Thứ Tư | 06/05/2015 14:30

Xe hơi không người lái: Công nghệ trong tầm tay

Thị trường công nghệ xe hơi không người lái sẽ tăng trưởng tới con số 42 tỉ USD vào năm 2025.

Một bà mẹ đang đẩy xe đẩy em bé băng qua một đường phố đông người. Vì lách qua giữa 2 chiếc ôtô đang đậu và một phần bị che khuất bởi một chiếc xe buýt đậu gần đó, nên người mẹ đã không thấy một chiếc xe lao nhanh về phía mình. Liệu chiếc xe có ngừng kịp lúc? Hay là nó sẽ tông thẳng vào người mẹ và đứa bé? Bạn thực sự không phải lo: Người mẹ là một con robot, còn chiếc xe là xe không người lái đang lưu thông trên một con đường làm giống như thật trong một thành phố mô hình gọi là M City.

M City là một thành phố thu nhỏ có diện tích 9,2 ha mà Đại học Michigan (Mỹ) sẽ cho ra mắt trong vài tháng tới. Đây là dự án hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Vận tải của Đại học Michigan, Sở Vận tải Michigan và các hãng xe lớn gồm Ford Motor, General Motors (GM) và Toyota Motor. Tại M City, các hãng ôtô có thể thử nghiệm mọi loại xe tự lái để chuẩn bị cho một tương lai “không người lái” được dự báo sẽ hiện hữu trong 10 năm tới.

M City được xem là nơi rất tốt để thử nghiệm các công nghệ ôtô của tương lai
M City được xem là nơi lý tưởng để thử nghiệm các công nghệ ôtô của tương lai

M City được mô phỏng đúng với thực trạng hỗn loạn của một đô thị hiện đại: nào là nạn kẹt xe, người đi bộ đi không theo bảng chỉ đường, những người đi xe đạp thì chạy len lỏi, luồn lách trên phố. Phải đến ngày 20.7.2015, thành phố không người lái này mới bắt đầu khởi động, nhưng các hãng xe và các công ty công nghệ đã xếp hàng dài chờ được thực hiện các nghiên cứu của mình trên những con đường mô phỏng như thật. “Chúng tôi tràn ngập những lời yêu cầu được đến xem và thực hiện các mô phỏng ở thành phố này”, Peter Sweatman, giám sát M City, cho biết.

Cho đến nay, các cuộc thử nghiệm xe không người lái được thực hiện trên các tuyến đường công cộng hoặc trên các bãi thử nghiệm tư nhân. Những chiếc Toyota Prius tự lái của Google, vốn được trang bị thiết bị radar laser trên nóc, là hình ảnh thường thấy ở Thung lũng Silicon. Các hãng xe khác thì nghiên cứu xe robot trên các đường thử nghiệm cũ để đánh giá liệu các mẫu xe mới có thể chạy vòng tròn nhanh đến mức nào hoặc cách chúng xử lý khi có người lái sau vô-lăng. Nhưng những bãi thử nghiệm như vậy không đưa ra được một môi trường thử thách toàn diện để xem xe tự lái xử lý tình huống nhạy đến đâu trong tình hình giao thông hỗn loạn hằng ngày. 

M City đặt tại thành phố Ann Arbor, bang Michigan, cách các phòng lab công nghệ của nhiều hãng xe một quãng đường rất ngắn. Một khi được hoàn thành vào mùa hè năm nay, thành phố được đầu tư 6,5 triệu USD này sẽ được trang bị 40 tòa nhà mô phỏng, các giao lộ “bẻ góc”, một bùng binh giao thông, một cây cầu, một đường hầm, các con đường rải sỏi và nhiều góc đường có tầm nhìn bị che khuất. Thậm chí có một đường cao tốc gồm 4 làn đường có lối vào và lối ra bị dốc để thử xem các chiếc xe không người lái xoay xở thế nào.

Người đi bộ là người máy thỉnh thoảng sẽ bất ngờ lao ra giữa đường để thử độ nhạy của các cảm biến cũng như thắng xe tự động, xem liệu xe có phản ứng kịp nhằm tránh một cú va chạm trong đời thực. Giống như trên phim trường Hollywood, các tòa nhà mô phỏng có thể được sắp xếp lại để gia tăng thêm mức độ hỗn loạn để thách thức trình độ xử lý của xe tự lái.

