Womenomics: Động lực từ gót hồng
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nghĩ rằng ông đã tìm thấy câu trả lời cho tình trạng lao động đang ngày càng suy giảm của nước mình: dùng sức của nữ giới, vốn từ lâu phải an phận thủ thường ở nhà, hay dù có đi làm thì cũng ít được coi trọng ở nơi công sở. Ông Abe đã vạch ra các mục tiêu để tạo ra một “nước Nhật mà nơi đó phụ nữ tỏa sáng”. Ông đang thúc đẩy các chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ vừa có thể đi làm vừa đảm bảo có thời gian chăm sóc gia đình.
Thậm chí, có cả một thuật ngữ dành riêng cho chính sách này là Womenomics. Đây là một phần trong chính sách kích thích kinh tế bao quát hơn của ông Abe - Abenomics, vốn được khai sinh vào năm 2014 nhằm đưa kinh tế Nhật thoát ra khỏi hàng thập niên đình đốn. Mặc dù Womenomics đã cho thấy một số tiến triển, nhưng hành trình để nữ giới tỏa sáng như mong đợi của ông Abe vẫn lắm gian nan.
Thực ra, tư tưởng Womenomics không chỉ gắn liền với ông Abe mà trước đó đã được nói đến ở nhiều nơi trên thế giới, với ý nghĩa rằng sự tiến bộ của phụ nữ và phát triển kinh tế luôn quan hệ mật thiết với nhau. Tại Nhật, song song với việc khuyến khích nhiều phụ nữ hơn đến công sở, ông Abe còn muốn lấp họ vào 30% vị trí lãnh đạo đến năm 2020. Ông đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt dịch vụ trôm nom trẻ và khuyến khích các nơi làm việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các bà mẹ để họ tái nhập lực lượng lao động.
Ông Abe có lý do để sốt ruột vì Nhật là quốc gia có dân số bị suy giảm nhanh nhất và già nhất thế giới với những người trong độ tuổi 15-64 tuổi dự kiến sẽ giảm còn 45 triệu người vào năm 2065 từ mức 77 triệu năm 2015.
Sốt ruột là thế nhưng Womenomics đang tiến triển rất chậm. Tỉ lệ tham gia lao động của phụ nữ Nhật đã tăng từ 46,2% vào năm 2012 lên chưa tới 50% vào năm 2017 (so với 55% tại Đức, 56% tại Mỹ và 61% tại Canada). Đã vậy, hầu hết các lao động nữ mới tại Nhật lại làm công việc bán thời gian, với mức lương tương đối thấp. Mặc dù các công ty như Toyota Motor đang chọn các vị trí điều hành là nữ, nhưng những dấu hiệu thay đổi không đáng kể và không đồng đều trên khắp các ngành. Chỉ 4% các vị trí quản lý được nắm giữ bởi phụ nữ (tăng từ 1% của năm 2012), so với 9% ở Trung Quốc và 17% ở Mỹ.
Vì sao lại chậm như vậy? Quan điểm cho rằng phụ nữ nên ở nhà và chăm sóc con cái tồn tại ở nhiều nước nhưng tại Nhật, cách suy nghĩ này đã thâm căn cố đế. Một cuộc khảo sát ý kiến năm 2016 tại Nhật cho thấy 45% đàn ông được khảo sát đồng ý rằng phụ nữ nên ở nhà. Thái độ này càng thể hiện rõ khi mới đây, một trường y ở Tokyo đã sửa điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ nhằm giảm tỉ lệ nữ sinh trúng tuyển. Vụ bê bối đã khiến cho Chính phủ Nhật nhập cuộc, yêu cầu điều tra đầu vào ở các trường y trên cả nước.
Ngay cả đi làm, người phụ nữ Nhật cũng bị phân biệt đối xử. Nhật có mức chênh lệch lương giữa nam và nữ lớn thứ 3 trong số 36 quốc gia thuộc khối OECD. Theo đó, nữ nhân viên được trả lương thấp hơn 24,5% so với nam giới vào năm ngoái, giảm từ mức 26,6% năm 2013. Hàn Quốc có tỉ lệ cao nhất (34,6%) trong khi Luxembourg thấp nhất (3,4%).
Nhật cũng có tỉ lệ đại biểu nữ thấp nhất. 10% thành viên Hạ viện là nữ, xếp Nhật ở vị trí thứ 158 trên toàn cầu. Trong số 20 vị trí trong Nội các, chỉ có 2 là nữ. Vào tháng 5, cả Thượng viện lẫn Hạ viện đã nhất trí thông qua dự luật yêu cầu các đảng chính trị “ra sức có thể” để cân bằng tỉ lệ nam và nữ.
Ông Abe từ lâu bị chỉ trích đã đi không đủ xa và chưa cho thấy nhiều dấu hiệu về sự điều chỉnh phương hướng. Nhưng có vẻ như ông Abe đã quyết tâm hơn với chính sách Womenomics, nhất là khi kinh tế Nhật vẫn chưa thực sự khỏe mạnh sau nhiều năm triển khai Abenomics. Các ước tính gần đây cho thấy cải thiện bình đẳng giới về mặt kinh tế có thể cộng thêm 550 tỉ USD vào GDP của Nhật.
(Theo Bloomberg)