Thứ Năm | 23/06/2022 17:37

Con ếch & con khỉ

Cơn sốt vàng, rồi sẽ còn những cơn sốt tài chính khác, có khác chi câu chuyện bất động sản của những năm 2007-2008.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2010.)

Hãy thử làm lại một thí nghiệm mà các nhà khoa học gọi là hiện tượng “con ếch bị luộc” (Boiled Frog). Nếu cho một con ếch, loại động vật máu lạnh, vào nồi nước thật sôi, chắc chắn nó sẽ “đại náo” cái nồi, tìm mọi cách nhảy ra. Nhưng nếu chúng ta bỏ chúng vào nồi nước chỉ hơi ấm, con ếch sẽ rất “sảng khoái”, giống như cảm giác khi chúng ta ngâm mình xuống hồ nước ấm trong spa vậy. Sau đó, chúng ta tăng dần nhiệt độ để nồi nước ấm nóng dần lên. Chúng ta sẽ không thể chịu nổi độ nóng dần lên quá cao nhưng con ếch thì không. Nó vẫn “mê ly” trong nồi nước tăng dần nhiệt độ cho đến lúc bị luộc chín mà không hề biết. Nhiều nhà khoa học còn gọi hiện tượng này một cách châm chọc là “thú đau thương của ếch”.

Ảnh minh họa: Steven Diaz.
Ảnh minh họa: Steven Diaz.

Những ngày cuối tháng 11.2009, tôi có dịp gặp lại một người bạn từng là “đại gia” trong ngành bất động sản. Đáng lẽ tôi không muốn nhắc lại câu chuyện kinh doanh đau buồn của chị trong năm 2008, thời điểm mà tài sản của rất nhiều ông lớn địa ốc, nào là nhà cửa, xe hơi, đất đai “bốc hơi” bởi khủng hoảng kinh tế, nhưng trong lần hội ngộ này, chúng tôi tự rút ra nhiều bài học kinh doanh sâu sắc, tương tự như câu chuyện của chú ếch kia.

Người bạn tôi phất lên từ cơn sốt đất năm 2007, được 1 mua 2, được 2 mua 10, vậy là giàu, là sau một đêm trở thành tỉ phú. Thấy khu đất nào hơi có giá là chị không bỏ qua, bất chấp phải vay ngân hàng, vay nóng chợ đen và bất chấp những cảnh báo đầu tiên từ cơn khủng hoảng nhà đất Mỹ. Và rồi khi thị trường bất động sản rơi không phanh trong thời gian rất nhanh, bạn tôi có khác chi con ếch bị “luộc chín”. Con ếch bị luộc chín trong lúc đang “phê”! 

Dù đã từng viết nhiều bài phân tích dự báo đầu tư vàng sẽ nóng lên trong năm 2009 từ đầu năm này nhưng thực tình tôi vẫn không thể hình dung sẽ có một cơn sốt vàng khủng khiếp vào cuối năm. Tháng 10.2009, nghe ông Đỗ Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, nhận định, thị trường trong thế mua vào quá nhiều (Over-Bought), không sớm thì muộn sẽ xảy ra các hành động cắt lỗ hoặc chốt lời. Vậy mà đi đến đâu, tôi cũng nghe giới kinh doanh nhỏ lớn, ngay cả những bạn bè của tôi vốn rất ít kinh nghiệm về đầu tư cũng bàn đến chuyện mua vàng (dù giá đã đến đỉnh điểm). Và họ mua thật!

Cơn sốt vàng, rồi sẽ còn những cơn sốt tài chính khác, có khác chi câu chuyện bất động sản của những năm 2007-2008. Nhiều nhà đầu tư từng “nướng” tiền vào cơn sốt đất để rồi bị chính thị trường “luộc” hồi nào chẳng hay! 

