Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Ảnh: PV.
Động lực cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý II
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng khó khăn của các doanh nghiệp hiện giờ tập trung ở hai vấn đề chính. Thứ nhất là nhu cầu vốn giảm ở cả nhu cầu thị trường trong nước cũng như là thị trường quốc tế. Thứ hai đó là chi phí lãi vay cao và việc mà doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Theo báo cáo về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp của Tổng cục Thống kê, thì có khoảng hơn 40% doanh nghiệp cho biết là họ gặp khó khăn do nhu cầu nội địa và nhu cầu quốc tế giảm và có bình quân 40% nhóm doanh nghiệp khảo sát cho biết họ cũng đang gặp khó khăn do chi phí lãi vay cao và khó tiếp cận vốn vay. Ngoài ra, đại diện của VDSC cho rằng khó khăn của lĩnh vực bất động sản cũng đã bắt đầu lan tỏa sang các ngành khác như là xây dựng, vật liệu xây dựng hay tiêu dùng.
Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới đã giảm khoảng 61% so với cùng kỳ. Trong khi đó thì số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể là tăng tới 57%.
Nhận thấy những khó khăn trên thì Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp như là thúc đẩy đầu tư công, giảm lãi suất. Tuy nhiên, có thể do độ trễ của chính sách mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang kêu khó. Lý giải về điều này, bà Phương lam cho rằng bên cạnh nguyên nhân do độ trễ về chính sách thì năng lực thực thi chính sách vẫn còn chưa có đủ mạnh để khiến cho các chính sách hỗ trợ nhanh và hiệu quả được.
Đơn cử như vấn đề đầu tư công, chúng ta cũng có thể thấy vẫn có tình trạng ì ạch và sợ trách nhiệm ở một vài địa phương hay là các giải pháp về nhà ở xã hội thì mặc dù đối với thị trường bất động sản thì đây là một trong những yếu tố được xem là điểm tích cực để thúc đẩy thị trường nhưng lại không tạo động lực cho các bên tham gia.
“Đối với vấn đề về lãi suất cũng như là tiếp cận vốn vay thì thực tế có thể thấy những doanh nghiệp đang gặp khó khăn cũng rất là khó vay vốn. Chúng tôi kỳ vọng sau khi Thông tư 02 về việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ cũng như gia hạn nợ có hiệu lực, khả năng tiếp cận vốn vay cũng như lãi suất vay của các doanh nghiệp sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn”, bà Phương Lam chia sẻ.
Một giải pháp nữa đang được trông chờ đó là việc giảm thuế VAT 2 % cho thời gian còn lại của năm 2023. Đánh giá về công cụ này, bà Phương Lam cho rằng ngay sau khi chính sách giảm thuế VAT 2% của năm 2022 hết hiệu lực vào thời điểm cuối năm thì VDSC đã kỳ vọng gói chính sách này sẽ tiếp tục được gia hạn ngay từ đầu năm. Bởi vì xét về mặt thực thi thì đây là một trong những biện pháp hỗ trợ có khả năng thực thi nhanh nhất và hiệu quả nhất.
“Động lực bây giờ là trông chờ vào việc giải ngân đầu tư công cũng như là nhu cầu của thị trường thế giới phục hồi. Ngoài ra, lãi suất hạ nhiệt cũng sẽ là một trong những điểm then chốt và cùng với đó, nếu như mà các vấn đề vướng mắc về pháp lý ở thị trường bất động sản được tháo gỡ thì nó cũng sẽ giúp cho thị trường bất động sản dần ấm trở lại và lan tỏa sang các ngành kinh doanh khác”, bà Phương Lam nói thêm.
Có thể bạn quan tâm