vốn còn hạn chế, các kênh đầu tư chưa đa dạng, khoa học tụt hậu, năng lực nâng cấp nguồn nhân lực chưa sẵn sàng, thì những hiệp định thương mại tự do chỉ mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn, còn trong dài hạn lại là nguy cơ cho các ngành sản xuất trong nước.
Về vĩ mô, với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, 3 bài toán vĩ mô không dễ giải quyết luôn là vốn, thất nghiệp và lạm phát. Vòng luẩn quẩn là năng suất lao động và thu nhập thấp, do vậy tiết kiệm và đầu tư thấp. Mặt khác, thị trường tài chính và thị trường hàng hóa hoạt động kém hiệu quả, trong khi nguy cơ bất ổn sẽ lớn hơn khi nền kinh tế mở cửa sâu rộng với thế giới. Không có vốn để phát triển và có vốn nhưng chảy sai chỗ thì cũng dở như nhau.
Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, 3 bài toán vĩ mô không dễ giải quyết luôn là vốn, thất nghiệp và lạm phát. |
Về doanh nghiệp, tăng trưởng trong dài hạn cũng phụ thuộc vào 3 yếu tố: lao động, vốn và công nghệ. Nhưng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại 2 vấn đề bất cân đối. Thứ nhất là thâm dụng vốn rất lớn ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại không tạo ra việc làm và giá trị đổi mới tương xứng. Thứ 2 là thâm dụng lao động ở khu vực tư nhân nhưng thiếu vốn, thành ra dù tạo ra nhiều việc làm nhưng lương thấp và có xu hướng sử dụng những công nghệ không thân thiện với môi trường.
Rõ ràng, trong cả yếu tố vĩ mô và vi mô, vốn (tiền) là câu chuyện quan trọng nhất. Câu hỏi đặt ra trong dài hạn là chúng ta sẽ phải đối mặt với các kênh vốn ra sao và cái giá phải trả khi theo đuổi chúng như thế nào?
TIỀN XANH
Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bài toán vĩ mô không dễ giải quyết luôn là vốn. Ngân hàng thu hút người dân gửi tiền tiết kiệm để tăng nguồn vốn cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh. So với các nước trong khu vực, tỉ lệ tiết kiệm trên GDP năm 2020 của Việt Nam là 24,8%, thấp so với mức 44,2% của Trung Quốc, Singapore là 45,8%, Malaysia 28%, Thái Lan 32%, Indonesia 32%... Tỉ lệ tiết kiệm trên GDP 24,8% năm 2020 của Việt Nam cũng đã giảm so với mức 25,4% năm 2019 và thấp hơn nhiều so với mức 29,6% năm 2012.
Tiết kiệm giảm trong lúc dịch bệnh, mất việc làm là do người dân đang ăn vào tiền tiết kiệm, còn GDP tăng thì thuần túy là dựa vào đầu tư công, FDI và xuất khẩu (phần lớn FDI). Ngoài ra, lạm phát tăng cũng có thể khiến GDP danh nghĩa tăng, cũng là điểm cần suy xét.
Đầu tư tương lai đến từ tiết kiệm hiện tại. Khi tiết kiệm thấp, đầu tư sẽ chỉ tăng bằng vay nợ nước ngoài, FDI thâm dụng lao động và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng gia tăng thấp. Tiết kiệm nội địa thấp thì mục tiêu tăng trưởng qua đầu tư và tăng tiêu dùng sẽ khó đạt bền vững.
Có thể thấy, phần lớn nguồn vốn cho phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào hệ thống tín dụng ngân hàng. Thực tế, cả nước hiện vay nợ ngân hàng hơn 8 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỉ đồng, tổng tài sản của các ngân hàng hiện gần 12 triệu tỉ đồng, xấp xỉ 200% GDP.
Đầu tư cao được thúc đẩy nhờ khởi tạo tín dụng ngân hàng là nguyên nhân cốt lõi của tốc độ tăng trưởng cao tại các nền kinh tế đang phát triển thành công nhất, đặc biệt ở Nhật và Hàn Quốc trong những năm 1950 và 1980. Bài học của 2 quốc gia này là không để cho khối tư nhân, vốn luôn bị điều khiển bởi các mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận (đặc quyền, đặc lợi sinh ra suy thoái), dẫn dắt quyết định phân bổ tín dụng ngân hàng. Thay vào đó, họ chủ động hướng tín dụng vào những khoản đầu tư sinh lời với tiềm năng lớn nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khi nhìn về tương lai lâu dài, điều nguy hiểm nhất hủy diệt sức cạnh tranh lành mạnh chính là sự khống chế nguồn vốn của các “nhóm lợi ích” thông qua hệ thống ngân hàng và công nghiệp. Dưới một hệ thống tiền tệ như vậy, việc các nguồn lực từ ngân hàng tăng hay giảm đều không quan trọng lắm, khi các nguồn lực này vẫn bị khống chế bởi một nhóm nhỏ. Tài sản ngân hàng phình to hay thu nhỏ là do nhu cầu của những nhóm này.
