Vietnam Motor Show: Bao giờ mới lớn?
Chưa hết những tranh cãi xung quanh chuyện thuế nhập khẩu ôtô, giữa Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu gần đây lại tiếp tục chia rẽ trong chuyện tổ chức sự kiện ôtô thường niên.
Sau 3 năm gắn bó, các nhà nhập khẩu giờ đang quyết tâm “ra riêng”. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc VAMA được cho là đã trả lại tiền đặt cọc tham dự lễ hội ôtô thường niên vì không gian quá chật chội cho các hãng xe trong sự kiện năm ngoái. Dù VAMA sau đó cũng đã có lời mời chính thức nhóm nhà nhập khẩu quay trở lại, nhưng nhóm này đã từ chối.
Câu chuyện diện tích thường được đưa ra để lý giải cho quy mô nhỏ bé của các chương trình triển lãm ôtô ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, VAMA cũng có những động cơ của riêng mình. Trước hết, cần phải biết rằng lễ hội ôtô là nơi để các hãng làm thương hiệu thông qua chương trình nghệ thuật, trình diễn công nghệ và nhất là giới thiệu cho khách hàng xu hướng các dòng xe sắp tới. Hãng nào càng nổi bật, thương hiệu càng được đánh bóng nhiều hơn.
Trong khi đó, những năm gần đây, chủ nhà VAMA lại tỏ ra lép vế ngay tại sân chơi do chính mình tổ chức cả về số lượng lẫn chất lượng. Bản thân một số thành viên VAMA cũng không hề mặn mà với sân chơi này. Năm 2012 và 2013, chỉ có khoảng 5-6 thành viên VAMA tham gia. Ðến năm 2014, con số này tăng lên 9 thành viên, nhưng cũng chỉ chiếm hơn phân nửa trong số các hãng tham gia lễ hội. Trong số này cũng thiếu vắng cả Trường Hải, một thương hiệu ôtô lớn của Việt Nam.
Số lượng các đơn vị thành viên tham gia ít ỏi cho thấy giá trị gia tăng khi tham gia sự kiện này là không cao bởi sự nghèo nàn sáng tạo trong khâu tổ chức. Ban tổ chức chỉ thu hút người tham dự bằng phương án truyền thống là “dội” thông tin nhờ báo chí, còn lại để mặc cho các hãng tự đầu tư. Tất nhiên, làm thương hiệu ở trong lễ hội hay làm bên ngoài thì các hãng cũng phải tốn tiền đầu tư vào khu vực triển lãm của mình. Tuy nhiên, đại diện một số hãng cho rằng nếu để quảng bá thương hiệu, so với chi phí bỏ ra trong lễ hội của VAMA tổ chức thì “tự mình làm chương trình ở ngoài nhiều khi còn mang lại hiệu quả hơn”.
Sau khi các doanh nghiệp nhập khẩu ra đi, sân chơi này tất nhiên thuộc về các ông lớn của VAMA. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu chương trình do thành viên VAMA tự tổ chức với nhau có khả năng quay về tình trạng “ế ẩm” như từ năm 2011 trở về trước hay không?
Hiện tại cũng là thời điểm mà VAMA đang họp bàn kế hoạch tổ chức lễ hội Việt Nam Motor Show 2015. Điểm nhấn năm nay có lẽ là sự kiện Trường Hải dự kiến lần đầu tiên góp mặt. “Tuy nhiên, điều đáng tiếc là về cách thức tổ chức, đơn vị tổ chức và chương trình lại không có gì thay đổi so với những năm trước đây”, một đại diện thành viên tham gia cuộc họp của VAMA cho biết.
Nhìn lại chặng đường 10 năm đã đi, VAMA cũng không có nhiều thay đổi trong mô hình tổ chức lễ hội ôtô thường niên. Thậm chí có nhiều bất cập khác cũng chưa được quan tâm đúng mức như việc tổng hợp thông tin, dù chi phí cho truyền thông chiếm phần không nhỏ. Ngay cả website chính thức của chương trình được xây dựng theo kiểu “chắp vá” hằng năm, không thống nhất nội dung cũng như công bố số liệu, hình ảnh cụ thể về sự kiện, về mỗi hãng xe tham gia.
Nhìn lại ngành ôtô Việt Nam, quy mô lễ hội ôtô đã nhỏ nay lại còn tách ra. Trong khi đó, câu chuyện lại hoàn toàn khác ở các quốc gia có nền công nghiệp ôtô phát triển. Lễ hội ôtô của họ rất được quan tâm vì còn gắn liền với cơ hội du lịch và quảng bá thương hiệu ở quy mô quốc gia. Khách tham dự lễ hội không chỉ là dân địa phương mà còn từ nhiều quốc gia khác. Để làm được như vậy, các nước phải mở rộng quy mô tối đa, bao gồm gộp chung cả xe môtô lẫn xe máy, đồng thời kéo dài nhiều ngày như lễ hội ôtô Thượng Hải (8 ngày) hay Bangkok (12 ngày).
Tất nhiên, so sánh cũng chỉ mang tính tương đối, vì tuổi đời của lễ hội ôtô ở Việt Nam và quy mô sản xuất, tiêu dùng còn quá non trẻ. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng chuyện chính VAMA phải thay đổi bằng những sáng kiến tổ chức khác. Khi các nhà nhập khẩu ra đi, đây là cơ hội cho VAMA thể hiện mình. Ngược lại, cơ hội này sẽ biến thành nguy cơ, nhất là khi thời điểm tổ chức lễ hội của các nhà nhập khẩu dự kiến là vào tháng 10.2015, tức là 1 tháng trước sự kiện của VAMA.
Việt Dũng