 “Chúng tôi sẽ không bao giờ làm các cuộc thử nghiệm nguy hiểm nào trên đường. Vì thế, M City sẽ là một nơi rất tốt để thử nghiệm những công nghệ tiếp theo”, Hideki Hada, Tổng Giám đốc các hệ thống điện tử tại Trung tâm Kỹ thuật của Toyota tại Ann Arbor, nhận xét.

Với việc phần lớn dân số toàn cầu sẽ chuyển vào sinh sống ở các thành phố lớn trong 25 năm tới, những chiếc taxi robot có thể tự tính toán khoảng cách an toàn giữa các xe, để có thể chạy gần nhau hơn, chở nhiều người hơn trong khi giảm được lượng xe lưu thông. Xe cũng cho phép người đi trên xe xử lý nhiều công việc trong lúc đang di chuyển trên đường, từ đó tăng được năng suất làm việc.

Thị trường dành cho công nghệ không người lái - từ các cảm biến tránh va đụng cho đến những con chip siêu nhỏ có khả năng xử lý các quyết định “sống còn” chỉ trong một phần nghìn giây - sẽ tăng trưởng đạt tới con số 42 tỉ USD/năm vào năm 2025. Và những chiếc xe tự lái có thể chiếm tới 25% lượng ôtô bán ra trên toàn cầu vào năm 2035, theo hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG). Điều này góp phần giải thích vì sao Ford, GM và Toyota cũng như Honda Motor và Nissan Motor, đang góp ý kiến cho M City về vấn đề chuyên môn kỹ thuật. Đó cũng là lý do vì sao các đại gia công nghệ như Apple và Google đang phát triển xe không tự lái của riêng mình.

Các hãng xe thực sự đang trong cuộc đua chế tạo xe tự lái. Telsa Motors dự kiến sẽ tung ra một phiên bản tự lái của mẫu sedan Model S vào mùa hè này. Còn GM cho biết sẽ giới thiệu công nghệ lái xe trên đường cao tốc mà không thao tác bằng tay trên một chiếc Cadillac trong 2 năm tới. Trong khi đó, hồi tháng 1, Mark Fields, Tổng Giám đốc Ford, cho biết những chiếc xe đầu tiên hoàn toàn tự lái sẽ có mặt trên các con đường công cộng trong vòng 5 năm tới. Honda, Hyundai Motors và dòng xe Lexus của Toyota cũng đều tung ra các đặc tính “tự lái” của ôtô để giúp điều khiển và ngừng xe.

Mặc dù Toyota có một bãi thử nghiệm xe tại Nhật với các điều kiện lái xe tương tự như tại M City, nhưng M City sẽ cho hãng xe này một cơ hội để thử nghiệm công nghệ trong một môi trường lái xe đầy thử thách tại Mỹ. Và nó cho phép Toyota thử nghiệm bên cạnh các hãng xe khác, vốn cũng đang thử nghiệm xe tự lái của họ. Đây là điều mà một số chuyên gia tin rằng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình áp dụng các tiêu chuẩn chung cho xe không người lái. “Giá trị nằm ở chỗ nó mở cửa cho công chúng và các nhà nghiên cứu khác. Đó là một cơ hội thú vị”, Hada, thuộc Toyota, cho biết.

Vì thành phố M City nằm trong khu vực có tuyết rơi nhiều nên đây cũng là nơi thử nghiệm điều kiện thời tiết rất tuyệt vời để xem độ đáng tin cậy của các hệ thống điện tử, cảm biến trong xe. “Cuộc thử nghiệm thời tiết này sẽ là một cái lợi”, Ron Szabo, Giám đốc kỹ thuật dịch vụ phần mềm tại Delphi Automotive, chuyên cung cấp hệ thống điện tử ôtô, nhận xét.

Hiện tại, Trường Đại học Michigan, các hãng xe và Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ đang thử nghiệm 3.000 chiếc xe có kết nối web trên các con đường tại Ann Arbor, theo dõi khả năng xử lý tình huống kẹt xe trên đường và đối phó với thời tiết của những chiếc xe này. Với các cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra tại M City trong thời gian tới, quá trình đưa xe không người lái ra lưu thông trên quy mô lớn sẽ được rút ngắn.

Nguồn NCDT/Bloomberg