Nguyễn Hoàng Bảo Thứ Hai | 19/02/2018 09:00

Vẽ chân dung người Việt xa xứ

“Sinh ra để bước đi trong đời” là tên hành trình của giảng viên du lịch Nguyễn Hoàng Bảo.

Anh đã đi qua 73 nước, đang chuẩn bị kế hoạch tới 136 điểm đến khác trong hành trình thực hiện dự án vẽ chân dung người Việt ở khắp thế giới.Dự án “Sinh ra để bước đi trong Đời” là một hành trình trải nghiệm ở 136 quốc gia trong 1.000 ngày, dự kiến sẽ được thực hiện vào mùa thu năm 2018. Hành trình sẽ bắt đầu từ những quốc gia châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, châu Á, châu Úc và kết thúc ở châu Nam Cực. 

1.Hành trình để minh chứng một điều con người sinh ra được làm chủ bản thân rong ruổi trong trời đất bao la để nhận ra nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hành trình còn mang lại năng lượng tích cực cho các bạn trẻ nhìn nhận về cuộc sống xung quanh vốn dĩ luôn phức tạp rằng chúng ta được sinh ra và hoàn toàn có thể tự bước đi trong thế giới rộng lớn này. 

Trong hành trình này, tôi mong mỏi được lắng nghe những câu chuyện của người Việt khắp nơi trên thế giới về hạnh phúc, công việc, gia đình, những góc nhìn đa chiều trong cuộc sống hay cụ thể hơn là những dấu ấn của ngày đầu chật vật, thiếu thốn khi xa quê hương, hay những nỗi niềm khắc khoải về nơi chôn nhau cắt rốn...

Cuối tháng 12.2017, tôi tiếp tục hành trình chinh phục những vùng đất mới, vùng biển El Nido biển xanh, cát trắng thuộc tỉnh Palawan của Philippines. Ở thủ phủ Princesa, đi đâu tôi cũng thấy bảng hiệu ghi dòng chữ “Chaolong” và đính kèm bên dưới là “Taste of Vietnamese”. Trong những chuyến đi xa, tôi thường tìm những nhà hàng người Việt để thưởng thức hương vị xứ người có gì khác so với xứ ta, hay đàm đạo những câu chuyện bên lề cuộc sống của những người Việt đồng hương. Tôi quyết định thưởng thức cho bằng được món cháo lòng ở hòn đảo xa xôi này.

Ve chan dung nguoi Viet xa xu
 

Theo sự hướng dẫn của chủ nhà trọ, không khó khăn lắm tôi tìm được một quán Chaolong của người Việt trên một con phố lớn. Cô nhân viên người Phi có lẽ đoán ra tôi là người Việt nên gọi ông chủ xuống tiếp khách. Ông chủ tên Phương, có vợ người Phi và một thời gian dài định cư ở Canada. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ hành trình xa xứ của ông có số phận khá lênh đênh từ khi còn trẻ để rồi cuối cùng chọn nơi đây để tiếp tục mưu sinh khi độ tuổi đã xế chiều.

Ban đầu là những câu chuyện của một người tị nạn, sự vất vả khi phải làm lại từ đầu, rồi khi đầy đủ về vật chất nhưng không khỏa lấp nỗi nhớ quê hương, đến khi lấy vợ, sinh con, tiếp tục những thất bại do thời cuộc để cuối cùng chọn vùng đảo này sinh sống mà trớ trêu thay không xa Côn Đảo là bao. Những câu chuyện khiến tôi phải ray rứt về một phận đời. “Nếu có thêm một vài ngày trên đảo, tôi sẽ lái xe chở chú em trải nghiệm như người dân bản địa Palawan, thăm những gia đình người Việt thành công ở đây và nghe những câu chuyện về họ”, giọng ông da diết khi xiết chặt tay tôi hẹn ngày gặp lại.


2.Tôi lại lên kế hoạch cho hành trình đến vùng đất châu Phi xa xôi với tâm trạng khá lo lắng vào mùa Xuân năm 2016. Bởi  đây là vùng đất kém an ninh, xã hội phức tạp, nghèo đói, nhiều dịch bệnh, thiếu thông tin nên tạo nhiều yếu tố may rủi khi đi du lịch bụi. 

Ve chan dung nguoi Viet xa xu
Gặp người Việt ở Kenya


Tôi may mắn được một người bạn giới thiệu chị Hạnh, người Hà Nội chính gốc. Chị là vợ của Trưởng đại diện Liên Hiệp Quốc tại Kenya đã hơn chục năm. Đây lại là một câu chuyện khác của người Việt ở nước ngoài. Chị khuyên tôi không nên đi xe địa phương, không đến những khu ổ chuột, không đi khuya và không quá thân với người lạ vì chị từng chứng kiến những vụ bắt cóc, cướp bóc xảy ra ở đất nước này. Nhà chị khá rộng nằm trong khuôn viên sân vườn trồng nhiều loại hoa. Bên ngoài là vòng rào B40 kiên cố được thiết lập hệ thống an ninh nghiêm ngặt.

