"Vườn thú kiểu Úc" trên cao nguyên Lâm Viên
*Ảnh minh họa: balodeplao.com*
“Trước mặt chúng ta là Wallaby, một giống kangaroo cỡ nhỏ”, anh Hùng Hiệp, hướng dẫn viên vườn thú Zoodoo chỉ tay về bầy 5-7 con Kangaroo đang nhẩn nha nghịch ngợm. Kể tiếp trong sự ngạc nhiên của khách tham quan, “kangaroo mang thai rất đặc biệt. Phôi thai từ 4-5 tuần tuổi, chưa có hình thù rõ rệt, được con mẹ liếm láp mở đường để chúng bò ra nằm vào túi mẹ. 6-8 tháng tiếp theo, chuột con biết thò đầu ra ngoài thì một phôi thai tiếp theo cũng được hình thành. Con mẹ có 2 tuyến sữa khác nhau, một cho con non đang phát triển và một cho wallaby bắt đầu rời khỏi túi, mà các con con vẫn tìm được đúng loại sữa cho mình”, anh Hiệp kể.
Nói xong, anh mở cánh cửa gỗ để đoàn tham quan khoảng 15 người được vào khu vực nuôi để chơi đùa, cho kangaroo ăn trực tiếp. Khách tham quan không bị cách ly với con vật - là điểm khác biệt của Zoodoo, mô hình vườn thú được gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hà mất gần 10 năm tạo dựng tại Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 40km, đi vào hoạt động từ đầu năm nay, phát triển độc lập dựa trên nền tảng mô hình vườn thú bán tự nhiên Zoodoo tại Úc.
Là 1 trong 10 loài thú được nhập khẩu trực tiếp từ Úc và các nước khác, “đại sứ Úc” kangaroo cùng ngựa lùn pony, lạc đà không bướu alpaca, thỏ tai cụp, chồn Meerkat... những loại thú “sang chảnh” thường thấy qua phim ảnh cũng được độc quyền đưa về và đang sống tại Zoodoo, một vài con đã sinh sản. Các con thú được nghiên cứu không mắc virus gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ nhỏ - đối tượng mục tiêu của vườn thú này.
Mỗi ngày vườn thú chỉ tiếp nhận trên dưới 100 khách đặt trước (giá vé 100.000 đồng/người), từng nhóm nhỏ có khoảng 1 giờ tham quan dưới sự hướng dẫn của các Zookeeper để các con thú được dưỡng sức, không hoảng loạn và cho ăn vừa phải. “Vườn thú truyền thống đã có nhiều, lập ra Zoodoo, gia đình tôi muốn xây dựng một nơi để trẻ em Việt Nam được gần gũi với thiên nhiên và động vật như tại các nước tiên tiến qua những trải nghiệm thực tế”, bà Thu Hà chia sẻ mục tiêu xây nên một điểm du lịch mới cho du khách đến với Đà Lạt.
Mong muốn là vậy, song không dễ để gia đình bà tìm được một mảnh đất lớn, vị trí đẹp để mở vườn thú. Cơ hội đến vào cuối năm 2011, Công ty Kinh Nông được chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ở xã Đạ Nhim sang xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư vườn thú. Đến nay, vườn thú trên diện tích 16ha đã được hình thành với tổng vốn đầu tư hơn 40 tỉ đồng.
Để được “nhập khẩu” các loài thú lạ, gia đình bà Hà phải hoàn thiện bộ hồ sơ dày cộp và đợi rất lâu để có được sự cho phép của cơ quan thẩm quyền của Úc và các bộ ngành Việt Nam; phải cung cấp thông tin về độ cao của vùng đất so với mực nước biển, đặc điểm khí hậu, đất đai; gửi mẫu đất, nước kiểm tra tại viện Pasteur sang Úc và được các chuyên gia từ đây sang khảo sát thực tế. Bà cùng chồng, ông Neil Schultz, Tiến sĩ nông nghiệp và các con theo học và làm việc ở Zoodoo Úc gần 2 năm như những nhân viên thực thụ để hiểu được cách vận hành vườn thú và chăm sóc từng loài vật.
