Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm giải quyết thách thức về tỉ lệ sinh thấp từ các quốc gia khác. Ảnh: Freepik.
“Vén màn” tỉ lệ sinh giảm ở Việt Nam
Theo Tiến sĩ Catherine Earl, giảng viên cấp cao ngành Truyền thông tại Đại học RMIT Việt Nam, khi gia đình tăng quân số nhưng lực lượng hỗ trợ lại ít đi thì gánh nặng từ những việc không lương càng tạo thêm áp lực cho phụ nữ.
Báo cáo của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ về Việt Nam cho thấy lĩnh vực “hôn nhân và gia đình” thuộc chỉ số Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 5.1.1 về “Khung pháp lý thúc đẩy, thực thi và giám sát bình đẳng giới” chỉ đạt mức khiêm tốn 60%, thấp hơn rất nhiều so với lĩnh vực “việc làm và lợi ích kinh tế” đạt tới 90%.
Điều này cho thấy có sự thiên lệch vô thức với lực lượng tạo ra thu nhập, giảm giá trị của gánh nặng không công bằng đặt lên vai phụ nữ từ công việc không lương và trách nhiệm sinh nở chăm sóc con cái.
Thiếu sự công nhận đối với công việc không được trả lương là một trong những rào cản chính ngăn phụ nữ tham gia hết mình vào xã hội. Nếu Việt Nam đạt được bình đẳng trong san sẻ việc nhà, sức khỏe tinh thần và mức độ hài lòng với cuộc sống của phụ nữ sẽ được cải thiện, còn đất nước có thể tiến một bước dài trong việc thu hẹp khoảng cách giới.
Tuy nhiên, làm việc không được trả lương không phải là vấn đề nổi cộm duy nhất. Với việc được trả lương, phụ nữ cũng đối mặt với nhiều rào cản.
Trong công việc và thăng tiến sự nghiệp, phụ nữ thường đảm nhận các vị trí thấp hơn trong tổ chức và được trả ít hơn so với đồng nghiệp nam có cùng kinh nghiệm và trình độ.
Báo cáo của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ về Việt Nam cho thấy cơ hội đảm đương vị trí lãnh đạo của phụ nữ còn khiêm tốn, với chỉ số SDG 5.5.2 “Tỉ lệ phụ nữ ở các vị trí quản lý” là 26,3% và “Tỉ lệ phụ nữ ở các vị trí quản lý cấp cao và cấp trung” là 16,3%. Về tiền lương, chỉ số SDG 8.5.1 “Thu nhập trung bình theo giờ của nhân viên” cho thấy thu nhập của phụ nữ đang tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với nam giới.
Hai vấn đề là sự lãnh đạo của phụ nữ và khoảng cách lương theo giới cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm nếu muốn tiến tới bình đẳng giới.
Tự chủ tài chính là một vấn đề khác “ngăn bước” phụ nữ. Chỉ số SDG 8.10.2 “Tỉ lệ người lớn (15 tuổi trở lên) có tài khoản tại một tổ chức tài chính hoặc nhà cung cấp dịch vụ tiền di động” cho thấy phụ nữ tự chủ tài chính thấp hơn nam giới và đang tụt hậu hơn nữa. Nếu không kiểm soát được nguồn tài chính của mình, phụ nữ sẽ vẫn phụ thuộc vào nam giới.
Các vấn đề hàng đầu tại Việt Nam
Bình đẳng giới có thể đạt được thông qua các chính sách “chuyển đổi về giới” tiến bộ, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng, cũng như các chuẩn mực giới và hệ thống quyền lực phổ biến.
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách có thể hưởng lợi từ các hội thảo nâng cao năng lực để phát triển các hướng tiếp cận hiện có, gồm “trung lập về giới” (đối xử với phụ nữ và nam giới như nhau) và “nhạy cảm giới” (nhận thức về những thách thức khác nhau mà phụ nữ và nam giới phải đối mặt), thành các chính sách “chuyển đổi về giới”.
Việc chỉ chăm chăm vào năng lực kinh tế có thể rủi ro làm suy yếu khả năng đạt được bình đẳng giới, vì thành tựu của khía cạnh này che mờ những lĩnh vực khác vốn sẽ có lợi hơn nếu có các giải pháp chính sách phù hợp.
Khoảng cách giới toàn cầu đã được thu hẹp ở mức 68,5%, mặc dù Diễn đàn kinh tế thế giới ước tính sẽ mất thêm 134 năm nữa để thu hẹp hoàn toàn khoảng cách này. Về tham gia kinh tế và cơ hội, Việt Nam đạt thứ hạng cao ở vị trí 29, nhưng lại xếp hạng 76 về giáo dục và sức khỏe, bao gồm cả tỉ lệ giới tính khi sinh cũng có thứ hạng rất thấp ở vị trí 144.
Sự lãnh đạo của phụ nữ, khoảng cách thu nhập theo giới và bình đẳng trong chăm sóc gia đình đã và đang tiếp tục là những vấn đề hàng đầu mà Việt Nam cần giải quyết.
Tiếp theo, Việt Nam cần triển khai hành động ưu tiên phụ nữ trong STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) nhằm xây dựng một tương lai toàn diện dựa trên công nghệ cho tất cả mọi người.
Các khung chính sách cần xem xét
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm giải quyết vấn đề tỉ lệ sinh thấp từ những quốc gia khác. Nhiều nước trên thế giới đưa ra chế độ nghỉ thai sản hoặc nghỉ phép có trả lương, áp dụng cho cả nữ và nam, bao gồm con ruột và con nuôi. Trong đó, Tây Ban Nha là một ví dụ điển hình. Nước này cho phép bố mẹ, bao gồm cả các cặp đôi đồng giới, được nghỉ và nhận nguyên lương 16 tuần trong năm đầu có con.
Chính sách của Đức ưu tiên các bà mẹ. Họ được hưởng 14 tuần nghỉ phép có trả lương và tối đa ba năm nghỉ phép nuôi con, kể cả con ruột và con nuôi. Chính sách của Nhật Bản hỗ trợ các ông bố, với một năm nghỉ phép có trả lương cho bố, cộng với quyền lợi nghỉ phép của mẹ.
Những yếu tố mà các quốc gia cần cân nhắc khi xây dựng chính sách dành cho cha mẹ bao gồm thời gian nghỉ phép, mức độ chi trả, chẳng hạn như 100% lương, cũng như sự bao hàm bất kể cha mẹ là phụ nữ, nam giới, cùng giới, ly hôn, cha mẹ đơn thân, và tình trạng của đứa trẻ là con ruột, con riêng, hay con nuôi.