Ông Nhâm Hà Hải, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán An Bình (ABS). Ảnh chụp màn hình từ Talkshow Phố Tài Chính.

 
Ông Nhâm Hà Hải, Chứng khoán An Bình Thứ Năm | 01/06/2023 14:52

Kỳ vọng nhiều hơn vào các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam

Dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn chủ lực trong giai đoạn thị trường tăng rất mạnh sẽ quay lại và tiếp tục là động lực của thị trường.

Dù còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, nhưng nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2023 vẫn có sự tăng trưởng dương, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác bị suy giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa được cao như kỳ vọng, cũng như việc thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu tích cực nhưng mới đang chỉ có sự phục hồi nhẹ. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do sự thiếu hụt về thanh khoản, thiếu hụt dòng tiền trong nền kinh tế và thị trường.

 

Trong thời gian gần đây, Quốc hội, Chính phủ và cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều giải pháp giúp tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế và thị trường. Chính phủ hiện nay đã triển khai rất nhiều các biện pháp cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như thúc giục các bộ, ngành để giải ngân đầu tư công.

Ngoài ra, các gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội cũng như các biện pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản để giúp tăng lượng cầu tiêu dùng và mua nhà của người dân. Mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đang có xu hướng giảm. Trong bối cảnh này, ông Nhâm Hà Hải, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn chủ lực trong giai đoạn thị trường tăng rất mạnh sẽ quay lại và tiếp tục là động lực của thị trường. Bên cạnh dòng vốn trong nước thì dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng vô cùng quan trọng. Hiện FED cũng đã hạ nhiệt tăng lãi suất khiến cho giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền ngoại trong thời gian tới sẽ thiện nhiều hơn. 

“Trong điều kiện như vậy thì tôi kỳ vọng nhiều hơn vào các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam. Trong tháng 5, chúng ta cũng đã có các nhà đầu tư cá nhân thực hiện mua ròng khoảng hơn 1.600 tỉ đồng, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài thì bán ròng khoảng 1.500 tỉ đồng, tức là lực mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đang bù đắp phần bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. 

Tôi cho rằng khi lãi suất bắt đầu giảm như hiện nay, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại hầu hết giảm về mức dưới 8% đối với kỳ hạn 12 tháng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước thông báo giảm tỉ giá mua vào đồng USD, thì chứng tỏ ngoại tệ cũng đang rất dồi dào. Thế thì lượng tiền được bơm ra cho hệ thống rất lớn, các kênh đầu tư khác sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư”, ông Hải nói. 

 

Cũng theo ông Hải, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong thời gian vừa qua là những giải pháp quyết liệt và rất đa dạng. Nhưng mà vấn đề thực thi các giải pháp đấy như thế nào để nó hiệu quả thực sự mới là vấn đề. 

“Ví dụ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội đã triển khai, nhưng đến thời điểm này cũng chưa giải ngân được. Làm thế nào để chúng ta tháo gỡ được những khó khăn, để thực sự dòng chảy của tiền được luân chuyển và nền kinh tế có thể hấp thụ được lượng tiền đó, tạo được đà tăng trưởng”, ông Hải nói thêm. 

Nguồn Theo Talkshow Phố Tài Chính