Một nền kinh tế với dư nợ lớn lại phụ thuộc vào nguồn cung cấp tín dụng mới, mà thiếu nó, các doanh nghiệp phụ thuộc vào vay mượn sẽ phải dừng đầu tư và trong một số trường hợp sẽ phải đóng cửa. Một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn vay, có quá nhiều nghĩa vụ nợ ngắn hạn sẽ dễ bị tổn thương hơn so với một nền kinh tế mà thị trường vốn là đa dạng.
Một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn vay, có quá nhiều nghĩa vụ nợ ngắn hạn sẽ dễ bị tổn thương hơn. |
Một doanh nghiệp có khả năng tăng vốn chủ sở hữu, phát hành được trái phiếu dùng nó để đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự giảm sút đột ngột nguồn cung tín dụng của ngân hàng. Chính vì vậy, bên cạnh ngân hàng, nhu cầu tự do hóa thị trường vốn hơn nữa, một thị trường chứng khoán, trái phiếu phát triển tương xứng với nhu cầu nâng cấp nền kinh tế là điều cần thiết để đạt được tốc độ phát triển nhanh, bền vững.
Nhìn vào thực trạng trong số hơn 95% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay, có trên 2/3 là doanh nghiệp siêu nhỏ, trong đó đa phần chưa đủ khả năng huy động vốn xã hội như phát hành trái phiếu hoặc chứng khoán hóa. Như vậy, có thể phát triển một số ngân hàng nhỏ, địa phương để phục vụ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cấp tín dụng doanh nghiệp cho SME địa phương mới phù hợp nhu cầu phát triển chung. Do là ngân hàng nhỏ nên tính thấu hiểu doanh nghiệp địa phương sẽ cao và như vậy sản phẩm sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cần hiểu là cạnh tranh của ngành ngân hàng tạo ra lãi suất huy động cao hơn cũng dẫn đến tỉ suất lợi nhuận rất thấp cho các ngân hàng. Sự kết hợp giữa hoạt động đầu cơ, cho vay đầy rủi ro và mức lợi nhuận thấp là một công thức thảm họa. Do vậy, vốn tín dụng ngân hàng không bao giờ dành cho các hoạt động cho vay mạo hiểm. Thành ra, phải có thị trường vốn đầu tư mạo hiểm phát triển mới có thể thúc đẩy hoạt động sáng tạo đổi mới, phát triển thị trường mua bán bằng phát minh sáng chế, R&D. Và càng không phải đến từ nguồn vốn tài trợ của Nhà nước.
Mặt khác, quyền lực gây tha hóa đạo đức. Khi nguồn vốn của nền kinh tế quá lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng mà cơ chế kiểm soát thiếu hiệu quả, hệ quả là hàng loạt doanh nhân tài năng sa vào lao lý, để lại xã hội những đại án gây mất mát hàng tỉ USD và cần nhiều thời gian, tiền bạc của xã hội để xử lý. Do vậy, tự do thị trường vốn là cần thiết cho phát triển, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải nâng cấp trình độ quản lý nhà nước, mới có đủ khả năng đối phó tốt với những biến động vĩ mô toàn cầu, khắc chế được các hoạt động thao túng có tổ chức, tấn công tài chính từ bên ngoài ngày càng tinh vi hơn.
Kênh chứng khoán nhiều năm qua trở thành một kênh thu hút vốn. Ở Việt Nam, tiết kiệm được chuyển hóa vào bất động sản là chính yếu do những kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối bị hạn chế. Thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng chưa phát huy được chức năng huy động vốn trong dân cho nền kinh tế.
Sau 20 năm, tính đến hết tháng 6/2020, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 5,5 triệu tỉ đồng, bằng 104% GDP năm 2019. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 4 triệu tỉ đồng và vốn hóa thị trường trái phiếu dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng vẫn ở mức khiêm tốn.
Như vậy, dù có vốn hóa thị trường chứng khoán hơn mức trung bình của thế giới, nhưng chất lượng của thị trường vẫn là điều đáng quan tâm. Việt Nam cần hoàn thiện các quy định pháp luật đối với hoạt động thanh toán, phát hành và kinh doanh trái phiếu nhanh hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế qua huy động vốn trong nền kinh tế.
