Nguồn ảnh: baohagiang

 
Thái Bình Thứ Năm | 10/10/2019 11:12

Vì sao Đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan"?

Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam.

 Đèo là đoạn quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đỉnh đèo cao 2.000 mét, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế. Ngày 16/11/2009, Bộ VHTT&DL đã quyết định xếp khu vực đèo Mã Pì Lèng Hà Giang là danh lam thắng cảnh quốc gia.

Mã Pì Lèng có rất nhiều tên gọi khác như: Mũi ngựa mát, tuyết bám mũi ngựa hay dốc ngựa chết,... Tất cả tên gọi đều nói đến mức độ hiểm trở của con đèo này. Nếu như một điểm du lịch mà chỉ toàn những hiểm trở thì không phải du khách nào cũng thích mạo hiểm, khám phá. Nhưng trải dài dưới chân đèo này có dòng sông Nho Quế giống như một dải lụa mềm mại, xanh ngát tạo nên những bức tranh hùng vĩ, làm dịu bớt sự mạo hiểm của những vách đá, những khối đá lô nhô như hổ đá cũng hóa dịu dàng, nên thơ.

Khung cảnh hùng vĩ trên Đèo Mã Pì Lèng
Khung cảnh hùng vĩ trên Đèo Mã Pì Lèng. Nguồn ảnh: Hà Giang Tour

Đặc biệt, một mỏm đá nhô ra từ một vị trí thuộc khu vực Mã Pì Lèng chính là nơi cảm nhận trọn vẹn sự hùng vĩ, bao la của của núi rừng miền đá biên giới phía Bắc. Du khách đứng trên đèo tưởng như ở giữa lưng trời bao la, bát ngát, ngắm nhìn hình sông, thế núi cao vời vợi, nhiều du khách còn ví như “chèo thuyền” trên miền núi đá. Nếu chú ý hơn, những ai đặt chân đến đây còn có thể quan sát đặc điểm địa chất lý thú như mặt trượt đứt gãy; nếp uốn; tháp kim; ranh giới giữa các lớp đá vôi với nhau. Điều đặc biệt hơn, từ nơi đây cũng có thể quan sát thấy di tích đáy thung lũng Mèo Vạc cổ nằm trên sườn ở độ cao 900 m so với mực nước biển, dưới dạng một số quả đồi đẳng thước, khá thoải và đã được một số hộ dân tìm đến sinh sống. Đó có thể coi là di tích thềm sông cổ nhất của cả thung lũng Mèo Vạc cũng như thung lũng dòng sông Nho Quế.

 

Những cung đường uốn lượn, những mỏm đá lô nhô trùng trùng, điệp điệp và dòng sông Nho Quế hiền dịu như cô gái miền sơn cước xinh đẹp trong mắt mọi người... tất cả những nét đẹp đó nhờ các vận động kiến tạo về sau đã biến khu vực này thành lục địa, tạo ra vô số những uốn nếp, dập vỡ trong các loại đá vôi. Cảnh quan hùng vĩ như ta thấy ngày nay là chủ yếu do hoạt động đứt gãy sông Nho Quế khoảng từ 32 triệu năm trước đến nay, cũng như nhiều quá trình địa chất khác như: Rửa trôi, bóc mòn, san bằng, karrst hóa,... Hẻm vực sông Nho Quế đoạn qua Mã Pì Lèng dài khoảng 1,7 km, sâu tới 700 – 800 m, vách dốc 70 – 80 độ, được coi là hẻm vực sâu nhất Việt Nam và Đông Nam Á nên từ lâu đã được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”.

 

Nhưng hiện tại "Đệ nhật hùng quan" đang được nhiều người bàn đến không chỉ vẻ đẹp hùng vĩ nữa mà chính là tòa nhà được xây dựng trên lưng chừng đèo.

Nhiều ngày qua, cư dân mạng kêu gọi tẩy chay, tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng có tên Mã Pì Lèng Panorama. Công trình này được ví von như những cái "răng sâu" bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ, xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xâm phạm danh thắng Quốc gia.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.

Tòa nhà trái phép tại Mã Pí Lèng, tỉnh Hà Giang. Ảnh: vietnammoi
Tòa nhà trái phép tại Mã Pí Lèng, tỉnh Hà Giang. Ảnh: vietnammoi

Công trình này được cho là xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng và gây ảnh hưởng đến cảnh quan của danh thắng Mã Pí Lèng. Tòa nhà này được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng từ đầu năm nay.

Ngày 4/10, tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường.

Nguồn Tổng hợp