Y tế: Chi cao, hưởng “bèo”
Bước qua cánh cửa kính trong suốt là một không gian ngập tràn ánh sáng và khoáng đãng thứ ánh sáng trắng dìu dịu được tỏa ra từ những ô đèn trên trần. Phía xa, từng nhóm bệnh nhân được tiếp đón niềm nở tại quầy đăng ký và trích xuất các thông tin cơ yếu như số an sinh xã hội, mã số bảo hiểm y tế và bệnh án lưu trữ trên hệ thống quốc gia… Trong thời gian chờ đợi, bệnh nhân và người nhà sẽ được phục vụ trà hoặc cà phê. Sau đó, y tá sẽ hướng dẫn bệnh nhân về các phòng y khoa chuyên môn phía sau... Đó là cảnh thường thấy tại Bệnh viện Bangkok Hospital, thuộc Top 10 bệnh viện tốt nhất Thái Lan.
Việt Nam đuổi kịp thái Lan?
Theo báo cáo “Tầm nhìn tổng quan lưu vực Mekong” của ANZ, công bố quý II/2018, Thái Lan là quốc gia có tỉ lệ tự chi trả cho dịch vụ y tế thấp nhất lưu vực Mekong, với chỉ số ở mức 11,8%. Chỉ số này thậm chí còn cao hơn nhiều quốc gia mới nổi khác tại châu Á.
Cụ thể hơn, hệ thống y tế công của Thái Lan đã gánh vác gần 80% tổng chi tiêu dịch vụ y tế của nước này. Phần còn lại đến từ phân khúc tư nhân bao gồm chi phí bệnh nhân tự chi trả, bảo hiểm, doanh nghiệp ngành y tế và viện trợ nhân đạo.
Được ban hành từ tháng 4.2001, Khung hỗ trợ y tế toàn diện Universal Coverage Scheme (UCS) đã thực sự trở thành phao cứu sinh cho người nghèo Thái Lan khi tất cả các loại bệnh đều được hỗ trợ điều trị mà chi phí người dân phải bỏ ra là không đáng kể. Năm 2001, Chính phủ Thái đưa ra khẩu hiệu cho chương trình là “30 baht cho tất cả loại bệnh”, tức đồng nghĩa với 21.150 đồng để chữa trị tất cả các loại bệnh.
Theo thống kê của Văn phòng Lao động Quốc tế, UCS đã bảo đảm an ninh y tế cho gần 47 triệu người dân Thái Lan, tương đương 76% dân số quốc gia này. Tôn chỉ của chương trình này là “bình đẳng cho phép tất cả công dân Thái Lan tiếp cận sự chăm sóc y tế có chất lượng, bất kể tình trạng kinh tế xã hội của họ”.
Theo báo cáo của ANZ, tỉ lệ tài chính công hỗ trợ lĩnh vực y tế dân sinh của các quốc gia lưu vực Mekong được ước lượng gồm: Campuchia (30%), Việt Nam (49%), Myanmar (26%), Thái Lan (80%) và Lào (34%). Tổng hợp tất cả yếu tố vĩ mô như tính bao quát của dịch vụ y tế và hỗ trợ tài chính tối thiểu trong chữa trị, World Bank đã xây dựng nên chỉ số y tế toàn diện (Universial Health Care Index) cho các nền kinh tế. Trong đó, số điểm của Thái Lan là 75 và Việt Nam là 73, trên thang điểm 100. Với điểm số sát sao như vậy, câu hỏi đặt ra là y tế Việt Nam đuổi kịp Thái Lan?
Giá thuốc cản đường
Có thể đúng khi nhìn nhận người dân Việt Nam có khả năng tiếp cận với nền y tế chất lượng. Nhận định ấy chỉ đúng với 2 yếu tố căn bản. Thứ nhất, để thụ hưởng nền y tế chất lượng thì tỉ lệ tự chi trả của người Việt không hề thấp. Họ có thể sử dụng khu dịch vụ của bệnh viện công hoặc sử dụng các bệnh viện tư quốc tế bên ngoài.
Kế tiếp, để có thể tự chi trả với tỉ lệ cao thì người thụ hưởng phải là đối tượng có thu nhập cao hoặc trên trung bình. Nếu không thuộc diện có thu nhập cao hoặc trên trung bình thì người bệnh phải chấp nhận đánh đổi các nhu cầu chi tiêu thiết yếu khác để chi trả cho y tế.
