Ở khối ngoại, 5 holdings châu Á lớn đang hiện diện tại Việt Nam để chia sẻ chiếc bánh ngon của thị trường.

 
Thứ Ba | 09/08/2022 11:01

Đại gia tộc châu Á dậy sóng trên đất Việt

Các đại gia tộc châu Á nhận định Việt Nam tương lai là một thị trường tiềm năng. Các ông lớn có tham vọng về miếng bánh thị phần trên đất Việt.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2015.)

Những cái tên trong nước như Vingroup, Sovico, Masan, PAN, Hùng Vương, CII… đã không còn xa lạ gì với giới kinh doanh. Họ được chú ý bởi những nước cờ chiến lược lớn, vận hành theo mô hình “holdings”. Tiêu biểu cho mô hình này là những công ty có năng lực huy động vốn từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Số vốn này được dùng để đầu tư vào các công ty hoặc tài sản khác nhau, sau đó tổ chức theo các hình thức công ty con, công ty liên doanh hoặc liên kết. Khác với mô hình quỹ đầu tư, mô hình holdings không nhằm mục đích mua đi, bán lại các công ty, tài sản để tạo nguồn thu trong ngắn hạn mà chủ yếu nhằm gia tăng quy mô và lợi ích lâu dài của các tổ chức kinh doanh.

Ở khối ngoại, 5 holdings châu Á lớn đang hiện diện tại Việt Nam để chia sẻ chiếc bánh ngon của thị trường, có thể kể đến là Jardine Matheson của Trung Quốc; CJ của Hàn Quốc (thực phẩm, công nghệ sinh học, giải trí, mua sắm tại nhà và logistics); SCG của Thái Lan (xi măng, vật liệu xây dựng, nhựa); Central Group của Thái Lan (bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, bất động sản) và Ayala của Philippines (cấp nước, viễn thông, bất động sản, ngân hàng).

5 holdings châu Á lớn đang hiện diện tại Việt Nam: Jardine Matheson, CJ, SCG, Central Group, Ayala.
5 holdings châu Á lớn đang hiện diện tại Việt Nam: Jardine Matheson, CJ, SCG, Central Group, Ayala.

Có sự khác biệt lớn nếu so sánh giữa các holdings Việt Nam với các đại diện của châu Á trên cùng sân chơi này. Trong khi holdings Việt Nam còn non trẻ, vừa hình thành không lâu sau chu kỳ kinh tế dậy sóng của ngân hàng, bất động sản một thập kỷ vừa qua thì holdings châu Á như Jardine Matheson, CJ, SCG, Central Group và Ayala đều có lịch sử lâu đời, tính truyền thống doanh nghiệp sâu sắc, mô hình kinh doanh rõ nét và giá trị vốn hóa thuộc hàng siêu khủng. Nếu cộng giá trị vốn hóa của nhiều holdings Việt Nam lại thì đôi khi chỉ mới bằng giá trị của một holdings châu Á, kiểu như đại gia tộc Ayala.

Myanmar trước đây là quốc gia dẫn đầu về môi trường đầu tư có khả năng thu hút trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cũng không kém cạnh khi xếp thứ 3 sau quốc gia này và Indonesia. Tiềm năng kinh tế vượt trội đã kích thích và làm gia tăng mạnh mẽ tham vọng thâm nhập của các tập đoàn kinh tế châu Á vào Việt Nam trong suốt 5 năm qua và càng trở nên mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tạo nên một làn sóng đầu tư hấp dẫn từ tiến trình cổ phần hóa các công ty nhà nước (222 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần trong năm 2015 và thêm 174 doanh nghiệp nữa trong 5 năm kế tiếp). Bên cạnh đó, có một lượng lớn doanh nghiệp tư nhân nội địa đang loay hoay tìm đường tăng trưởng, sẵn sàng chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một lợi ích khác mà các tập đoàn kinh doanh quốc tế thấy được là “giá chào bán” của các doanh nghiệp Việt Nam không quá đắt so với tiềm năng của doanh nghiệp bán. Theo quan sát cá nhân tôi, nếu một quỹ đầu tư nào đó đầu tư vào một công ty Việt Nam, sau khi thoái vốn bán cho một công ty nước ngoài thì giá trị thoái vốn chỉ khoảng gấp 5 đến 10 lần EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao), vẫn còn thấp hơn nhiều so với những công ty châu Á khác trong cùng ngành. Điều này cũng đồng nghĩa holdings nước ngoài có thể mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt từ các quỹ đầu tư với giá “rất phải chăng”.

