Xe hơi Việt: Bao giờ cho đến ngày xưa?
Chuyện nửa thế kỷ
Vốn xuất phát từ cơ sở của Hãng xe hơi Citroen đặt tại Đông Dương hồi thập niên 1930, xưởng sản xuất Citroen lần lượt chuyển sang nhiều tên rồi “chốt hạ” bằng tên Công ty Xe hơi Sài Gòn. Suốt quá trình tồn tại khoảng 40 năm, hãng xe trên chế tạo không ít dòng xe để cung cấp cho thị trường Việt Nam. Trong số đó, không chỉ có những dòng xe mang thương hiệu Pháp mà còn có cả mẫu xe mang tên đậm chất Việt: La Dalat.
Được sản xuất tại Việt Nam lại mang tên Việt Nam, nên La Dalat nhiều năm qua được xem như là mẫu xe nội địa đầu tiên của Việt Nam. Với trang bị động cơ 4 thì, khoảng 600 phân khối và công suất 32 mã lực, La Dalat chẳng phải một cỗ máy siêu xe đình đám nhưng vẫn đủ để người Việt Nam di chuyển trong bối cảnh lúc bấy giờ. Thêm vào đó, xe còn có thiết kế chân phương, giản dị, nên mẫu xe này nhanh chóng phổ biến tại Việt Nam, thậm chí còn được xuất khẩu đi một số nước. Chính vì thế, La Dalat trở thành niềm tự hào của ngành xe hơi Việt Nam suốt nhiều năm.
Sau gần nửa thế kỷ, nhiều doanh nghiệp Việt cũng nuôi tham vọng hình thành nên một thương hiệu xe hơi Việt, bằng nhiều định hướng khác nhau: hợp tác lắp ráp sản xuất, phát triển cơ sở sản xuất với thiết kế riêng… Thế nhưng, bởi những hạn chế về nền công nghiệp phụ trợ cùng một số nguyên nhân khách quan khác, giấc mộng xe hơi Việt giống La Dalat ngày xưa trở nên càng khó khăn. Vinaxuki dù có rất nhiều tâm huyết nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Mở lối đi riêng
Tuy nhiên, thực tế trên không đồng nghĩa với việc cánh cửa đã khép lại với tham vọng đưa xe hơi Việt ra thế giới. Gần đây, khi trả lời báo chí, TS Huỳnh Thế Du, thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định: “Hiện nay đang trong giai đoạn xu hướng chuỗi phát triển toàn cầu. Không cần thiết phải có ý tưởng làm chiếc máy bay hay ô tô từ đầu đến cuối. Chúng ta phải xem đoạn nào mình có lợi thế nhất, có khả năng nhất để phát triển đúng đoạn đó. Việc thay đổi, nâng cấp xe để bán vào thị trường ngách là điều nên làm. Đó là hướng tiếp cận hoàn toàn chính xác”.
Nhận xét đó hoàn toàn chính xác, bởi thực tế, đã có doanh nghiệp chọn được lối đi riêng để đưa xe hơi thương hiệu Việt ra thế giới. Gần đây, dòng xe DCar do Hãng ô tô DCar phát triển từ dòng xe Ford Transit đang từng bước chinh phục thị trường thế giới khi xuất khẩu thành công sang thị trường Philippines và sắp tới là một số nước khác. Bằng cách nâng cấp tạo ra thương hiệu riêng. DCar đã tạo ra một giá trị hoàn toàn mới khi tiến hành nâng cấp nội thất và tiện nghi, giảm số chỗ ngồi từ 16 chỗ xuống còn 10 chỗ. Trong đó, khoang hành khách còn 7 chỗ với mỗi ghế ngồi đều rộng rãi có độ ngả lưng lớn, thoải mái cho cả những người có vóc dáng to lớn, phù hợp để phát triển lữ hành, du lịch cao cấp hay đưa đón đối tác… Xe còn có những tiện nghi như wifi, hệ thống giải trí, màn hình… Tất cả các phần cải tiến đều đáp ứng tiêu chuẩn đăng kiểm, nên mẫu xe này ngày càng phổ biến tại Việt Nam, mở ra một bước ngoặt mới trong ngành vận tải và tạo ra giá trị Việt trong chuỗi cung ứng xe hơi toàn cầu.
Hơn thế nữa, đây cũng chính là bài học về mở lối đi riêng các doanh nghiệp Việt có tâm huyết với ngành công nghiệp xe hơi.
Mạnh Tần