Phẩm chất thực sự của các doanh nghiệp niêm yết được thể hiện qua mức độ phát triển của thị trường trái phiếu với những quy định và điều luật quản lý hiệu quả, có một thị trường đánh giá tín nhiệm độc lập nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, các hoạt động tư vấn phát triển và chuyên nghiệp. Qua đó mới có thể đánh giá năng lực cạnh tranh thực chất của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
MÔI TRƯỜNG XANH
Nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng mặc nhiên thừa nhận tốc độ tăng trưởng GDP và cơ cấu của khu vực II (các ngành công nghiệp và xây dựng) và khu vực III (các ngành dịch vụ) trong GDP cần phải tăng lên. Với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như Việt Nam, thói quen tiêu dùng của người dân đang phản chiếu lại thói quen của người tiêu dùng ở các nước phương Tây đã từng trải qua. Tuy nhiên, chúng ta phải trả giá bằng những tài nguyên thiên nhiên cần thiết để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ này.
Nhu cầu hưởng thụ của một nền kinh tế đang đi lên và xã hội ngày một khá giả cũng thúc đẩy lối sống tiêu thụ ngày một lớn tại Việt Nam. |
Nhu cầu hưởng thụ của một nền kinh tế đang đi lên và xã hội ngày một khá giả cũng thúc đẩy lối sống tiêu thụ ngày một lớn tại Việt Nam. Những siêu thị đầy ắp hàng hóa, những trung tâm thương mại chật cứng xe hơi, điện thoại, hàng thời trang đang đưa chủ nghĩa tiêu thụ trở nên ngày một rõ nét.
Nhu cầu tiêu dùng càng lớn, các hoạt động kinh tế gắn liền càng tăng đi kèm cùng rác thải, khói bụi sản xuất. Thực tế, túi nylon, ống hút nhựa không phải là thủ phạm bức hại môi trường. Sát thủ của sinh thái là tăng trưởng GDP, công nghiệp thái quá và chủ nghĩa tư bản tham lam với các “kế hoạch lỗi thời có tính toán” (planned obsolescence) trong kinh doanh, toàn cầu hóa. Chúng ta sống trong một thế giới dư thừa hàng hóa và thường không biết làm gì với những thứ dư thừa.
“Tăng trưởng bền vững” có vẻ nghe rất hấp dẫn. Chi phí cho mỗi đơn vị hàng hóa cần được giảm thiểu để môi trường sinh thái không bị tàn phá thêm mà vẫn giữ được tăng trưởng. Từ năm 1970 đến nay, chi phí cho mỗi đơn vị hàng hóa đã giảm một nửa. Đáng tiếc là môi trường không nhờ thế mà bớt bị hủy hoại, vì lập tức xảy ra “hiệu ứng bóng dội ngược” trong kinh tế học (rebound effect).
Nghĩa là doanh nghiệp thay vì sản xuất vừa đủ thì lại dùng chính chi phí được tiết kiệm đầu tư vào việc gia tăng sản xuất, mở rộng thị trường (toàn cầu hóa) khiến cho số năng lượng tiêu hao tăng lên cùng số cung hàng hóa vượt trội. “Kế hoạch lỗi thời có tính toán” bao lâu nay là một trong những trụ cột chiến lược tăng trưởng của các tập đoàn đa quốc gia phương Tây. Chiến lược này khiến sản phẩm được sản xuất ra có tuổi thọ ngắn hơn để tối đa hóa lợi nhuận, tăng vòng quay vốn và doanh thu, tối đa hóa công suất, năng suất công nghiệp...
Ở một khía cạnh khác, khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Xét về mặt tăng trưởng, 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta hiện nay được đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm.
Những bài học của thế giới cho chúng ta thấy đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển. |
Dùng vốn ngoại như FDI để thúc đẩy tăng trưởng, kiến tạo việc làm và cốt lõi nhất là chuyển giao công nghệ là điều đúng đắn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong khi tích lũy nguồn vốn (tư bản) trong nước (dành cho dài hạn) mà phải đánh đổi môi trường thì có thể là thỏa hiệp được trong thời kỳ đầu, nhưng về lâu dài cần phải thay đổi để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và cân đối hơn.
Những bài học của thế giới cho chúng ta thấy đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. “Vừa là” chứ không phải “hoặc là”, sẽ là lựa chọn phát triển hài hòa và bền vững.