Hậu trường phim Cô Dâu Hào Môn. Ảnh: TL.
Vũ Ngọc Đãng: Phía sau tiền bạc
Sau 5 ngày ra rạp, phim Cô Dâu Hào Môn thu về 35 tỉ đồng, dẫn đầu phòng vé. Ngay hôm sau, những đoạn phim bị quay lén tung lên các nền tảng mạng xã hội hút nửa triệu lượt like. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng không chỉ bức xúc sự cố làm ảnh hưởng đến doanh thu mà anh còn lo đoàn phim bị xuống tinh thần. Ngày thường, Vũ Ngọc Đãng cười tươi rói và luôn sẵn lòng vét túi giúp đỡ bạn bè. Lúc bực tức, anh cũng vẫn chỉ nghĩ cho người khác.
8 năm trước anh từng bị điều tiếng khi biên kịch và đạo diễn bộ phim điện ảnh Vòng Eo 56 với nhà sản xuất kiêm nữ chính là người mẫu Ngọc Trinh, gần đây anh làm phim Chị Chị Em Em 2 và hiện tại là Cô Dâu Hào Môn với cùng một nhà sản xuất mới toanh trong thị trường phim nhưng có tiếng là “đại gia” Will Vũ, anh nghĩ sao nếu một lần nữa anh lại bị mang tiếng làm phim vì tiền?
Hồi đó tôi nhận lời làm phim cho Ngọc Trinh bởi tôi nhận thấy đây là một dự án thú vị. Người ta có thể làm ra một cuốn hồi ký bằng sách thì cũng có thể ra hồi ký bằng phim. Còn với Will Vũ, tôi làm phim với Will cũng không phải vì tiền. Will trả thù lao đạo diễn cho tôi cũng bằng các nhà sản xuất khác, không hơn.
Tôi muốn làm phim với Will Vũ ban đầu là vì tôi thấy khi ở vai trò nhà sản xuất cho Chị Chị Em Em 1, Will làm rất tâm huyết, luôn muốn phim mình là hạng A, được đầu tư tốt nhất. Đến khi quay Chị Chị Em Em 2, Will đã đáp ứng tất cả những đòi hỏi của tôi. Phim cổ trang quay rất nhiều tiền, tiền bối cảnh, tiền quần áo, riêng tiền cho quần chúng đã tốn gần 2 tỉ đồng, thậm chí Will còn đề nghị mời những người mẫu hạng A hoặc người nước ngoài đóng vai quần chúng mặc dù phải trả cát-xê cho họ cao gấp 10 lần so với một người chưa có tên tuổi, miễn sao cho ra không khí Sài Gòn xưa sang trọng xa hoa. Rồi phim Cô Dâu Hào Môn, Will cũng làm nhà sản xuất bằng tinh thần đó. Will còn nói: “Anh cứ chọn ê-kíp giỏi nhất từ thiết kế, D.O.P, quay phim..., cứ mời diễn viên tốt nhất cho từng vai, tốn kém bao nhiêu em trả hết”. Tôi quý Will nhất ở chỗ sẵn sàng chi tiền để phim đạt chất lượng như mong muốn. Một nhà sản xuất trẻ, táo bạo, làm hết mình để bộ phim thắng và hợp ý tôi thì tại sao tôi không hợp tác?
Một người hay bị lợi dụng lòng tốt như anh từng cảm thán: “Tui cho mượn 10 lần thì bị giựt mất 7 lần” thì trong công việc, quá trình quay phim anh có thể kiểm soát tốt tiền bạc cho nhà sản xuất?
Trong cuộc sống tôi có thể ngây thơ, dễ mủi lòng, có thể bị lợi dụng, bị mất tiền, mất cả bạn, tôi tự giận mình rồi lại tha thứ cho chính mình bởi vì đó là tiền của tôi. Còn khi tôi làm phim, tôi cầm tiền của người khác thì tôi không thể cảm tính để xài tiền sai chỗ. Hơn nữa, tôi có kinh nghiệm, tôi cũng giỏi nghề để làm đúng theo kế hoạch, kiểm soát được từng cảnh quay, quay đúng lịch thì sẽ không bị bể tiền.