5 holdings lớn của châu Á nhắm đến việc mua cổ phần chi phối nhiều doanh nghiệp xứ Việt, đã và đang làm thay đổi cục diện sở hữu ngành nghề nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Trước hết phải kể đến ông lớn Jardine Matheson. Tập đoàn này tiền thân là một công ty kinh doanh nha phiến ở Trung Quốc ra đời cách đây 180 năm, sau đó niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và chuyển đổi thành holdings, với chiến lược đi mua lại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở châu Á. Jardine Matheson tạo ra những doanh nghiệp nền tảng cho chính mình bằng cách sáng lập hoặc sở hữu các công ty với cổ phần chi phối. Đó là các công ty Jardine Pacific (xây dựng, vận tải, nhà hàng, công nghệ thông tin), Jardine Motors Group (xe hơi), JLT (bảo hiểm và tái bảo hiểm), Hongkong Land (bất động sản), Dairy Farm (bán lẻ), Mandarin Oriental (quản lý, đầu tư khách sạn), Jardine Cycle & Carriage (đầu tư vào các công ty xe hơi). Sau đó, Jardine Matheson cùng các công ty con đầu tư vào nhiều công ty nữa ở nhiều nước khác nhau. Doanh thu năm 2011 của cả Tập đoàn là 37 tỉ USD, tăng 26% so với năm 2010, với 4 tỉ USD lợi nhuận trước thuế, tăng 13%. Tại Việt Nam, Jardine Matheson cùng các công ty con đã vươn cánh tay của họ vào nhiều doanh nghiệp hơn 20 năm nay, chẳng hạn Ngân hàng ACB (sở hữu 7,3%), Ô tô Trường Hải (28%), liên doanh Hongkong Land - Đoàn Kết (71%), siêu thị Giant nằm trong Trung tâm thương mại Crescent Mall tại Phú Mỹ Hưng (49%), Pizza Hut Việt Nam (100%), KFC Việt Nam (25%)…

 

Bên cạnh Jardine Matheson là cái tên CJ khá đình đám. CJ của Hàn Quốc tuyên bố họ có kế hoạch đổ vốn mạnh mẽ vào Việt Nam trong năm 2016, với giá trị có thể ngang bằng tổng giá trị đầu tư 5 năm trước đó. Được biết, tổng giá trị đầu tư trong 5 năm, giai đoạn 2011-2015, của CJ vào khoảng 400 triệu USD. Cuộc chạy đua sở hữu cổ phần với holdings nội địa là Masan vào Công ty Vissan dù không thành công, vì Masan đã “bỏ giá” cao hơn CJ trong thương vụ cổ phần hóa Vissan, nhưng điều này cho thấy tham vọng lớn của tập đoàn Hàn Quốc trong lĩnh vực thực phẩm. Đây cũng là một kinh nghiệm xương máu để CJ gia tăng sức mạnh quyết liệt trong các thương vụ về sau. Trước đó, CJ từng mua lại công ty Việt Nam chuyên sản xuất kim chi (Công ty Kim & Kim) nên không có lý do gì để họ bỏ qua sân chơi rất hấp dẫn này. Tham vọng của CJ lớn hơn nhiều khi công ty này đang thành công trong lĩnh vực thức ăn gia súc. Vì thế, với việc sở hữu một công ty thực phẩm nào đó, CJ sẽ hiện thực hóa chiến lược cung cấp sản phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Trong những bước đi thầm lặng và tập trung ở chiến tuyến khác, SCG của Thái Lan đã dần dần hiện diện sở hữu của họ trong khoảng 20 công ty ngành nhựa và vật liệu xây dựng ở Việt Nam. Điều này tạo ra phỏng đoán rằng tập đoàn hơn 100 tuổi này đã mua cổ phần các công ty nhựa nội địa với một mức giá tốt, hiện thực hóa tham vọng “đế vương” ngành. Ngay cả các công ty hùng mạnh như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, có thể vì sức ép cạnh tranh, hay do kế hoạch huy động vốn quốc tế từ trước, cũng đã về tay SCG. Holdings của Thái Lan này mang dấu ấn tích cực khi tiếp tục tạo ra công ăn việc làm cho người lao động bản địa cũng như đóng thuế cho Chính phủ. Chỉ tính riêng kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong cũng đủ nức lòng nhà đầu tư. Với lợi nhuận trong năm 2015 tăng hơn 40% so với năm 2014 (khoảng 650 tỉ đồng), ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, chia sẻ: “Chúng tôi đã có một năm kinh doanh hết sức ấn tượng!”. Giới kinh doanh thì quan ngại cả ngành nhựa đang nhanh chóng về tay quốc tế, nhưng một số ý kiến trong ngành cho rằng ngành nhựa, cũng như một số ngành công nghiệp khác, chưa phải là thế mạnh vượt trội của quốc gia. Và để vươn xa, những cuộc mua bán, sáp nhập quốc tế là điều dễ xảy ra, đặc biệt khi Thái Lan có năng lực vượt trội trong lĩnh vực công nghiệp này.

