Số liệu của Statista cho thấy, thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu đã tăng từ 13,56 tỉ USD năm 2018 lên 16,29 tỉ USD trong năm 2021. Ảnh: TL.
Vẻ đẹp thuần chay: Sức hút thị trường tỉ USD
Mỹ phẩm thuần chay - sản phẩm làm đẹp không có dẫn xuất từ động vật, không thử nghiệm trên động vật - không còn là điều mới mẻ nhưng nhu cầu về nó đang ngày càng gia tăng, tạo nên một diện mạo mới, thậm chí thay đổi một phần ngành công nghiệp làm đẹp.
Khuynh hướng bền vững
Số liệu của Statista cho thấy, thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu đã tăng từ 13,56 tỉ USD năm 2018 lên 16,29 tỉ USD trong năm 2021. Ước tính đến năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc 20,8 tỉ USD. Các nhà bán lẻ, các sàn thương mại điện tử cũng nhanh chóng cập nhật xu hướng này khi dành cho mỹ phẩm thuần chay một danh mục hoặc kệ hàng riêng.
Có 4 nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ phẩm thuần chay. Thứ nhất, khi người tiêu dùng chứng kiến các hành vi tàn nhẫn, đối xử bất công với động vật, họ muốn chống lại các hành vi phi đạo đức này. Thuần chay vượt khỏi giới hạn của lĩnh vực thực phẩm, trở thành một chọn lựa và phong cách sống. Thứ 2, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đang được ưa chuộng. Thứ 3, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị cấm tại một số quốc gia phát triển. Cuối cùng là sự phổ biến trên diện rộng của các dòng mỹ phẩm an toàn cho người sử dụng.
Mỹ phẩm thuần chay từng được xem là một thị trường ngách, đặc biệt đối với các thương hiệu làm đẹp lâu đời. Tuy nhiên, khi nhu cầu của người dùng thay đổi, những mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, dù thuộc phân khúc sản xuất nào, từ sản xuất mỹ phẩm chăm sóc cơ thể, chăm sóc da cho đến trang điểm, từ vệ sinh nhà cửa cho đến các sản phẩm lau chùi chuyên dụng... đều có sự dịch chuyển đáng kể. Nhiều thương hiệu như Hourglass, The Body Shop hay Le Labo... cam kết 100% thuần chay và biến điều này trở thành dấu ấn nhận diện riêng.
Mỹ phẩm thuần chay là khuynh hướng phát triển bền vững chứ không phải là trào lưu nhất thời. Ảnh: TL. |
“Sự dịch chuyển này là tất yếu. Cùng với sự phát triển của công nghệ, con người ngày càng hiểu hơn những vấn đề mà hành tinh họ sống đang gặp phải và càng có ý thức tiêu dùng trách nhiệm hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa có hồi kết, chúng ta càng có khuynh hướng sống lành mạnh, quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và ưa chuộng những sản phẩm lành, sạch, ít tác động đến môi trường hơn. Do đó, mỹ phẩm thuần chay là khuynh hướng phát triển bền vững chứ không phải là trào lưu nhất thời”, ông Trần Thanh Hải, Trưởng Nhánh hàng chăm sóc cá nhân, ngành hóa chất, DKSH Việt Nam, nhận định.
Dấu ấn Việt Nam
Tại Việt Nam, bên cạnh các thương hiệu mỹ phẩm truyền thống chiếm số lượng không đáng kể thì 10 năm trở lại đây, cùng với xu hướng mỹ phẩm xanh, xuất hiện khá nhiều thương hiệu mới được người dùng ưa chuộng, tạo nên sự sôi động trên thị trường mỹ phẩm nội địa.
Các bánh xà phòng của Herb n’ Spice hay BareSoul đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên, 100% địa phương nhằm giảm tải lượng khí thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển, đồng thời tuân thủ 4 yếu tố: sản phẩm thủ công, không thí nghiệm trên động vật, không nước thải xám, không sử dụng dầu cọ. NauNau, thương hiệu ra đời từ năm 2013, cũng tuân thủ quy trình trên với các dòng sản phẩm, từ chăm sóc da, trang điểm, cho đến sản phẩm phòng tắm, nước hoa, tinh dầu, dầu thơm, thậm chí sản phẩm dành cho thú cưng.
Ông Hải cho biết không chỉ có người dùng, nhà sản xuất cũng quan tâm đến mỹ phẩm thuần chay. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên 80% nhà sản xuất tìm đến DKSH Việt Nam đều bày tỏ mong muốn tìm kiếm các giải pháp nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm xanh, thuần chay vừa tốt cho người dùng vừa thân thiện với môi trường.
Cocoon - thương hiệu mỹ phẩm thuần chay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam nhận được chứng nhận “thuần chay” từ tổ chức bảo vệ động vật toàn cầu PETA - đã tận dụng các nguyên liệu thuần Việt như cà phê, bí đao, bạc hà, tràm trà, nghệ... tạo ra các dòng sản phẩm khác nhau, phá vỡ 2 mặc định của mỹ phẩm thuần chay. Thứ nhất, giá cả phải chăng nhờ nguyên liệu tự nhiên, có sẵn từ vùng bản địa. Thứ 2, nguồn nguyên liệu không chỉ phù hợp với làn da người Việt mà còn cho thấy sự vượt trội so với các công thức không thuần chay - một sự cải tiến đáng khích lệ về công nghệ.
“Khách hàng tìm đến chúng tôi thường tìm hiểu cặn kẽ quy trình, thành phần tạo nên sản phẩm, nhằm đảm bảo không có sản phẩm nào có nguồn gốc từ động vật”, ông Hải chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh, hiện nay, với những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, việc tìm kiếm các loại thực vật thay thế cho dẫn xuất từ động vật là hoàn toàn có thể.