Nhận định trên được củng cố qua các số liệu chi tiêu công và tỉ lệ tư nhân hóa của nền y tế Việt Nam. Theo báo cáo “Tổng quan khu vực Mekong” của ANZ, tỉ lệ chi tiêu cho y tế trên GDP của Việt Nam giảm từ 6,5% năm 2012 xuống còn 5,7% năm 2015. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc cắt giảm trợ cấp và hoạt động trợ giá y tế từ mảng chi tiêu công. Chính sách xã hội hóa nguồn thu đã cho phép bệnh viện đưa ra các danh mục viện phí mà bệnh nhân phải chi trả.
Từ năm 2012, tỉ lệ chi tiêu cho y tế từ mảng tài chính tư đã tăng lên 47% năm 2015 từ mức 40% năm 2012. Xét trên bình diện khu vực, Campuchia và Việt Nam là 2 quốc gia duy nhất có xu hướng tỉ lệ tự chi trả cho dịch vụ y tế tăng. Các quốc gia như Thái Lan, Lào và Myanmar đều thể hiện xu hướng điều tiết thu chi sao cho tỉ lệ tự chi tiêu của bệnh nhân giảm với những tỉ lệ ít nhiều khác nhau.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, một quốc gia muốn đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thì một trong những điều kiện về tài chính y tế là tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình phải dưới 30%.
Tại Campuchia, tỉ lệ đầu tư y tế trên GDP là 6% năm 2015 so với mức cao 7,8% năm 2004. Tình trạng cắt giảm đầu tư công liên tục đã khiến Campuchia là quốc gia có tỉ lệ giường bệnh thấp thứ nhì khu vực, sau Myanmar. Tỉ lệ giường bệnh của quốc gia này là 0,7 trên 1.000 bệnh nhân. Theo trang web tập hợp các nguồn thống kê về y tế IndexMundi, tỉ lệ giường bệnh trên 10.000 dân số năm 2013 của Thái Lan và Việt Nam lần lượt là 21 và 20.
Tại sao lại cắt giảm chi tiêu công khi bệnh viện đang quá tải? Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong 10 năm qua, nhiều bệnh viện công Việt Nam đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90-110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường. Tình trạng quá tải thường xảy ra tại các bệnh viện tuyến trọng điểm - Trung ương. Lấy ví dụ như trong quý I/2017, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 28.000 lượt cấp cứu, trong đó công suất tối đa mổ cấp cứu là 150 ca/ngày. Dù đã hoạt động hết công suất, vẫn còn khoảng 30 ca không thể lên được phòng mổ vì quá tải.
“Mặc dù là mổ cấp cứu nhưng có những trường hợp bệnh nhân phải nằm chờ đến 12 tiếng đồng hồ vẫn chưa được mổ, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân”, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ tại hội nghị giao ban do Sở Y tế tổ chức hồi tháng 4.2017.
Bệnh viện Từ Dũ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Là bệnh viện sản lớn nhất miền Nam, mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt thăm khám, 150 -170 trẻ chào đời. Vậy mà nhiều năm qua, bệnh viện luôn phải quá tải với số giường bệnh lên đến 1.800 giường, tăng gấp rưỡi chỉ tiêu quy định.
Đó là những trăn trở của ngành y tế khi Việt Nam có tỉ lệ chi tiêu y tế so với GDP cao hơn nhiều nước trong khu vực, nhưng kết quả lại chưa được tối ưu.
Giải thích cho nghịch lý trên, World Bank đưa ra các nguyên nhân. Thứ nhất, các cơ chế chi trả cho cơ sở dịch vụ tại Việt Nam chưa tạo được động lực phù hợp. Thứ hai là sự phụ thuộc quá nhiều vào các dịch vụ tập trung ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh thay vì chăm sóc y tế ở tuyến cơ sở. Thứ ba là mức chi tiêu quá cao cho dược phẩm.
Theo đó, World Bank nhấn mạnh vào việc giảm chi phí thuốc với người dân bằng cách hình thành và triển khai một cách thận trọng cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá dược phẩm. Thực tế cho thấy, thị trường phân phối ở Việt Nam còn quá phức tạp, nhiều tầng nấc trung gian nên đẩy giá thuốc lên cao và người tiêu dùng Việt Nam phải gánh chịu. Mặc dù hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định thuốc vào theo giá trúng thầu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý dược, khi bán ra chỉ được lãi tối đa 2-15%.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp giải quyết phần ngọn khi mà tất cả các công cụ quản lý hiện nay từ thuế quan nhập khẩu đến chuyển tiền ngân hàng và kiều hối vẫn đang còn kiểm soát kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc kiểm soát giá vẫn chưa chặt chẽ, luật pháp vẫn chưa nghiêm khi thuốc kê khai giá vào Việt Nam cao hơn so với giá nhập vào các thị trường khác..