Ở một mặt trận khác là Ayala của Philippines, đại gia tộc gần 200 năm hùng mạnh với tài sản xấp xỉ 9 tỉ USD từng có hàng loạt khoản đầu tư lớn vào các công ty cấp nước ở Việt Nam như B.O.O Nước Thủ Đức, Nước Kênh Đông, Nước Sài Gòn - Pleiku, Công ty Đầu tư Hạ tầng Vietnam - Philippines. Ayala với ngành nghề ban đầu là kinh doanh thức uống có cồn, sau đó chuyển dần sang mô hình đầu tư đa ngành vào bất động sản, ngân hàng, tài chính, viễn thông, điện tử, năng lượng, hạ tầng cung cấp điện, nước. Tập đoàn này sở hữu nhiều công ty con hoặc liên kết như Ayala Land, Globe Telecom, Manila Water, Ayala Automotive, AC Energy Holdings và dùng các công ty này để mở rộng đầu tư sang các nước. Sự trường tồn hàng trăm năm của đại gia tộc Ayala cho thấy tính hiệu quả điển hình của mô hình sở hữu tài sản. Với số vốn góp khổng lồ từ rất nhiều nhà đầu tư, thông qua phương thức mua bán, sáp nhập, các công ty sở hữu tài sản luôn sẵn sàng đầu tư vào nhiều công ty trên thị trường chứng khoán lẫn tư nhân, biến chúng thành các “vệ tinh”, làm tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn. Ayala đang chiếm gần một nửa giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Philippines và mô hình holdings cũng giúp các công ty nội địa như Ayala đủ tiềm lực để vươn ra thế giới. Vào những tháng cuối năm 2015, Ayala phát đi thông điệp rằng họ đã đầu tư hơn 4 triệu USD vào công ty con Manila Water tại Singapore và Công ty sẽ dùng nguồn tiền này tiếp tục đầu tư vào các dự án ở Việt Nam. Ayala cũng được xem là “holdings của holdings” khi trở thành cổ đông lớn trong một holdings Việt Nam là CII Holdings - tập đoàn kinh tế Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, sản xuất nước sạch và bất động sản. 

