Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank. Ảnh: PV.

 
Ông Quản Trọng Thành, Maybank Investment Bank Thứ Sáu | 31/03/2023 09:13

Giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang dần kết thúc?

Giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm dần và áp lực đối với các doanh nghiệp cũng sẽ giảm dần đi.

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cho rằng, với những diễn biến của thị trường tài chính gần đây và đặc biệt là sự kiện về các ngân hàng ở Mỹ đã ảnh hưởng đến tài sản của người dân Mỹ. Phần đầu tư và phần tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng, giúp lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Hiện tại kỳ vọng rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh không phải mức 5,5%, mà là 5,1%, thậm chí chỉ là 5%. 

Tại Việt Nam, trong tháng 1, tháng 2 vừa qua lãi suất đã hạ nhiệt giảm từ mức 10%, xuống 9,5% và hiện tại đâu đó quanh mức 9%. Còn lãi suất bình quân tiền gửi dài hạn đâu đó khoảng 8%. “Chúng tôi cho rằng lãi suất hiện tại đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức khá cao và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng, nhu cầu tiêu dùng. Lãi suất cho vay doanh nghiệp cũng có sự hạ nhiệt, nhưng nếu so với mức bình thường, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất hiện tại bắt đầu từ lãi suất cho vay sẽ phải giảm đâu đó khoảng 1,1 - 1,5%”, ông Thành nói. 

 

Đánh giá về dư địa giảm lãi suất, ông Thành cho rằng lãi suất của FED có thể đạt đỉnh vào tháng 6 và đồng USD sẽ không thể mạnh quá được nữa, áp lực trong việc điều hành tỉ giá ở Việt Nam cũng sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Và theo đó, chúng ta sẽ có không gian để hạ lãi suất. Bên cạnh yếu tố về tỉ giá, ông Thành cho rằng nếu diễn biến về lạm phát tháng 3 này tiếp tục hạ nhiệt thì chúng ta sẽ có không gian để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất. “Chúng tôi đang dự kiến việc giảm lãi suất điều hành có thể xảy ra đâu đó vào tháng 7, nhưng nếu diễn biến này diễn ra nhanh có thể xảy ra sớm hơn trong tháng 5, tháng 6”, ông Thành chia sẻ. 

Cũng theo ông Thành, ở Việt Nam chúng ta đặc thù tăng trưởng tín dụng theo hạn mức, Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm cũng đã đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng đâu đó 14 - 15%, mục tiêu này vẫn đang xuyên suốt. “Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách thận trọng cho đến tầm 2-3 tháng nữa, khi nào Ngân hàng Nhà nước thấy lạm phát ổn định sẽ có động thái cắt giảm rõ rệt hơn”, ông Thành chia sẻ thêm. 

 

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán, vị chuyên gia này cho rằng tăng trưởng EPS của thị trường khả năng sẽ là số âm trong quý I, điều này khiến định giá của thị trường Việt Nam quanh mức đâu đó gần 13 lần, tương ứng với tỉ suất sinh lời khoảng 8%. So với mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện tại thì chưa quá hấp dẫn và kỳ vọng rằng chúng ta sẽ bước vào xu hướng tăng trưởng phục hồi rõ rệt hơn vào từ nửa cuối của năm 2023 này.

Đối với những nhóm ngành cụ thể, ông Thành hé lộ rằng những cổ phiếu liên quan đến ngành tài chính, nó ở tâm điểm của con sóng và làm cho định giá của ngành đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Các nhà đầu tư chúng ta có thể tích lũy và thực sự trong ngành vẫn có những cổ phiếu tăng trưởng rất tốt trong năm nay. Ngoài ra, nhóm ngành về bán lẻ, đầu tư công hay dầu khí, năng lượng cũng là những nhóm mà nhà đầu tư có thể quan tâm. 

Có thể bạn quan tâm:

44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên trong quý II/2023