Không phải con thú nào cũng mất tiền mua mà được huy động từ các vườn thú ở Úc, song để huấn luyện được thú gần gũi và không sợ người, cách duy nhất là làm chúng “lầm tưởng” con người chính là bạn của chúng, nói cách khác, chủ đầu tư ngoài tiền còn phải có tâm.
“Con ngựa lùn Pony kia, được tôi ôm và mớm sữa ngay từ lúc lọt lòng mẹ”, bà Hà chỉ tay và nói. “Kangaroo không được Chính phủ Úc cho xuất sang nước ngoài. Chúng tôi làm được vì gia đình tôi mang quốc tịch Úc. Những con thú được xem như đang nằm trên địa phận Úc, giao quyền cho công dân nước họ chăm sóc ở đây”, bà kể.
Mỗi con thú một bên tai đeo mã số, một bên đeo thiết bị GPS để nhà quản lý tại Úc kiểm soát được tình trạng của từng con. “Động vật quyền” ở những quốc gia phát triển đảm bảo tinh thần trách nhiệm của người chủ với con vật và cần đảm bảo một ngày nếu chủ đầu tư bỏ cuộc, cháy rừng... thì số phận của những con thú sẽ về đâu. Sức khỏe của thú cũng được kiểm tra và báo cáo định kỳ. Thức ăn cho thú trộn lẫn giữa đồ nhập khẩu và rau củ bản địa, tốn từ 8-10 triệu đồng/ngày, thêm tiền sữa cho những con đặc biệt hoặc các “bà bầu” chuẩn bị sinh nở.
Cùng đoàn tham quan, người viết gặp một vị khách đến từ Malaysia có niềm đam mê với các loài động vật cho biết ông tò mò đến đây để thăm chồn meerkat, giống chồn có khả năng bài trừ nọc độc qua đường tiêu hóa, được xem là khắc tinh của rắn hổ mang, bò cạp... được Zoodoo đưa về từ châu Phi, phải bay qua 4 chặng mới về đến Việt Nam, đã được phối giống và chuẩn bị sinh sản.
Ngoài vườn thú, dịch vụ cà phê, ăn uống và khu vực cắm trại được tích hợp trong mô hình của Zoodoo cũng bổ sung thêm nguồn thu cho nơi này. Nhưng nhẩm tính bài toán chi phí, dễ thấy mô hình này... khó có lời. Song lượng khách biết đến ngày một đông cùng những lời mời hợp tác, phát triển mô hình bù lại khá nhiều.
Nhìn những tòa nhà, chuồng trại được xây dựng, đôi chỗ méo mó xiêu vẹo để tránh không phải chặt hạ một cây thông nào khi xây dựng cảnh quan phần nào nói hộ những giá trị nhân văn chứ không đơn thuần lợi nhuận là lý do để gia đình Việt kiều này đầu tư vào Zoodoo.
Lai giữa safari (vườn thú bán hoang dã) và farm animals (trang trại nuôi thú), mô hình vườn thú bán tự nhiên như Zoodoo không phát triển theo hướng quy mô, một phần để phù hợp với người Việt chưa có thói quen đi bộ nhiều khi đi thăm thú, phần khác để cân bằng giữa khai thác và bảo tồn động vật. Đây là một hướng đi khác biệt, góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam, vốn mang tiếng xấu là nơi tiêu thụ những sản phẩm phi pháp từ động vật. Còn ước mơ xây dựng thói quen gần gũi thiên nhiên, động vật của trẻ em và người trẻ Việt, bà Hà biết “phải chờ 2-3 thế hệ nữa”, nhưng ít ra đã có cơ sở để hy vọng.
Lan Anh