Ảnh: thiennhien.net
Xấu hổ vì cao hổ!
Nhân Ngày quốc tế về bảo tồn hổ (29.7), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông “Xấu hổ vì cao hổ” kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ “ông ba mươi,” cũng như các loài động vật hoang dã quý hiếm. Với phong cách dí dỏm, nhẹ nhàng, phim ngắn “Xấu hổ vì cao hổ” chỉ ra suy nghĩ lệch lạc về “thần dược” cao hổ. Cậu con trai đã biếu người bố hộp cao hổ với suy nghĩ cao hổ sẽ giúp bố có nhiều sức khỏe. Tuy nhiên, người bố đã từ chối và khuyên con: “Cao hổ không phải là thần dược, bị ốm phải gặp bác sĩ chuyên khoa. Không sử dụng cao hổ và các sản phẩm từ động vật hoang dã”.
Bộ phim này là một trong những nỗ lực mới của ENV trong cuộc chiến chống lại nạn giết hại và buôn bán các sản phẩm từ hổ. Quan niệm cổ xưa và những lời đồn về dược tính thần kỳ của cao hổ đã đẩy loài vật này vào nguy cơ tuyệt chủng ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), từ trên 100 cá thể vào năm 2001, tới nay, số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam chỉ còn chưa tới 7 con.
Từ tháng 1.2019 đến tháng 6.2020, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của EVN đã ghi nhận hơn 650 vụ việc vi phạm liên quan đến hành vi quảng cáo, tàng trữ, mua bán cao hổ, móng vuốt, nanh, nội tạng và da hổ. Nhiều vụ việc buôn bán các cá thể hổ sống và đông lạnh cũng đã được lực lượng chức năng khởi tố và phạt hình sự lên tới 10 năm tù.
“Sinh cảnh của hổ đã giảm 40% kể từ năm 2006, chúng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa phổ biến như săn bắn và mất môi trường sống trên phạm vi 1.165.000 km2 lãnh thổ thuộc 13 quốc gia châu Á, bởi hàng loạt hệ thống đường nội bộ và con mồi giảm đáng kể“, Neil Carter, nhà sinh thái học tại Đại học Michigan, chia sẻ.
Theo điều tra của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), nguồn hổ dùng để nấu cao ở Việt Nam phần lớn đều là hổ nuôi. Tính đến tháng 7.2020, khắp thế giới có hơn 12.000 cá thể hổ sống trong các cơ sở nuôi nhốt, trong đó có 6.057 cá thể ở Trung Quốc, còn lại thuộc về 3 quốc gia Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Hiện hơn 98% xương sư tử, hổ, báo đốm xuất khẩu của Nam Phi cũng qua Việt Nam hoặc Lào, sau đó được đưa vào thị trường Trung Quốc. Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã nhập hơn 50 con hổ sống từ Nam Phi. Báo chí quốc tế cũng cảnh báo cao hổ cũng là sản phẩm thương mại nội địa được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, nên thúc đẩy nạn nuôi nhốt hổ bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, đường dây buôn bán động vật trái phép và sản xuất cao hổ ngày càng tinh vi khi dùng các bộ phận cơ thể của những loài mèo lớn khác thay thế cho hổ, thông tin từ UNODC. Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19, sự gia tăng các vụ thu giữ sản phẩm từ hổ đã khiến nhiều nhóm buôn lậu dần chuyển sang sử dụng sư tử, báo gấm, báo tuyết, báo đốm thậm chí là chó Becgie già để làm nguyên liệu nấu cao.
Mới đây, chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hành động xử lý quyết liệt là tín hiệu đáng mừng trong việc ngăn chặn buôn bán sử dụng động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, cũng góp phần ngăn chặn nguồn cung hổ từ các nước láng giềng.
Cụ thể, đối với động vật hoang dã được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES ở nước ngoài cấp giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam, cơ quan hải quan cửa khẩu nghiêm khắc yêu cầu chủ hàng trả về nơi xuất khẩu. Trường hợp chủ hàng không thực hiện hoặc hàng hóa không xác định được chủ hàng thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam với hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
UNODC nhấn mạnh châu Á vẫn là khu vực có nhu cầu lớn nhất về động vật hoang dã. Đây là lục địa đông dân nhất và ngày càng nhiều người có thể mua những thứ mà trước đây họ không thể. Nhiều người ưa chuộng cao hổ vì coi trọng giá trị dược liệu mà nó đem lại. “Những niềm tin vô căn cứ này đã và đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, sử dụng cao hổ và tạo điều kiện cho những đối tượng buôn bán cao hổ trái phép lợi dụng để trục lợi, đẩy loài hổ đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên”, bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, nhận định.
Hổ sẽ vẫn tiếp tục bị giết hại mỗi ngày nếu niềm tin mù quáng vào tác dụng của cao hổ vẫn còn tồn tại. Mỗi cá nhân trong cộng đồng cần phải lên tiếng và phản đối việc sử dụng cao hổ và các sản phẩm từ hổ. Không có người mua, không còn kẻ bán, hãy giúp “chúa sơn lâm” được trở lại nơi thuộc về chúng.