Nói về chuyện kiểm soát tiền bạc trong quá trình sản xuất phim thì tôi nghĩ không có ai qua Vũ Ngọc Đãng. Tất cả phim tôi làm chưa bao giờ bị đội kinh phí, thậm chí phim Đẹp Từng Centimet làm xong, nhà sản xuất còn dư được 400 triệu đồng. Còn kế hoạch sản xuất không bao giờ bị vượt quá số tiền mà nhà sản xuất dự trù. Tất cả các phim tôi làm cũng chưa bao giờ bị bể lịch một ngày nào.
Thậm chí, ngày xưa đi làm phim tôi cứ cố gắng làm sao cho nhà sản xuất ít xài tiền nhất có thể. Khi người ta làm những bộ phim tốn mười mấy hai chục tỉ thì tôi làm phim chỉ mất 1,8-2 tỉ đồng như phim Những Cô Gái Chân Dài có kinh phí chỉ 1,8 tỉ đồng. Tôi biến một cảnh lớn thành cảnh nhỏ để tiết kiệm tiền cho nhà đầu tư, miễn sao vẫn giữ được nguyên ý nghĩa của cảnh đó. Sau đó tôi nhận thấy cứ làm phim ít tiền hoài thì khó bùng nổ phòng vé. Mình chưa đủ tài năng để làm một phim kinh phí nhỏ mà lại quá độc đáo để khán giả kéo tới xem. Cuối cùng doanh thu phim không cao mặc dù không lỗ, chỉ lời ít. Sau đó tôi mới ngộ ra chân lý là nhà đầu tư không quan tâm chuyện mình tiết kiệm tiền cho họ bằng chuyện phim đạt doanh thu bao nhiêu, lời bao nhiêu. Thà bỏ ra 50 tỉ đồng mà thu về 200 tỉ đồng thì họ vẫn vui hơn là làm phim 5 tỉ đồng mà thu về 15 tỉ đồng. Từ đó tôi làm những phim kinh phí lớn như Chị Chị Em Em 2, Cô Dâu Hào Môn, xem như tôi lật ngược sự nghiệp của mình, học cách biến cảnh nhỏ thành cảnh lớn để xài tiền của nhà đầu tư một cách hiệu quả, làm phim thật hoành tráng, tươi mới, hấp dẫn, làm cho khán giả mê mẩn.
Anh nhìn người nghèo qua nỗ lực và thiện lương ở họ, như gia đình nghèo “phông bạt” trong Cô Dâu Hào Môn, anh vẫn có góc nhìn bao dung bằng sự tỉnh ngộ của họ ở cuối phim. Có vẻ anh bị ám ảnh bởi cái nghèo, như anh từng đồng cảm với đúc rút của ai đó: “Những chua xót của người trưởng thành, tất cả đều liên quan tới việc không có tiền”...
Nói về tiền, câu thoại đầu tiên của bà Phượng mở đầu phim Cô Dâu Hào Môn là câu của tôi đem vào: “Tiền là lá bùa cứu mạng của mọi người, bệnh nhân cứ tưởng bác sĩ là người cứu sống họ, nhưng thực ra tiền mới là thứ cứu họ”. Nhà tôi không nghèo cũng không giàu, ba tôi làm hiệu trưởng của trường kỹ thuật nghiệp vụ cao su, còn mẹ làm công nhân viên chức nên tôi không tới mức bị ám ảnh bởi cái nghèo. Chỉ là tôi tự lập từ năm 18 tuổi nên hiểu chuyện có tiền hay không có tiền.
Hồi xưa tôi vô trường sân khấu điện ảnh, ở trong ký túc xá là một phòng lớn 40-50 người, mỗi người nằm ngồi trong phạm vi mấy miếng gỗ ghép lại, ban đêm rệp trồi lên từ kẽ hở 2 miếng gỗ, bò như hành quân. Tốt nghiệp xong tôi ra ngoài thuê nhà trọ, 8 đứa 1 phòng chen chúc, mỗi đứa chỉ đóng 50.000 đồng/tháng. Vậy mà nhiều lúc tới đầu tháng không có tiền đóng. Sau đó kiếm được tiền nhiều hơn một chút, tôi thuê phòng 4 đứa, rồi phòng 2 đứa, phải mất mấy năm tôi mới có tiền ở một mình.
Tôi đã trải qua những cảnh để thấy tiền thật sự quan trọng. Tiền quyết định mình có tự tin hay không. Rồi khi gia đình mình khó khăn cần giúp đỡ mà mình không có tiền thì rất áy náy. Tiền khi đó đem lại sự an tâm. Tôi nghĩ trên đời này có 2 thứ quan trọng bậc nhất là sức khỏe và tiền bạc.
