Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA). Ảnh: PV.

 
Ông Lê Long Giang, VFCA Thứ Ba | 13/09/2022 17:02

Giải pháp để doanh nghiệp "khơi thông" vốn

Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng thì thị trường chứng khoán cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo đánh giá của ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) kênh huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp từ thị trường chứng khoán và trái phiếu đó là kênh dài hạn, trong khoảng 6 tháng cuối năm, nếu như các doanh nghiệp cần vốn thì chắc chắn nguồn vốn từ ngân hàng sẽ vẫn thuận lợi và kịp thời hơn. Còn để nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp thì chúng ta cần phải thúc đẩy hơn nữa việc phát triển thị trường chứng khoán cũng như là sửa đổi Nghị định 153 liên quan đến trái phiếu. 

Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) trong talkshow Phố Tài chính.
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) trong talkshow Phố Tài chính.

“Theo thống kê của chúng tôi, trung bình các năm trước mỗi năm có khoảng từ 30 đến 40 doanh nghiệp lên sàn nhưng 6 tháng đầu năm 2022 thì mới có khoảng 9 doanh nghiệp trên tổng khoảng 17 bộ hồ sơ được chấp thuận để niêm yết, thấp hơn hẳn so với trung bình các năm trước. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có những chính sách minh bạch hơn cũng như cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp hơn nữa”, ông Giang nói thêm. 

Đối với những giải pháp khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp, ông Giang đánh giá những chính sách như giảm và hỗ trợ 2% lãi suất thì chỉ tác dụng đến những doanh nghiệp vẫn có khả năng vay các tổ chức tín dụng, nhưng có những doanh nghiệp nhỏ và vừa họ còn chưa tiếp cận được những nguồn vốn tín dụng thì chúng ta sẽ hỗ trợ họ như thế nào? 

“Có thể chúng ta nên có những chính sách cho vay vốn với lãi suất 0% với những ngành nghề mà đánh giá rằng hai năm COVID vừa rồi đã không thể nào trụ được. Ví dụ như du lịch và những ngành liên quan như vậy. Tôi nghĩ rằng Chính phủ có thể dùng bớt một phần nguồn vốn đầu tư công để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, đương nhiên có những chính sách và có những điều kiện cụ thể”, ông Giang nói. 

Bên cạnh các giải pháp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý thì các doanh nghiệp cũng cần phải “tự thân vận động” để nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Giang, với những doanh nghiệp trong giai đoạn này, họ sẽ phải chủ động tìm kiếm những nguồn vốn khác ngoài ngân hàng, chẳng hạn như nên tìm đến nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực đấy. Ngoài ra, việc nâng cao các kiến thức và các kinh nghiệm quản lý tài chính cũng là rất cần thiết. 

 

“Tôi nghĩ rằng bài toán tài chính mới là bài toán khó giải và thực sự mang tính chiến lược. Tôi có thể ví dụ như vừa rồi thì trong chủ trương đẩy mạnh năng lượng sạch đã có một số doanh nghiệp phát hành những trái phiếu xanh để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho các doanh nghiệp phát triển năng lượng sạch đấy. Tuy nhiên, đôi khi các doanh nghiệp lại không biết đến nguồn vốn đấy, không biết đến trái phiếu xanh làm cho họ cứ phải đi vay những ngân hàng truyền thống hoặc những tổ chức khác thì sẽ là khó khăn hơn. Tôi nghĩ rằng sau những khó khăn này, các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại, cũng sẽ chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển đều và phát triển vững của doanh nghiệp hơn”, ông Giang nói. 

Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) tại Talkshow Phố Tài chính.