Người mua sắm ở Mỹ, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi, ngày càng quan tâm đến quần áo cũ. Ảnh: Logan Jackson.
Xu hướng bán hàng thời trang đã qua sử dụng có thật sự sinh lợi?
Những tủ quần áo quá tải của nước Mỹ đang kêu cứu. Kệ đồ đầy ấp mặc thanh gỗ chống đỡ đã cong queo. Tình hình nhồi nhét dưới gầm giường cũng không khá hơn. Người Mỹ có thể không giàu về mọi mặt nhưng chắc chắn rất dư dả quần áo không còn vừa vặn, những đôi giày kém thoải mái bị "bỏ xó" và các món đồ thời trang khác mà họ không cần nữa.
Câu hỏi thường hay để ngỏ là làm thế nào để giải quyết tình trạng này mà không vứt thẳng chúng vào thùng rác.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, có một điểm sáng lớn trong mô hình tiêu thụ hàng may mặc: Người mua sắm ở Mỹ, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi, ngày càng quan tâm đến quần áo cũ. Năm ngoái, thị trường quần áo đã qua sử dụng tại Mỹ tăng trưởng nhanh gấp 7 lần so với quần áo mới và một phân tích năm 2023 của GlobalData và nền tảng bán đồ cũ ThredUp dự đoán thị trường này sẽ tăng trưởng 11% mỗi năm cho đến năm 2028. Thị trường bán bán lại có thể chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số bán hàng may mặc tại Mỹ, nhưng với giá trị 43 tỉ USD thì giờ đây con số này đã quá lớn để có thể bỏ qua.
Cơ hội kinh doanh dễ dàng nhìn thấy, và các công ty khởi nghiệp đã cố gắng kiếm tiền từ nó trong hơn một thập kỷ, bao gồm RealReal và Vestiaire Collective dành cho những người mua sắm hàng xa xỉ; Poshmark và ThredUp dành cho những người tìm kiếm các giao dịch đại trà; StockX và Grailed dành cho những tín đồ thời trang; Depop dành cho những cô nàng cổ điển sành điệu.
Ở một mức độ nào đó, tất cả các nền tảng này đều đã thành công trong việc mở rộng thị trường bán lại. Sự quan tâm của người tiêu dùng đối với quần áo cũ đã tăng lên rất nhiều đến nỗi ngay cả các thương hiệu truyền thống cũng đang tham gia vào việc bán lại Eileen Fisher, Levi's, Lululemon, Madewell và Patagonia nằm trong số những thương hiệu đã bắt đầu bán trực tuyến các sản phẩm đã qua sử dụng. Walmart gần đây đã thông báo rằng, họ sẽ niêm yết hàng hóa từ StockX LLC trên trang web của mình.
Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp này đều không thành công trong việc tạo ra lợi nhuận ổn định, thậm chí là không một đồng nào, ngay cả sau một thập kỷ kinh doanh, hoặc hơn. RealReal, ThredUp và Poshmark đều đã niêm yết và đã mất phần lớn giá trị cổ phiếu ban đầu. Poshmar đã được các nhà đầu tư chuyển thành công ty tư nhân vào năm 2023, chưa đầy hai năm sau khi ra mắt thị trường.
StockX, từng có tin đồn là đang để mắt đến đợt IPO, đã có một số đợt sa thải trong những năm gần đây. Etsy, công ty đã mua Depop vào năm 2021 với giá 1,6 tỉ USD, cho biết doanh số của nền tảng vẫn đang tăng, mặc dù Giám đốc điều hành Depop, bà Kruti Patel Goyal, ngụ ý vào đầu năm nay rằng công ty vẫn chưa có lãi.
Nhu cầu mua quần áo cũ của người Mỹ ngày càng tăng. Ảnh: Bloomberg. |
Mỗi thị trường bán lại hoạt động hơi khác nhau một chút, nhưng nhìn chung, có hai mô hình kinh doanh: các công ty lưu kho và các công ty cho phép người bán giữ hàng cho đến khi bán được. Về mặt lý thuyết, việc giữ hàng tồn kho, như RealReal và ThredUp đã làm, sẽ tốt hơn cho cả người mua và người bán. Vì hình ảnh sản phẩm sẽ giống thực tế vận chuyển nhanh chóng hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Để đổi lấy sự tiện lợi, người bán thu lợi ít hơn trong mỗi giao dịch. Các nền tảng bỏ túi một phần lớn hơn để bù đắp cho chi phí mua các mặt hàng và vận chuyển chúng đến kho để kiểm tra, phân loại, làm sạch, chụp ảnh và niêm yết, đôi khi là để bù cho chi phí xử lý các đơn hàng bị hoàn trả.
Ông Isaac Krakovsky, người đứng đầu bộ phận bán lẻ của EY tại châu Mỹ, cho biết mô hình này cũng có những rủi ro khác. Thường thì các nền tảng này sẽ nhận được những thứ không thể bán được. Họ đã phải chịu chi phí để sở hữu và đánh giá tất cả quần áo, vì vậy họ phải tìm cách để giải quyết, thường là bán số lượng lớn cho những bên trung gian mang ra nước ngoài để bán lại hoặc thậm chí là vứt đi.
Ông Aaron Cheris, đối tác về chiến lược khách hàng và hoạt động tiếp thị tại Bain & Co cho biết, do đó, tránh hàng tồn kho thường là lựa chọn tốt hơn, xét về góc độ chi phí. Khi đó, người bán thực hiện mọi công đoạn từ chụp ảnh, đóng gói và vận chuyển. Về cơ bản, đây là mô hình của eBay, công ty đã chứng minh rằng có thể tạo ra một doanh nghiệp ổn định - giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 50% cho đến nay vào năm 2024 và có lãi lên tới hàng tỉ USD mỗi năm. Nhưng eBay cũng được hưởng lợi từ việc bán đa dạng các loại sản phẩm, tức có nhiều mặt hàng có biên lợi nhuận tốt hơn so với quần áo đã qua sử dụng.
Và mặc dù người Mỹ có rất nhiều quần áo dư thừa chất đầy tại nhà, ông Krakovsky cho biết, các nền tảng phải liên tục thuyết phục người bán đăng tải và bán các mặt hàng đã qua sử dụng của họ. Khó khăn còn đến từ thời trang nhanh. Các nhà bán lẻ chuyên sản xuất hàng cấp thấp nhưng kiểu dáng theo xu hướng tiếp tục lôi kéo người tiêu dùng Mỹ, và khi giá giảm, biên lợi nhuận của doanh nghiệp quần áo đã qua sử dụng trở nên khó bảo toàn hơn. Theo thời gian, nhiều món hàng được đăng bán trên các nền tảng bán lại này sẽ trở thành thời trang nhanh, mà không ai nghĩ là có giá trị gì cả.
Có thể bạn quan tâm:
Trường mẫu giáo hóa thành viện dưỡng lão tại Trung Quốc
Nguồn Bloomberg