Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong chương trình Talkshow Phố Tài chính. Ảnh: PV.

 
Ông Ngô Thế Hiển, SHS Thứ Ba | 13/09/2022 17:01

Doanh nghiệp Việt ra sao trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu?

Các doanh nghiệp Việt Nam đang như thế nào trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu?

Dưới đây là chia sẻ của ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong chương trình Talkshow Phố Tài chính. 

Độ ngấm của chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu đến nền kinh tế trong nước hiện nay?

Câu chuyện về lạm phát ở khu vực Bắc Mỹ thì đã có phần hạ nhiệt hơn. Tuy nhiên ở khu vực châu Âu, tình hình lạm phát vẫn đang khá là căng thẳng. Ví dụ như ở Eurozone, lạm phát trong tháng 8 tiếp tục tăng lên 9,1%. Để đối phó với lạm phát, hầu hết các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều dùng công cụ chính sách tiền tệ, đấy là tăng lãi suất. Trong tháng 7, tháng 8 vừa qua, có thể nói là một làn sóng tăng lãi suất ở khắp các nước trên thế giới, dẫn đến một rủi ro về câu chuyện giá cả hàng hóa leo thang, sức mua của người tiêu dùng giảm, đồng thời gia tăng rủi ro suy thoái trên toàn cầu.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Ảnh: PV. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số vĩ mô của Việt Nam, chúng ta nhìn thấy một bức tranh khá là tích cực trong 8 tháng vừa rồi. Ví dụ như là sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng sang tháng thứ 6 liên tiếp, chỉ số lạm phát CPI của tháng 8 tăng rất thấp. Với chính sách điều hành khá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước thì đồng VND thì chỉ mất giá so với đồng USD từ đầu năm đến giờ là 2,7%. “Như vậy là với những tín hiệu như hiện tại thì chúng ta có thể tự tin GDP trong quý III của chúng ta là có thể đạt mức trên 10%”, ông Ngô Thế Hiển nói. 

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, Moody’s gần đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên là mức Ba2, là mức xếp hạng cao nhất mà Moody’s dành cho Việt Nam kể từ năm 1997. Điều này cho thấy họ cũng đánh giá rất cao về nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Ở bối cảnh vĩ mô hiện tại, các doanh nghiệp của Việt Nam đang ra sao? 

Ông Hiển cho hay, con số mà họ tổng hợp trong quý II/2022 thì tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên 3 sàn tăng đâu đó vào khoảng 11%, một con số vẫn rất là tích cực, cho thấy là các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang có một vị thế chống chọi được khá là tốt trước biến động ở bên ngoài.

Tuy nhiên, trong một vài tháng trở lại đây, qua trao đổi với một số các doanh nghiệp thì một số các doanh nghiệp trong ngành mang tính chất xuất khẩu cũng đã bắt đầu cảm nhận được các dấu hiệu khó khăn. Ví dụ như là dệt may thì cũng có một số doanh nghiệp họ đang gặp khó khăn về mặt đơn hàng do giảm số lượng đơn hàng hoặc là hủy các đơn hàng đã có trước đó. Hay các doanh nghiệp thủy sản, giá cả ở Mỹ hay là ở châu Âu tăng cao khiến cho người tiêu dùng có xu hướng là giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Còn ở châu Âu thì mặc dù là giá dầu đi xuống nhưng giá khí vẫn tiếp tục tăng do những hạn chế mà châu Âu đặt ra đối với Nga sau cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine. Câu chuyện giá khí cùng lãi suất tăng thì khu vực châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, đây lại là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng Việt Nam. Ông Hiển đánh giá, đây cũng sẽ là những rủi ro mà các doanh nghiệp có lẽ sẽ cảm nhận được nhiều hơn trong giai đoạn từ cuối quý III cho đến sang quý IV. 

Tuy nhiên, trong phần còn lại của năm 2022, nhiều doanh nghiệp được đánh giá vẫn còn tiềm năng. Ví dụ như các ngành liên quan đến đầu tư công. Trong giai đoạn cuối năm thường là giai đoạn cao điểm vì nó cùng với các chính sách đẩy mạnh của Chính phủ, đẩy nhanh tiến trình giải ngân đầu tư công. Cùng với chính sách này, trong khoảng thời gian đến cuối năm thì có lẽ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép cũng sẽ có thể được hưởng lợi. Ngành ngân hàng cũng là một ngành được đánh giá tích cực. Các ngân hàng được kỳ vọng nới room tín dụng trong giai đoạn tới sẽ đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó thì một số ngành khác, ngành cảng biển, logistics thì vẫn có thể được hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu rất là tích cực.