Ông Trần Đức Anh, Giám đốc phân tích vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Ảnh chụp màn hình.

 
Ông Trần Đức Anh, Công ty Chứng khoán KBSV Thứ Ba | 07/02/2023 08:56

2 yếu tố hỗ trợ xu hướng của thị trường năm 2023

Trải qua năm 2022 đầy biến động với sự sụt giảm trên 30% của VN-Index, đâu sẽ là những yếu tố nâng đỡ thị trường trong năm 2023?

Chia sẻ trong Chương trình Nắm Bắt Cơ Hội được thực hiện bởi Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có những chia sẻ về 2 yếu tố nổi trội có tính chất hỗ trợ xu hướng chung của thị trường trong năm 2023. 

Yếu tố thứ nhất là liên quan đến quá trình tái mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc và Việt Nam có mối giao thương thương mại rất là lớn, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta. Bên cạnh đó thì khách du lịch Trung Quốc cũng chiếm tỉ trọng cao. Chính vì chính sách zero COVID đã cản trở hoạt động thương mại cũng như những hoạt động du lịch của người dân Trung Quốc, cho nên lĩnh vực du lịch của chúng ta đã khôi phục tương đối là chậm.

 

Vì vậy khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn ở giai đoạn đầu quý II/2023 thì khi đấy thì đây sẽ là một động lực hỗ trợ tốt cho kinh tế của chúng ta, trong bối cảnh một số động lực tăng trưởng khác của kinh tế Việt Nam có dấu hiệu suy yếu trong năm 2023, đặc biệt là liên quan đến hoạt động xuất khẩu sang những quốc gia khu vực như là Mỹ và EU khi mà ở hai khu vực này có sức cầu tiêu thụ của người dân đang có dấu hiệu suy yếu trước rủi ro suy thoái kinh tế, cũng như là áp lực lạm phát đang tăng rất là cao.

“ Đối với yếu tố này thì tôi kỳ vọng một số những ngành được hưởng lợi, ví dụ như là ngành hàng không, du lịch là những ngành hưởng lợi từ phía du khách Trung Quốc. Ngành thủy sản, dệt may khi mà những hoạt động thương mại giữa hai nước được nối lại và ngoài ra ngành nguyên vật liệu, sắt, thép, dầu khí cũng có thể được hưởng lợi nếu mà giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu có thể hồi phục tốt khi mà nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc được khôi phục trở lại đi cùng với việc Trung Quốc khôi phục lại các hoạt động sản xuất”, ông Đức Anh nói. 

Tương quan giữa tốc độ tăng trưởng M2, lãi suất chính sách và PE của VNIndex (%)
Tương quan giữa tốc độ tăng trưởng M2, lãi suất chính sách và P/E của VN-Index (%)

Tuy nhiên, áp lực lạm phát cũng là một yếu tố rủi ro tiềm ẩn có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên ông Đức Anh cũng kỳ vọng mặc dù xu hướng hóa nguyên vật liệu có thể sẽ tăng nhưng nó sẽ được bù đắp bởi yếu tố chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ được nối lại, tức là yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ dần được khắc phục khi mà Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, bởi vì Trung Quốc dù sao vẫn là công xưởng hàng hóa giá rẻ của toàn cầu. Vì vậy, tổng kết lại trong năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa trở lại được đánh giá sẽ là một yếu tố mà tác động về tổng thể, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán cũng như là kinh tế Việt Nam.

Yếu tố thứ hai có liên quan đến cung tiền M2. Dữ liệu từ KBSV, có sự tương quan cao giữa tăng trưởng cung tiền M2 và định giá P/E của VN-Index. Trên thực tế, việc M2 tăng ở mức thấp kỷ lục trong năm 2022, khiến điều kiện thanh khoản thị trường, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế căng thẳng, đẩy mặt bằng lãi suất lên nền cao là 1 trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index diễn biến tiêu cực. Kỳ vọng tăng trưởng cung tiền trong năm 2023 sẽ hồi phục lại dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022, trong khi 1 số điều kiện khách quan thuận lợi như Ngân hàng Nhà nước có khả năng mua vào USD hay đầu tư công được thúc đẩy.