Không thua kém gì các holdings châu Á còn lại, Central Group, tập đoàn hàng đầu ngành bán lẻ của Thái Lan, có một câu chuyện dài hơi. Tháng 3.2016, Central Group nỗ lực vươn đến vị trí dẫn đầu ngành bán lẻ khi quyết liệt đấu thầu cùng một “đồng hương” khác là TCC Holdings và người hùng xứ hoa anh đào Aeon để giành sở hữu vào Big C – một hệ thống bán lẻ quốc tế tại Việt Nam, đứng thứ 2 sau thương hiệu nội địa Co.opmart. Dù kết quả thương vụ có ra sao thì vẫn cho thấy Central Group rất hăng say trong mặt trận này, với một thị trường phân phối đang nóng lên qua sự mở rộng mạnh mẽ các chuỗi bán lẻ nội địa như Co.opmart, VinMart và hàng loạt chuỗi quốc tế hùng mạnh như Aeon Mall, Emart và TCC Holdings. Thực chất, ngay khi vào Việt Nam, Central Group đã mua cổ phần phần lớn hệ thống bán lẻ điện máy hàng đầu miền Nam là Nguyễn Kim và đặt vấn đề mua bán với tỉ lệ 49% vào Pico (chuỗi bán lẻ điện máy dẫn đầu miền Bắc) nhưng thương vụ với Pico không thành công. Nếu thương vụ với Pico thành công thì lúc này Central Group đã dẫn đầu ngành bán lẻ điện máy.

Nếu thương vụ với Pico thành công thì lúc này Central Group đã dẫn đầu ngành bán lẻ điện máy.
Nếu thương vụ với Pico thành công thì lúc này Central Group đã dẫn đầu ngành bán lẻ điện máy.

Nhìn chung toàn trận địa, Jardine Matheson tổng tiến công vào các ngành công nghiệp, tài chính, bán lẻ; CJ Hàn Quốc quyết liệt giành chiến thắng trong ngành nông nghiệp và thực phẩm; SCG Thái Lan thừa thắng xông lên giữ tiếp ngọn cờ đầu trong ngành nhựa và vật liệu xây dựng; Ayala Philippines kích hoạt mạnh mẽ ngành nước và hạ tầng cơ sở; Central Group Thái Lan đang hiện thực hóa giấc mơ “cầm cương” ngành bán lẻ. Đây cũng được xem là những lĩnh vực hấp dẫn nhất trong chu kỳ kinh tế của Việt Nam suốt 2 thập kỷ vừa qua. 

Câu hỏi đặt ra lúc này là sau khi thực hiện những thương vụ M&A với các công ty Việt Nam, các holdings châu Á sẽ làm gì? Câu trả lời đơn giản rằng họ sẽ nỗ lực theo đuổi mục tiêu cơ bản của chính doanh nghiệp nhận đầu tư và bước đầu tạo nên những giá trị gia tăng về mặt kinh doanh cũng như năng lực quản trị, điều hành.

Chẳng hạn, SCG sau gần 5 năm chinh phục ngành nhựa thì những công ty như Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong trong holdings này có nhiều cải thiện về mặt kinh doanh. Ngay cả với thương vụ của SCG với Nhựa Tín Thành hồi năm 2015, người chủ của Tín Thành cũng rất lạc quan vì sự trợ lực của SCG trong triển khai các địa hạt kinh doanh mới và đặc biệt là hướng đến thị trường Thái Lan tương lai. 

Ở Central Group, họ đang cùng ban lãnh đạo Nguyễn Kim hoàn thành tham vọng 50 siêu thị trong năm 2019, so với khoảng 20 siêu thị thời điểm họ đầu tư vào. Dĩ nhiên, holdings này cũng đang đẩy mạnh chuỗi bán lẻ điện máy và trung tâm với thương hiệu của họ là Robins tại Hà Nội và TP.HCM. 

Ở Ayala, sau khi trở thành đối tác chiến lược của Công ty CII, lãnh đạo CII cho biết, Ayala đã có những hoạt động tư vấn đáng kể trong chiến lược phát triển các dự án cấp nước của công ty này. Một số công ty khác Ayala đầu tư vào do chưa niêm yết nên các con số tài chính không được công bố.

Còn CJ có thể sẽ tiếp tục quay lại nước cờ mua bán sau thương vụ với Vissan. Động thái này có lẽ cần thêm thời gian, sau khi Vissan nới thêm room cho nhà đầu tư trong tương lai. Tuy nhiên, trong thương vụ mua lại Công ty Kim & Kim của Việt Nam hồi tháng 1.2016, CJ cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì thương hiệu kim chi Ông Kim’s và mang những công nghệ mới nhất để giúp sản phẩm này cải tiến tốt hơn.