Có thể đầy đủ vật chất nhưng những người Việt như chị cũng mang nhiều lo âu vì nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng trở thành con mồi cho bọn tội phạm. “Chị quen rồi, người dân nơi đây thân thiện, môi trường ở đây trong lành nên chị xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình”, chị thổ lộ khi tôi hỏi chị có yêu vùng đất nhiều rủi ro như chị bảo không.


3.Chuyến đi Đài Loan lần đầu mang lại cho tôi nhiều cảm xúc bồi hồi. Hơn 20 năm mới gặp lại cô bạn thanh mai trúc mã ở quê. Quê tôi ở miền Tây nên những cô gái vào những năm ấy lũ lượt cưới chồng tận Hàn Quốc, Đài Loan hay nước Mỹ xa xôi. 

Chúng tôi đã gặp nhau ở Đài Bắc, ngay tại hiệu chè hương vị Việt Nam của cô. Ban đầu tôi thắc mắc tại sao không kinh doanh trà sữa ở xứ Đài mà lại là món chè ngọt lịm miền Tây. Cô ấy thật thà bảo rằng bên đây nhiều hiệu trà sữa lắm, cạnh tranh cũng cao chi bằng làm những món quê phục vụ cho những cô dâu Việt xứ này và giới thiệu luôn ẩm thực Việt Nam cho người Đài.

Ở quê, cô ấy cũng thuộc diện nhà có của ăn của để nhưng khi qua bên này phải hoàn toàn bươn chải mưu sinh. Dù cuộc sống không quá khó khăn như những cô dâu Đài khác, cô ấy vẫn phải lao động liên tục để đủ tiền chi tiêu như một gia đình người Đài thực thụ. Những câu chuyện của chúng tôi cứ kéo dài mãi về những phận đời “lấy chồng xa xứ biết đâu mà dìa”.

Mạng xã hội giúp tôi kết thân với một anh bạn Mỹ gốc Việt. Anh ta qua Mỹ lúc lẫm chẫm biết đi trong chương trình Không vận trẻ em (Babylift) vào năm 1975. Những người như anh vẫn bị một bộ phận người Mỹ gọi là “banana”. Ban đầu tôi không hiểu rõ sự ví von này.

Anh vô tư giải thích: “Tôi không biết viết tiếng Việt, nói thì bập bõm vài câu đơn giản nhưng tôi là người Mỹ thật sự vì cách sống Mỹ, văn hóa Mỹ, giáo dục Mỹ nhưng ngoại hình của tôi cũng là một người Á châu. Giống như quả chuối, bên trong ruột thì trắng nõn, lớp áo bên ngoài vẫn một màu vàng đặc trưng không trộn lẫn”. Một điều khiến tôi vẫn ấm ức và hẹn một ngày nào đó gặp anh trên đất Mỹ để thấu hiểu hơn những suy nghĩ của một người trong thế mắc kẹt giữa những tư tưởng mà tôi tạm gọi là sự kỳ thị ở một quốc gia đa chủng tộc như Mỹ.

4.Mỗi quốc gia sẽ là một câu chuyện người Việt ở xứ người. Họ có thể là một cá nhân hay một nhóm, trẻ tuổi hay những người đã gần đất xa trời, một gia đình đã định cư lâu năm hay vừa mới chạm ngõ cuộc sống mới. Họ là những người lao động mưu sinh, du học sinh, cô dâu xa xứ, những quan chức, thuyền nhân hay những bạn đồng hành người Việt đâu đó cùng sở thích xê dịch. Tôi mong được khắc họa họ bằng những câu chuyện đời rất thực trong một bức tranh toàn cảnh về người Việt khắp nơi trên thế giới dưới một góc nhìn mang tính nhân văn.

Ve chan dung nguoi Viet xa xu
Tác giả tại Pakistan

Tôi là người đam mê trải nghiệm du lịch văn hóa, đặc biệt mong mỏi tìm hiểu tính cách của con người. Mỗi vùng đất đi qua, tài sản của tôi mang về là những câu chuyện nhân sinh về họ. Tôi mong mình có thể đi được xa hơn, tìm được nhiều chất liệu sinh động, đa dạng hơn để khắc họa nên chân dung của họ. Những người Việt máu mủ ở đâu đó vẫn đang sinh sống, tỏa hương trong trời đất. Hãy chia sẻ và giúp tôi tìm đến họ, những người thân của chúng ta.