Khi có tiền trong túi, tôi tự tin lắm. Hồi đó làm phim Những Cô Gái Chân Dài, khi lãnh một phần tiền cát-xê đầu tiên 12,5 triệu đồng, tôi mua chiếc xe máy đầu tiên, lúc đó tôi rất vui và cảm thấy mình hết nghèo. Tôi hiểu giá trị của đồng tiền. Ai tỏ ra coi thường tiền bạc thì đều không thật, mọi người đều thích tiền. Tôi làm phim cũng thích được trả thù lao cao bởi vì nó còn chứng tỏ họ trân trọng tôi.
Anh giữ mình thế nào để cân bằng giữa tiền bạc, thành công và hạnh phúc?
Tôi nghĩ thành công, tiền bạc và hạnh phúc tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người. Nó không có một thước đo nào hết. Bản thân tôi biết tôi có một điểm mạnh mà cũng là điểm yếu, đó là tôi dễ hài lòng với những gì tôi có. Từ sáng tới tối tôi chỉ đi chơi, đi gặp những người mình thích. Khi làm việc tôi cũng chọn dự án thấp hơn năng lực của mình một chút để mình và ê-kíp cảm thấy vui vẻ, thoải mái cùng nhau làm. Làm nghề mình thích cũng là một quá trình hưởng thụ hạnh phúc.
Tôi cảm thấy tôi được sống một cuộc sống mà tôi mơ ước nên lúc nào tôi cũng vui, cũng có thể cười rất tươi. Còn điểm yếu là tâm trạng này khiến mình thiếu động lực để cố gắng bán sống bán chết, người ta tranh thủ nhận show chạy show, một lúc làm 3-4 show, còn tôi cứ thong thả, xong show này tôi nghỉ ngơi rồi mới làm show khác. Tiền bạc cũng vậy, trong túi tôi có 1 triệu, tôi cảm thấy nhiều thì nó là nhiều. Cá nhân tôi không có nhu cầu xài nhiều tiền. Tôi bị say xe nên ít đi du lịch, không thích mua sắm, càng không có ham muốn làm chủ 2, 3 căn nhà. Tôi ăn một gói xôi 20.000 đồng là sống được nửa ngày. Tôi có mấy chục cái áo màu trắng giống hệt nhau và vài cái quần jeans là giải quyết xong nhu cầu ăn mặc. Mình giàu, mình thành công là khi mình cần làm một việc gì đó, cần giúp ai đó mình có tiền bỏ ra để làm liền, giúp liền.
Chuyện doanh thu các phim do anh làm đạo diễn có tạo nhiều áp lực cho anh hay không? Anh có đặt ra mục tiêu phim mình làm phải đạt doanh thu ngàn tỉ?
Ai làm đạo diễn phim mà nói không quan tâm doanh thu là nói xạo. Tôi rất quan tâm doanh thu mỗi phim mình làm. Vừa qua khi thấy anh Lý Hải làm phim có doanh thu cao đuổi kịp phim của Trấn Thành, tôi rất mừng và nghĩ anh Lý Hải làm được thì mình, Nguyễn Quang Dũng hay bất cứ đạo diễn nào cũng có thể làm được. Tôi không bị áp lực doanh thu mà chỉ cần phim đừng bị lỗ và có lời, mang lại danh tiếng cho dàn diễn viên và nhà đầu tư, nhà sản xuất là tôi cảm thấy hài lòng rồi. Nếu phim đạt doanh thu 200-300 tỉ đồng thì quá mừng. Nếu phim bị lỗ, tôi sẽ rất áy náy. Nhà đầu tư bị mất tiền họ sẽ bị chùn tay, không dám đầu tư nữa hoặc sẽ hạ mức đầu tư cho các dự án sau, làm ảnh hưởng đến các đạo diễn khác.
Còn mơ ước thì không chỉ tôi mà tất cả đạo diễn đều mơ ước làm phim doanh thu 500 tỉ, 1.000 tỉ. Tôi nghĩ ngay cả Trấn Thành, anh Lý Hải cũng có mơ ước làm được phim 1.000 tỉ. Và khi đạt được phim 1.000 tỉ thì mọi người lại mơ ước có phim 2.000 tỉ. Tôi luôn mong tôi làm được phim có doanh thu khiến mọi người ngạc nhiên “Sao hay quá vậy?”. Điều này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người làm phim, nhất là cho các bạn đạo diễn trẻ.