Wimbledon: Nhạt nhẽo vì tiền?
Nhiều người hâm mộ tennis đã bỏ ra 70 USD để mua vé vào xem các trận đấu tại sân trung tâm All England Club ở giải Wimbledon, chưa kể còn phải xếp hàng vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, họ đã chứng kiến những trận đấu kết thúc quá chóng vánh của các ngôi sao hàng đầu.
Trận đấu đầu tiên của Novak Djokovic, tay vợt đã 3 lần vô địch Wimbledon, kéo dài trong 40 phút, còn của Roger Federer, 7 lần vô địch, là 43 phút. Con số đó quả không tương xứng so với số tiền bỏ ra cũng như sự chờ đợi của người hâm mộ. “Chúng tôi nói đùa trong phòng thay đồ rằng ban tổ chức nên tổ chức thêm các trận đấu khởi động hay đấu tập tại sân trung tâm để đáp ứng mong mỏi của đám đông”, Djokovic nói với hãng AP.
Lỗi tất nhiên không nằm ở Djokovic và Federer bởi đối thủ của họ gặp chấn thương và buộc phải bỏ dở trận đấu. Djokovic dẫn 6-3, 2-0 trước khi Martin Klizan gặp vấn đề ở chân trái nên đành bỏ cuộc. Federer cũng dẫn 6-3, 3-0 trước Alexandr Dolgopolov, người xin thua vì không thể nén cơn đau ở mắt cá chân phải. Mà những chiến thắng “nhạt toẹt” đấy, theo nhận xét của các bình luận viên, lại toàn là những cột mốc thuộc dạng đáng nhớ trong sự nghiệp của hai anh tài. “Tôi thông cảm với cảm giác hụt hẫng của đám đông. Họ muốn xem những trận đấu chất lượng. Nhưng thật không may, điều đó (chấn thương) đã xảy ra,” Federer nói với vẻ nuối tiếc, xoa dịu những người mua vé vào sân để mong mỏi chứng kiến ít nhất là 3 set đấu.
Bão chấn thương đã làm dấy lên những cuộc tranh luận rằng liệu ban tổ chức các giải Grand Slam có nên thay đổi luật để cho phép các tay vợt vẫn nhận được tiền thưởng nếu họ bỏ cuộc trước vòng đấu, nhường suất dự vòng đấu chính thức cho tay vợt đã thua ở vòng loại. Như thế, các tay vợt biết mình bị chấn thương sẽ không cố mà ra sân chỉ để cốt được nhận tiền thưởng.
Tay vợt Tipsarevic giải thích: “Chẳng hạn, nếu tôi bị chấn thương cơ bắp và bác sĩ nói cậu không thể ra sân. Tôi sẽ vờ nói mình cảm thấy ổn để cố gắng có mặt ít nhất là 2 giờ đấu rồi xin thua. Tôi vẫn nhận được khoản thưởng cho việc mình đã vượt qua vòng loại để vào đến vòng đấu chính thức”. Có vẻ như Tipsarevic đã áp dụng đúng chiêu thức ấy nên anh đã bỏ cuộc chỉ sau 12 phút ở trận đấu với Jared Donaldson.
Chỉ cần ra sân 12 phút, tay vợt người Serbia này đã bỏ túi 35.000 bảng Anh (45.000USD). Dolgopolov, xếp hạng 84 thế giới, giải thích thêm: “Trừ phi bạn nằm trong top 10, chứ còn với chúng tôi thì đó là một khoản tiền lớn”. Tay vợt đi tiếp cũng cảm thấy khỏe khoắn vì tiết kiệm được sức lực cho vòng đấu tiếp theo. Và trong trường hợp này, chỉ có những khán giả, những người bỏ tiền ra mua vé là chịu thiệt.
Vấn đề này thực ra không mới và năm nay ATP cũng đã áp dụng luật cho phép tay vợt thua ở vòng loại thay thế tay vợt chấn thương, nếu người bị thương tuyên bố rút lui một ngày trước khi trận đấu của mình ở vòng chính thức bắt đầu. Song luật đó chưa được áp dụng tại các giải Grand Slam. “Nếu tay vợt nào đó cảm thấy mình không đủ sức khỏe để ra sân, họ nên rút lui từ trước. Grand Slam nên áp dụng như ATP đã làm, để các tay vợt cảm thấy dễ chịu hơn”, Federer chia sẻ.
Hạt giống số 23 John Isner thì nói thẳng, nếu tay vợt nào đó biết mình bị chấn thương mà vẫn cố ra sân rồi bỏ cuộc thì có nghĩa rằng họ đang nợ các cổ động viên. “Tôi dám chắc rằng người hâm mộ ở sân trung tâm ngày hôm nay cảm thấy số tiền họ bỏ ra đã không được tiêu đúng chỗ”, Isner nói. Isner hoàn toàn có lý. Phóng viên AP đã phỏng vấn Collette Sherreatt, một cổ động viên 54 tuổi cất công từ Manchester lên London để lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác xem tennis ở All England Club.
“Tôi đã theo dõi Wimbledon qua TV suốt 42 năm qua và đây là lần đầu tiên tôi bỏ tiền để đi xem trực tiếp. Tôi đã rất hồi hộp khi bước vào sân trung tâm, vậy mà... Có lẽ tôi sẽ không bao giờ đến đây nữa”. Đơn giản, Collette cũng như rất nhiều người khác cảm thấy họ đã bị phản bội.
Hoài Sa