Ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập FinPeace. Ảnh chụp màn hình.
Hai điều cần lưu ý trong tích sản cổ phiếu
Mới đây, tham gia chương trình Khớp lệnh 31/1, ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập FinPeace đã có những chia sẻ về những lưu ý khi tích sản ở thị trường chứng khoán. Theo ông Tuấn Anh, trong quá trình tích sản, có 2 điều mà nhà đầu tư cần quan tâm, đầu tiên là nguồn tiền và thứ hai là tích sản mã gì.
Nguồn tiền tích sản từ đâu
Thông thường, nhà đầu tư sẽ quan tâm luôn đến những mã mà mình sẽ tích sản, thì bây giờ hãy chậm lại một chút, hãy quan tâm đến nguồn tiền để tích sản. Có một số người hiểu tích sản theo kiểu rằng là tôi có 1 tỉ đồng, tôi tự chia 1 tỉ đồng đó thành 10 phần bằng nhau, mỗi phần 100 triệu đồng và tháng nào tôi cũng mua 100 triệu đồng, đó là tích sản. Theo ông Tuấn Anh, đây cũng là gần đúng với tích sản, tuy nhiên ông khuyên nhà đầu tư không nên tích sản theo cách này mà hãy dùng cách nhẹ hàng hơn.
Cụ thể, với những khoản lương nhận được hàng tháng, sau khi trừ đi chi phí và tiết kiệm hàng tháng, bạn có thể dùng phần dư để tích sản. Ví dụ với mức lương 15 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí thì bạn sẽ dư ra khoảng 7 triệu đồng. Với khoản tiền dư này, bạn có thể trích ra từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng để tích sản cổ phiếu.
Việc mua chứng khoán định kỳ như thế thì nguồn tiền của bạn càng vững vàng thì xác suất chiến thắng của bạn gần như là chắc chắn. “Hãy thử tưởng tượng, bạn mua liên tiếp trong 100 tháng, mỗi tháng 500.000 đồng thì liên tiếp trong 8 năm, kiểu gì bạn cũng gặp đúng lúc thị trường tăng rất là mạnh. Trong 8 năm thì xác suất cao bạn sẽ gặp được một vài đỉnh cao của thị trường”, ông Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, vị chuyên gia này phân tích, nếu bạn có 1 tỉ đồng và chia thành 5 phần bằng nhau, mỗi tháng 200 triệu đồng, nghe về mặt toán học thì có vẻ giống nhau nhưng thực tế lại rất khác. Điểm khác lớn nhất ở đây, là việc bạn chỉ mua được 5 lần, tức là chỉ mua được 5 tháng. Nếu giả định trong trường hợp rủi ro xảy ra, tháng thứ 6 hay thứ 7, thứ 8 thị trường đi xuống thì bạn lại không có đủ nguồn lực để mua liên tục như trường hợp tích sản với dòng vốn vững vàng 500.000 đồng kia.
“Lời khuyên đầu tiên là mình phải tính toán lại dòng tiền của mình, miễn là dòng tiền ổn định dài hạn thì các bạn hãy trích một phần dòng tiền đó để đi mua chứng khoán”, ông Tuấn Anh nói.
Tích lũy mã nào?
Điều thứ hai cần lưu ý đó là tích sản cổ phiếu nào. Theo ông Tuấn Anh, điều dễ nhất đó là tích sản nhóm cổ phiếu VN30. Với những nhà đầu tư mới, thì nhóm cổ phiếu trong nhóm VN30 là một lựa chọn. Đó là 30 công ty vốn hóa hàng đầu thị trường, xác suất mua cổ phiếu VN30 mà sai thì khá thấp. Trước đây VN30 có một vài cổ phiếu không tốt nhưng cũng đã bị loại ra rồi.
Nhóm cổ phiếu VN30 là một lựa chọn đối với nhà đầu tư mới. Ảnh: TL. |
Theo ông Tuấn Anh, khi các bạn tham gia đầu tư khoảng 1-2 năm, có thể tìm đọc báo cáo của các công ty chứng khoán để thấy rằng các công ty chứng khoán đánh giá những công ty nào tốt hay không và đưa ra một lựa chọn. Hoặc đơn giản hơn, các bạn làm công ty nào thì có thể đầu tư luôn công ty đó.
Độ khó thứ ba là các bạn đọc các báo cáo riêng lẻ khi đã bắt đầu chuyên. Ở đây có 2 trường hợp, các bạn có thể chọn những công ty ổn định về mặt dài hạn như điện, than, năng lượng thì khá ổn định.
Trường hợp hai là tích sản cho những công ty mang tính chất chu kỳ thì sẽ khó hơn, khó ở bản lĩnh của các bạn. Bởi vì có những tháng tích sản đầu tiên bạn sẽ cảm giác hơi lỗ lỗ một tí theo giá thị trường. Nhưng về dài hạn, ông Tuấn Anh cho hay, hầu hết các thống kê đều cho thấy rằng các cuộc khủng hoảng hay giảm giá của thị trường chứng khoán nó chỉ xảy ra 6 tháng, 12 tháng hay 18 tháng là tối đa. Vậy thì thực ra quá trình tích sản của bạn chỉ cần lớn hơn số 18 tháng đấy thôi để trung bình hết khu vực mà giá giảm của thị trường khủng hoảng, thậm chí là thời gian mà tích lũy càng dài càng tốt.
Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập FinPeace tại Chương trình Khớp lệnh.
Có thể bạn quan tâm