Có một hiện tượng khác cũng rất thú vị. Đó là “thói quen đồng hóa của khỉ” (The Cultural Habit Of Monkeys) được nghiên cứu bởi Giáo sư F. Vermeulen, Trường London Business School. Câu chuyện con khỉ được mô tả qua một thí nghiệm với những công cụ đơn giản, gồm một phòng khóa kín được gắn thiết bị phà hơi nước lạnh, một chiếc bánh, một quả chuối, một cái thang và 5 con khỉ ở bên trong. Trong đó, cái bánh được để sẵn rất dễ lấy, còn quả chuối lại bị treo trên nóc phòng, ở dưới gắn một cái thang để leo lên. 

Chúng ta đều biết, chuối là món khoái khẩu của khỉ, và như vậy, chiếc bánh chỉ là sự chọn lựa thứ yếu. Thế là, con khỉ đầu tiên trong bầy bắt đầu leo lên thang hái chuối. Nhưng trớ trêu thay, quả chuối được kết nối với thiết bị phà hơi nước lạnh nên chỉ cần động vào chuối, cả phòng sẽ bị ngập tràn trong nước lạnh. Con khỉ đầu tiên sợ hãi, thụt xuống thang, không hái được chuối. Và mấy con khỉ tiếp theo cũng làm như thế. Không một con nào hái được chuối và chúng nhận ra quy luật của căn phòng đó “hái chuối sẽ bị lạnh cóng”.

Nhà khoa học tiếp tục đưa một con khỉ mới vào phòng. Rất tự nhiên, thành viên mới cũng leo thang hái chuối. Và thế là, căn phòng lạnh cóng, bọn khỉ cũ xúm lại đập con khỉ mới một trận “nên thân”. Từ đó, con khỉ mới không dám mon men đến gần quả chuối. Nhà khoa học tiếp tục thêm mới hoặc thay dần các con khỉ cũ bằng khỉ mới thì hiện tượng cũng tương tự. Những con khỉ từng kinh qua chuyện “bị đập” vì leo thang hái chuối sẽ đập những con khỉ mới vào có hành động tương tự. Thế là, như một quy luật, không con khỉ nào được lấy chuối mà chỉ ăn bánh.

Hành động “đồng hóa” của khỉ khiến tôi nghĩ về viễn cảnh những cuộc đầu tư đầy rủi ro trong xã hội. Chuyên gia tài chính ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia vẫn thường cảnh báo các hiện tượng đầu tư bầy đàn. Nhưng có nhiều người bất chấp, họ “đồng hóa” lẫn nhau, và cùng chung một ý niệm “không lao vào cuộc đầu tư thì không thể làm giàu” (cũng giống như “hái chuối sẽ bị lạnh cóng nhưng vẫn hái”).

Một anh bạn cố thuyết phục tôi “chơi vàng” lúc vàng đang “dầu sôi lửa bỏng” bằng cách mời tôi đến cửa hàng giao dịch vàng của anh. Tôi quyết định làm một khảo sát bỏ túi trong 2 ngày. Cửa hàng khá đông khách và mỗi người khách được tôi đặt một câu hỏi về lý do đầu tư vàng. Khoảng 150 người đến cửa hàng này được hỏi đã cho những kết quả thú vị. Gần 80% cho biết họ mua vàng vì thấy nhiều người mua và nghĩ rằng chắc chắn giá sẽ lên, 20% còn lại muốn đầu tư ăn may. Trong đó, 60% cho rằng, người có tiền mà không mua vàng thời điểm “nóng” là dại, 20% không trả lời trực tiếp nhưng đưa ra những phân tích của riêng họ về tình hình các kênh đầu tư và cho rằng, vàng là số 1, còn lại khoảng 20% không có ý kiến. Và như thế, nếu bạn đang muốn gia nhập cộng đồng đầu tư vàng (được khoanh vùng trong 150 người tôi khảo sát) mà vẫn còn đang cân nhắc có nên hay không thì có đến gần 80% người trong hội này xem bạn là “người tối cổ”.

Còn tôi, dù có muốn trở thành chú khỉ trong bầy đàn đồng hóa nhưng lại lo chuyện mình có thể bị biến thành ếch luộc chín thì nguy. Con ếch và con khỉ dường như có một mối quan hệ “họ hàng” nào đó!